- Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc
- Đề xuất tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Lai Châu
- Vạch lộ trình nghiên cứu xây dựng Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô
- Lập Đề án đánh giá khả năng quy hoạch cảng hàng không tại Măng Đen - Kon Tum
Đây là lần đầu tiên, cả 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia trong lĩnh vực được thực hiện đồng thời, có phân công rõ vai trò dựa trên lợi thế từng phương thức trên từng hành lang vận tải chính, bảo đảm tính hệ thống, kết nối đồng bộ hiệu quả giữa các phương thức vận tải nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics. Năm quy hoạch này còn là cơ sở để hình thành các dự án tốt, hấp dẫn nhà đầu tư; đặc biệt là sẽ phát huy đúng lợi thế của từng chuyên ngành nhằm góp phần giảm phí logistic, tối ưu hóa chi phí vận tải, cải thiện năng lực canh tranh của nền kinh tế.
Riêng với Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do tính chất phức tạp, có nhiều nội dung liên quan đến quốc phòng - an ninh, nên cần nhiều thời gian để thẩm định, chỉnh sửa.
Trong bối cảnh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch của địa phương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc sớm công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cấp thiết, nhất là khi có khá nhiều sân bay mới vừa được bổ sung vào quy hoạch theo diện “chế độ chờ”, nhưng các chỉ tiêu quy hoạch lại chưa rõ ràng.
Cần phải nói thêm rằng, các sân bay, cảng hàng không mới được bổ sung vào quy hoạch chuyên ngành chắc chắn không thể tự đứng một mình. Tất cả đều gắn với kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển du lịch, đô thị và giao thông kết nối, đặc biệt là các sân bay tại những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, mà sân bay Quảng Ninh là trường hợp điển hình.
Hiện tại, một số địa phương có sân bay lần đầu bổ sung vào quy hoạch đều sẵn sàng bỏ kinh phí nghiên cứu, đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và khả năng huy động vốn đầu tư. Các địa phương này cũng ưu tiên nguồn lực hiện có để thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng nhằm thu hút nhà đầu tư.
Cùng với việc sớm công bố các nội dung quy hoạch, Bộ GTVT và các đơn vị chuyên môn dưới quyền cần sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Đây là chìa khóa để giải bài toán huy động hơn 420.000 tỷ đồng đề đầu tư các dự án hạ tầng hàng không được ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2021 -2030.
Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, các địa phương và nhà đầu tư đều rất lúng túng khi triển khai thủ tục thực hiện xã hội hóa đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không hiện hữu. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có quy định, hướng dẫn về định giá tài sản kết cấu hạ tầng hàng không để thực hiện các thủ tục đầu tư theo hình thức PPP; thiếu cơ chế quản lý đất đai và kết cấu hạ tầng cảng hàng không liên quan đến quốc phòng. Đây là những rào cản đối với cả nhà đầu tư lẫn chính quyền địa phương.
Nhiều nhà đầu tư tư nhân đã từng rất hào hứng với các dự án hạ tầng hàng không, nhưng sau thời gian theo đuổi đã phải chấp nhận bỏ cuộc do thủ tục quá rườm rà và chưa rõ ràng.
Chính vì vậy, việc sớm thông qua Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không không chỉ mở ra cơ hội cụ thể cho nhà đầu tư tư nhân, mà còn trực tiếp đưa Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sớm đi vào cuộc sống, khắc phục tình trạng “treo” như nhiều bản quy hoạch chuyên ngành trước đây.