Thời sự
Để CPTPP thực sự là nguồn lợi lớn
Bảo Duy - 28/05/2018 08:26
Sau gần 3 tháng được ký kết, tuần qua, những thông tin chi tiết hơn về nội dung Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã bắt đầu đến với doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN

Không ít doanh nghiệp Việt Nam đang rất quan tâm tới CPTPP. Tại cuộc trao đổi đầu tiên về nội dung này do Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế điều hành, hội trường lớn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không còn một chỗ trống. Doanh nghiệp muốn biết họ sẽ tìm kiếm được nguồn lợi gì, bằng cách nào từ những cam kết mà 11 thành viên CPTPP đã nỗ lực tìm điểm cân bằng mới khi không còn đối tác lớn là Mỹ.

Tất nhiên, Mỹ không phải là toàn bộ “chiếc bánh” thị trường châu Mỹ. Canada, Mexico, Pêru… là những phần khác của chiếc bánh này, dù nhỏ hơn nhiều, song không thể bỏ qua với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

.

Với Nhật, Australia, New Zealand - nơi Việt Nam đã có các hiệp định thương mại tự do song phương, CPTPP đã nâng cấp cuộc chơi với những hứa hẹn cao hơn. Đó là chưa kể cơ hội hài hóa quy tắc xuất xứ, mở rộng phạm vi “nội khối” để dễ dàng tận dụng các ưu đãi thuế quan trọng trong CPTPP, điều mà từng hiệp định thương mại tự do (FTA) riêng rẽ không làm được.

CPTPP cũng không chỉ là cơ hội gia tăng xuất khẩu, mà còn là cơ hội để nhập khẩu nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị với giá cả hợp lý, để nâng cao cạnh tranh trên thị trường dịch vụ, qua đó tăng chất lượng, giảm giá thành nhiều dịch vụ phục vụ sản xuất. Đặc biệt, với các cam kết về quy tắc sau đường biên giới, CPTPP là cơ hội có một không hai để thúc đẩy, tăng tốc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh theo những tiêu chuẩn mới của thế giới… Một nghiên cứu mới đây của Nhật Bản còn cho thấy, những lợi ích từ thuế quan trong CPTPP dù chỉ giúp GDP của Việt Nam tăng 1,1%, chưa bằng 1/6 lợi ích mà TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - “tiền thân” của CPTPP được đàm phán từ tháng 3/2010) hứa hẹn, song lợi ích từ cải cách thể chế (chỉ xét về các hàng rào phi thuế) lại gần bằng với TPP, tức giúp GDP của Việt Nam tăng khoảng 10%.

Thế nhưng, câu hỏi vẫn là làm thế nào để các doanh nghiệp tận dụng được các lợi ích này. Quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do hiện hữu của Việt Nam cho thấy thực tế đáng suy nghĩ. Đơn cử, tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan trung bình của các hiệp định hiện mới đạt 30-40%, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

Thách thức lớn hơn, riêng có của CPTPP là doanh nghiệp phải chủ động tham gia cùng cơ quan quản lý nhà nước kiến tạo hệ thống thể chế pháp lý về môi trường kinh doanh sao cho vừa tuân thủ CPTPP, vừa tận dụng được không gian chính sách còn lại để phục vụ tốt nhất lợi ích của doanh nghiệp trong nước.

Với các cơ quan quản lý nhà nước, thách thức là phải quyết tâm tổ chức thực thi thuận lợi và thông suốt, để doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa cơ hội thị trường. Bên cạnh đó, phải minh bạch, tham vấn cùng doanh nghiệp trong quá trình rà soát pháp luật, luật hóa các quy định theo pháp luật Việt Nam và thực thi các cam kết CPTPP một cách thích hợp.

Đang có những dự báo tích cực về thời điểm hiệu lực của CPTPP, có thể cuối năm 2018, đầu 2019, khi chỉ cần 6 nước phê chuẩn là đủ. Nghĩa là, thời gian để chuẩn bị tâm thế và nguồn lực nhằm tận dụng tối đa các lợi ích của CPTPP không còn nhiều.

Không dễ để CPTPP thực sự là nguồn lợi lớn.

Tin liên quan
Tin khác