Y tế - Sức khỏe
Đề nghị bổ sung thêm điều mua sắm thuốc tập trung vào Luật Đấu thầu
Khánh Linh - 15/11/2022 11:10
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội kiến nghị bổ sung thêm điều mua sắm thuốc tập trung vì hoạt động đấu thầu thuốc tập trung có nhiều điểm khác biệt.

Để người dân có thể tiếp cận được với những dịch vụ y tế tốt nhất

Phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 1/11, Đại biểu Trần Thị Nhị Hà dành toàn bộ thời gian để nói về hoạt động trong đấu thầu thuốc, thiết bị y tế.

Bà Trần Thị Nhị Hà đang là Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà trong phiên thảo luận về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 15/11

“Dự thảo Luật Đấu thầu nhận được sự quan tâm của đặc biệt của xã hội, đặc biệt là sau hàng loạt vi phạm trong hoạt động đấu thầu, những vướng mắc, bất cập dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế xảy ra tại nhiều địa phương”, bà lý giải.

Vì vậy, bà đánh giá cao nhiều nội dung sửa đổi cửa Dự thảo, đặc biệt là nội dung tại điểm điểm c khoản 1 Điều 21. “Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu cung cấp hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới vận hành được”.

“Quy định này vừa phù hợp với thông lệ đấu thầu quốc tế, cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với các trường hợp có tính độc quyền, bảo hộ sáng chế; đồng thời cũng giải quyết được khó khăn của ngành y tế trong việc mua sắm trang thiết bị thay thế, vật tư xét nghiệm dành cho các loại máy xét nghiệm chỉ sử dụng hoá chất của hãng”, bà Hà làm rõ.

Tuy nhiên, bà Hà lấn cấn, việc sử dụng thuật ngữ “duy nhất”, “vận hành được” như nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 21 chưa phản ánh hết được thực tiễn hiện nay và có thể dẫn đến nguy cơ vi phạm quy định pháp luật đấu thầu khi áp dụng.

Bởi trên thực tế, các hãng sản xuất máy xét nghiệm không cung cấp tài liệu chứng minh máy này chỉ sử dụng một loại hoá chất, vật tư tiêu hao của chính hãng đó, mà thường chỉ khuyến cáo việc phải sử dụng đúng hoá chất của hãng, mặc dù vậy, một số loại hoá chất có thể đưa vào máy của các hãng khác, máy vẫn vận hành được, nhưng lại cho ra kết quả có độ chính xác không cao; một số loại linh kiện, phụ kiện thay thế hãng khác vẫn có thể bảo đảm máy vận hành được, nhưng không đạt yêu cầu về chuyên môn.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên được nhận viện trợ, tài trợ máy móc trang thiết bị y tế hiện đại, sau khi hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện hạch toán tăng tài sản và quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Trong quá trình vận hành máy móc phải sử dụng các dịch vụ phi tư vấn, do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền nên không thể mua được từ nhà cung cấp khác, vì vậy, cần phải quy định cơ chế đối với trường hợp trang thiết bị được nhận từ viện trợ, tài trợ.

“Tôi kiến nghị sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 21 như sau: “Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu, từ nhà cung cấp theo nguồn tài trợ, viện trợ đã thực hiện trước đó, do cần bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu cung cấp hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới đảm bảo yêu cầu về chuyên môn”.

Về chỉ định thầu trong mua sắm trang thiết bị y tế đặc chủng, theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, hiện nay, trang thiết bị y tế là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển khoa học rất nhanh, yếu tố công nghệ, bản quyền rất cao.

Để người dân có thể tiếp cận được với những dịch vụ y tế tốt nhất, mang tầm quốc tế, bên cạnh yếu tố đào tạo nhân lực, yếu tố máy móc trang thiết bị cũng đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, có một số loại máy móc rất hiện đại như các máy rô-bốt trong phẫu thuật, trên thế giới có rất ít nhà sản xuất, việc mua sắm sẽ không có giá để tham khảo.

“Vì vậy, tôi đề xuất bổ sung thêm một trường hợp chỉ định thầu dành cho việc thực hiện mua một số loại trang thiết bị y tế đặc chủng, trên thế giới chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất chế tạo và bán thương mại trên thị trường”, bà Hà đề xuất.

Áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao

Một thực tế trong thời gian dịch bệnh bùng phát mạnh, nhiều cơ sở y tế vì phải triển khai ngay các nhiệm vụ xét nghiệm cộng đồng và xét nghiệm để duy trì hoạt động của đơn vị, nên đã phải vay, mượn vật tư xét nghiệm của các đơn vị tư nhân.

Sau đó phải hợp thức hoá hồ sơ đấu thầu để mua sản phẩm của đơn vị tư nhân đã vay, mượn và như vậy vẫn có vi phạm về luật đấu thầu. Hình thức chỉ định thầu rút gọn có thể giải quyết được khó khăn này.

Nghị định 63 năm 2014 có quy định chi tiết về hình thức đấu thầu rút gọn đối với thuốc trong trường hợp cấp bách, dịch bệnh, tuy nhiên, đối với trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hoá chất thì không có quy định.

Hình thức chỉ định thầu rút gọn cũng được đề cập ngắn gọn trong khoản 2 Điều 40 của Dự thảo.

Tôi đề nghị, có điều riêng trong Dự thảo quy định về chỉ định thầu rút gọn trong đó mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hoa, sinh phẩm, hoá chất xét nghiệm và thuốc; nêu rõ quy trình chỉ định thầu rút gọn.

Nội dung Dự thảo cần quy định phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu thông thường, không để xảy lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay.

Đấu thầu thuốc tập trung là một nhiệm vụ khó, phức tạp

Về nguồn vốn trong mua sắm thuốc tập trung Khoản 3 Điều 36 quy định: “Đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ nguồn vốn đã được xác định hoặc phê duyệt; trừ trường hợp đổi với các gói thầu đẩu thầu trước quy định tại Điều 39 của Luật này”.

Tuy nhiên, đối với các gói thầu mua sắm thuốc tập trung thì không thể nêu rõ nguồn vốn như các gói thầu mua sắm tập trung hàng hoá phục vụ hoạt động thường xuyên của đơn vị. Đặc thù mua sắm thuốc tập trung ở cấp địa phương là phải tổ chức mua sắm cho cả các bệnh viện trung ương, bộ, ngành trên địa bàn; hoạt động đấu thầu thuốc tập trung thường thực hiện cho 2, 3 năm; nguồn vốn mua sắm thuốc của các đơn vị phụ thuộc vào hợp đồng với bảo hiểm y tế lại được ký vào thời điểm giữa năm. Chính vì vậy, đơn vị được giao đấu thầu tập trung cấp địa phương thường lúng túng, gặp khó khăn trong việc nêu rõ nguồn vốn.

Bà Hà đề nghị, “Ban soạn thảo quy định rõ trong Dự thảo: nguyên tắc xác định nguồn vốn đối với các gói thầu mua sắm thuốc tập trung”, bà Hà đề xuất.

Về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, Dự thảo Luật Đấu thầu đã bổ sung hình thức đàm phán giá đối với một số loại thuốc biệt dược, sinh phẩm tham chiếu, thuốc có ít nhà sản xuất; quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp vắc xin tiêm chủng. Đây là những nội dung có giá trị lớn trong giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vắc xin hiện nay.

Tuy nhiên, đại biểu Hà cho rằng chưa đủ.

“Dự thảo vẫn quy định tương đối đơn giản về vấn đề đấu thầu thuốc, không có quy định cụ thể nào khác, đặc biệt là vấn đề mua sắm thuốc tập trung”, bà Hà nói.

Đấu thầu thuốc tập trung là một nhiệm vụ khó, phức tạp, do vừa thực hiện tại cấp trung ương, vừa thực hiện tại cấp địa phương.

Trên thực tế, hoạt động đấu thầu thuốc tập trung có nhiều điểm khác biệt so với việc mua sắm hàng hoá tập trung để duy trì hoạt động. Vì căn cứ lập kế hoạch trong đấu thầu thuốc tập trung, nhu cầu thuốc đều là dự kiến, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là tình hình dịch bệnh và sự thay đổi liên tục về quy mô và cập nhật hướng dẫn điều trị.

Vì vậy, bà Trần Thị Nhị Hà kiến nghị bổ sung thêm điều mua sắm thuốc tập trung.

“Cần một điều  quy định nguyên tắc giữa mua sắm thuốc tập trung cấp quốc gia và cấp địa phương, hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, chủ thể đánh giá hồ sơ thầu, tổ chức mua sắm thuốc tập trung”, bà Hà giải thích.

Tin liên quan
Tin khác