Tinh thần dấn thân quyết định tấm vé lên tàu
Ngay từ Báo cáo chính của Diễn đàn, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có bài tham luận với chủ đề “Con tàu cách mạng công nghiệp 4.0: Thế giới lên tàu, Việt Nam bỏ lỡ?”. Với cách tiếp cận độc đáo, tham luận đã chỉ ra những vấn đề và lý do tại sao Việt Nam có khả năng bắt nhịp được với xu thế chung của thế giới.
Một trong 5 “điểm cộng” quan trọng mà ông Võ Trí Thành chỉ ra là, Chính phủ, doanh nghiệp, con người Việt Nam có khát vọng, có dũng khí dấn thân vào cuộc cách mạng này. Đó sẽ là khởi nguồn của sự sáng tạo, khát khao vươn lên, là yếu tố mang đến thành công khi thực hiện cuộc cách mạng 4.0.
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chúng ta đã đề cập nhiều, giờ là lúc phải hành động. Chúng ta phải dấn thân hơn nữa, mạnh dạn hơn nữa thì mới mong thành công trong cuộc cách mạng này”.
Tinh thần “dấn thân hơn nữa” mà Phó thủ tướng đề cập đến không cần phải cao xa. Ông Vũ Đức Đam lấy ví dụ về việc phải “làm mạnh” cung cấp dịch vụ công cho người dân. Theo đó, dịch vụ công mức 3, mức 4 phải được đặt ra để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành. Không cần đặt những bài toán to lớn, mà chỉ cần đặt ra số lượng các dịch vụ phải làm ở mức độ 4. Khi đó sẽ có nhiều hệ quả tốt đẹp về cải cách hành chính, phòng chống tiêu cực, năng lực điều hành quản lý được nâng cao…
Hay như việc cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT). Hiện dịch vụ cho thuê ngoài CNTT với y tế, bảo hiểm đã được thực hiện 2 năm nay, nhưng qua làm việc với các địa phương mới đây, Phó thủ tướng nhận được phản ánh tại các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, dù doanh nghiệp đã cam kết, nhưng phần mềm vẫn chưa chạy thông suốt. Do đó, để đẩy mạnh thuê dịch vụ CNTT, các doanh nghiệp CNTT cũng phải có phần mềm độ tin cậy cao, phải chạy được trong các trường hợp, chứ không có chuyện chỉ mình làm thì chạy, đến khi người khác dùng lại trục trặc...
“Đất nước còn nghèo, chỉ bứt lên được nếu chúng ta có sự đột phá. Các tổ chức quốc tế đã chỉ ra rằng, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, 20 năm tới đây, Việt Nam phải tăng thu nhập tối thiểu trên đầu người 7%, tăng GDP 7,5 - 8% mỗi năm. Tăng trưởng phải bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường. Chúng ta hãy làm những việc tuy không phải là mới, nhưng với một quyết tâm mới, nhằm mang lại một tâm thế mới”, Phó thủ tướng phát biểu.
Dấn thân ngay từ hôm nay
Ngay tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp cũng băn khoăn rằng, khi cuộc cách mạng 4.0 lan đến Việt Nam, những ngành sản xuất truyền thống sẽ biến mất, các doanh nghiệp sẽ khó khăn, lao động mất việc làm.
Trả lời băn khoăn này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn cho rằng, đó chính là vấn đề đặt ra khiến chúng ta phải có một thái độ cởi mở, thái độ chấp nhận, dũng khí vượt qua những khó khăn và phải có sự dấn thân. “Bây giờ 1 chiếc máy may tự động năng suất bằng 17 công nhân, có những nhà máy làm việc trong bóng đêm như Foxxcon… Thế giới đang thay đổi, chỉ có làm chủ cuộc thay đổi đó, chúng ta mới tồn tại được. Rất nhiều bài toán sẽ đặt ra, vấn đề là chúng ta có ý chí, có dấn thân hành động hay không”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ (Bộ Công thương) cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 không của riêng quốc gia nào, nếu không có tư duy đổi mới, phát triển và ứng xử phù hợp thì sẽ bị đào thải. Nếu một quốc gia chấp nhận “đứng im” sẽ đồng nghĩa với sự thụt lùi. Doanh nghiệp cần phải hiểu đúng và đầy đủ về cuộc cách mạng 4.0, về những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai, những yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc.
“Nếu một cá nhân hoặc doanh nghiệp cung cấp được giải pháp công nghệ, khiến một nhà máy thay vì phải đóng cửa 45 ngày để bảo trì, bảo dưỡng, xuống còn 25-30 ngày, hoặc không phải đóng cửa thì nhiều cơ sở sản xuất sẵn sàng mua giải pháp công nghệ đó. Đó chính là cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0 dành cho tất cả mọi người”, ông Cường nói.
Tinh thần dấn thân, dưới góc độ quốc gia lại được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel, lý giải dưới một góc nhìn khác. Đó là, Việt Nam đừng sợ không thực hiện được cuộc cách mạng 4.0, vì chúng ta có cơ hội.
Theo ông Hùng, với cuộc cách mạng 4.0, nền tảng của nó không tốn nhiều tiền. Nền tảng của cuộc cách mạng này là kết nối, sense, Data Center… chỉ cần mức đầu tư bằng 1%, hoặc thậm chí 1/1.000 so với đầu tư hạ tầng như đường sá, nhà máy, hoặc đầu tư hạ tầng các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Cho nên, những nước như Việt Nam có đầy đủ điều kiện để xây dựng hạ tầng cho cuộc cách mạng 4.0 trong thời gian ngắn. Điều này dễ hơn nữa khi chúng ta có một số doanh nghiệp có hạ tầng tương đối mạnh, hoàn toàn có thể dùng tiền doanh nghiệp làm điều đó.
Cuộc cách mạng nào cũng vậy, cần có một hạ tầng để đảm bảo cho sự sáng tạo ra sản phẩm. Cuộc cách mạng 4.0 không phải là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, mà là cuộc cách mạng dành cho các cá nhân, càng nhỏ bao nhiêu càng sáng tạo bấy nhiêu, với điều kiện có hạ tầng.
“Hai điều kiện đó đã có sẵn. Tôi tin là có thể thực hiện được cuộc cách mạng này tại Việt Nam”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, bước vào cuộc cách mạng 4.0, các doanh nghiệp hãy bắt tay ngay vào làm, không cần “nhìn trước ngó sau”.
“FPT, Vingroup, Viettel làm trước, từng cá nhân làm trước. Nhiều khi chúng ta cứ chờ có đủ điều kiện mới làm, nhưng không phải thế. Mọi người mong luật pháp đi trước, nhưng không phải. Thông thường là luật pháp sẽ đi sau. Tôi nghĩ, anh em mình ngồi đây hãy làm trước. Hãy bắt đầu cuộc cách mạng 4.0 ngay từ hội trường này”, ông Hùng nói.