| ||
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khai mạc Hội nghị |
Để Luật Đầu tư công thực sự trở thành vũ khí chống tham nhũng, lãng phí, nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ hơn nữa trách nhiệm, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công và chế tài xử lý vi phạm.
“Từ nhiều năm nay, chúng ta đã nói quá nhiều về tình trạng dàn trải, thất thoát, lãng phí trong hoạt động đầu tư công, nhưng không quy kết được thủ phạm, không ai chịu trách nhiệm”, ông Hoàng Thanh Tâm, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Trà Vinh nói và đề nghị Dự thảo phải quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền, cũng như các tiêu chí quy định thế nào là “công trình, dự án cấp bách”.
“Nếu không quy định rõ tiêu chí, sẽ dẫn đến tình trạng áp đặt ý chí chủ quan trong việc xác định công trình, dự án cấp bách”, ông Tâm nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm này, ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị Dự thảo Luật làm rõ các khái niệm, như thế nào là kém hiệu quả? “Một dự án thủy điện có thể có hiệu quả kinh tế, nhưng lại gây ảnh hưởng về môi trường và xã hội, vậy cần phải đánh giá như thế nào?”, ông Vở nêu vấn đề.
Liên quan đến việc xác định tiêu chí công trình trọng điểm, theo ông Vở, Luật cần quy định rõ yếu tố liên kết vùng. “Nếu không quan tâm yếu tố liên kết vùng, phù hợp với quy hoạch vùng, thì không khắc phục được tình trạng một vùng có các dự án trọng điểm giống nhau, chồng chéo. Thực tế tại một số vùng, tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, cảng biển, nhà máy xi măng..., dẫn đến tình trạng thừa công suất, lãng phí nghiêm trọng”, ông Vở phân tích.
| ||
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đồng chủ trì Hội thảo |
Liên quan đến việc giám sát cộng đồng đối với dự án đầu tư công, ông Nguyễn Tầm Dương, Phó trưởng ban Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Bình Dương cho rằng, quy định tại Điều 73 của Dự thảo Luật là chưa đủ và chưa cụ thể; cộng đồng không có thông tin nên không thể giám sát. Tương tự, một số đại biểu đặt câu hỏi: HĐND các tỉnh, thành phố và cộng đồng có quyền giám sát dự án đầu tư của Trung ương thực hiện tại địa phương không?
Cũng tại Hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị cần có các quy định về công khai, minh bạch dự án đầu tư công; về sử dụng công cụ kiểm toán nhằm giám sát tài chính dự án đầu tư công; về quy kết trách nhiệm đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có vốn hoặc không có vốn đầu tư... Đồng thời, theo ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cần loại bỏ những quy định trái với các luật liên quan, như Luật Ngân sách, Luật Hội đồng nhân dân...
| ||
Mục tiêu của Hội nghị là tạo được một dự thảo Luật Đầu tư công tốt hơn, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Đồng chủ trì Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại Hội nghị.
“Mục tiêu của Hội nghị là tạo được một dự thảo Luật Đầu tư công tốt hơn, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ý kiến của các đại biểu đại diện HĐND và UBND các địa phương tại Hội nghị là hết sức quan trọng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận và sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Hà Anh