Diễn đàn M&A do Báo Đầu tư tổ chức thu hút nhiều doanh nghiệp Ảnh: Lê Toàn |
Lợi ích cộng hưởng từ M&A
Năm 2010, Chủ tịch Tập đoàn Bourbon tìm đến và trao đổi với ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC về việc muốn tìm người để nhượng lại dự án mà ông ấy đã ấp ủ rất lâu, sau 16 năm đặt nền móng cho nhà máy và phát triển tại thị trường Việt Nam. Lúc đó, Bourbon Tây Ninh là nhà máy đường lớn nhất tại Việt Nam, với công suất gần 10.000 tấn mía cây/ngày. Ngoài mía đường, nhà máy còn sản xuất điện sinh khối.
“Câu nói của Chủ tịch Bourbon làm tôi nhớ mãi, đó là với đứa con sinh ra sau 16 năm và trách nhiệm với những người nông dân đã gắn bó với Bourbon, nên tôi muốn tìm kiếm người tâm huyết như TTC để chuyển giao”, ông Thành kể trong Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức đầu tuần này và cho biết, ông rất ngưỡng mộ các doanh nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhất là người Pháp, vì họ luôn đề cao trách nhiệm với cán bộ, nhân viên và cả người dân trồng mía.
Theo Chủ tịch TTC, với những chủ doanh nghiệp có tầm nhìn, trách nhiệm với đồng vốn của chính họ và đồng vốn của cổ đông, người lao động, thì khi cảm thấy lĩnh vực đang hoạt động không còn khả năng đứng một mình trên thương trường, chắc chắn họ sẽ sớm tìm đối tác để hợp tác. Ngược lại, ở góc độ người mua, nếu có điều kiện thì M&A chính là cơ hội để phát triển, tất nhiên phải chấp nhận chi phí cơ hội thông qua con đường “tắt” này.
“M&A không chỉ là cơ hội cho người mua, mà cho cả người bán. Điều quan trọng là chúng ta biết chọn thời điểm thích hợp để M&A. Bên bán phải chọn thời điểm để thấy được nội lực tốt nhất ở thời điểm nên bán, còn người mua, thông qua M&A cũng được xem là cơ hội để có thể mở rộng quy mô hoạt động khi có thời điểm thích hợp”, ông Đặng Văn Thành nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) cũng có chung quan điểm khi cho rằng, M&A là chìa tay, hỗ trợ kéo doanh nghiệp bạn cùng vượt qua khó khăn, để họ giữ được doanh nghiệp, giữ được tài sản.
Trên thực tế, Biwase đã gặp nhiều trường hợp doanh nghiệp đam mê ngành nước. Những doanh nghiệp này đã đầu tư vốn vào để xây dựng nhà máy khi cho rằng ngành cấp nước tương đối ổn định. Tuy nhiên, họ mới chỉ có đam mê đầu tư, mà không phát triển mạng lưới cấp nước, dịch vụ cấp nước hoàn chỉnh, vì vậy gặp khó khăn, thua lỗ. Khi đó, Biwase vào cùng đầu tư, phát triển mạng lưới, hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển.
“Sau khi tiếp nhận, chúng tôi sẽ đổi mới công tác quản trị. Khi vào tiếp quản, điều quan trọng là giữ được việc làm cho công nhân, họ sẽ cống hiến hết mình. Tìm hiểu đời sống của công nhân, nếu lương của họ thấp thì có thể điều chỉnh, giúp họ cải thiện đời sống, từ đó giúp tăng năng suất của doanh nghiệp”, ông Thiền nói.
Hướng đến sự thịnh vượng
Là một trong những tâm điểm theo dõi của nhiều nhà đầu tư quốc tế, thị trường M&A Việt Nam vẫn sẽ là mảnh đất để “Chung tay cùng thịnh vượng”, bởi M&A không phải lúc nào cũng là hoạt động “thôn tính” hay “thâu tóm” với những hàm ý không tích cực.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Minh Tiến, Phó chủ tịch HĐQT VIAD Group đánh giá, M&A là hoạt động diễn ra thường xuyên và là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Sau Covid-19, tổng giá trị thương vụ đi xuống, nhưng giá trị trung bình của các thương vụ M&A lại đang đi lên. Điều này thể hiện rõ xu hướng hiện tại là các doanh nghiệp chú trọng M&A các thương vụ có giá trị cần thiết để thúc đẩy lẫn nhau, cùng chống chọi với nền kinh tế đang bị đứt gãy.
“Dưới góc nhìn của nhà tư vấn, xu hướng hậu M&A mà cả bên bán lẫn bên mua đều muốn hướng đến là sự thịnh vượng. Thịnh vượng ở đây không chỉ về mặt tài chính, mà còn là sự phát triển bền vững về mặt cạnh tranh, thương hiệu”, ông Tiến nói, đồng thời cho biết, các nhà đầu tư Việt Nam đã tự tin hơn trong năng lực cạnh tranh của mình, nhà đầu tư nước ngoài thì tin tưởng hơn về sức hút và độ tin cậy chiến lược dài hạn của thị trường Việt Nam. “Đó là sự giao thoa, sự cộng hưởng mà nó khiến cho hoạt động M&A sắp tới sẽ bùng nổ”, ông Tiến nhận định.
Còn theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, mỗi một doanh nghiệp hay thương vụ đều có mục tiêu mà hai bên sẽ cộng hưởng rất nhiều lợi ích.
Thứ nhất, là sự cộng hưởng về tài chính, vì Việt Nam đang phát triển nên rất cần nguồn lực tài chính. “Chúng ta xác định rằng, cần nguồn lực đó để triển khai và hiện thực hóa các dự án”, bà Mẫu nói.
Thứ hai, khi qua giai đoạn phát triển, nhưng chúng ta cần có sự cộng hưởng về nguồn nhân lực để học hỏi về cách quản trị nhằm nâng cao khả năng quản lý hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Thứ ba, là sự cộng hưởng về thị trường, về lợi thế kinh doanh. Các đối tác nước ngoài rất giỏi về công nghệ, giỏi về làm thương hiệu và tối ưu hóa quy trình sản xuất, nên các doanh nghiệp cũng có thể cộng hưởng những yếu tố đó.
Thứ tư, là sự cộng hưởng về giao thoa văn hóa, về một nền kinh tế không chỉ trong ranh giới của quốc gia, mà mở rộng trên toàn cầu. “Ngày xưa, hội nhập là một xu hướng, thì ngày nay hội nhập đã trở thành một trào lưu, công nghệ số hóa hỗ trợ sự hội nhập rất cao. Nếu muốn phát triển thì phải thúc đẩy nguồn nhân lực chạm vào ngưỡng cửa của toàn cầu”, bà Mẫu nhìn nhận.