Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận. |
Trước lo lắng của cử tri về tình trạng bạo hành trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã có cuộc giám sát tối cao về tình hình xâm hại trẻ em và có nghị quyết rất chi tiết, nhưng cho đến nay thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ bạo hành trẻ em.
Bà Nga đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội giám sát lại nghị quyết của Quốc hội về giám sát tình hình xâm hại trẻ em, để báo cáo Quốc hội.
Nội dung trên được Chủ nhiệm Nga đề cập khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện, chiều 12/9.
Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, cử tri và nhân dân lo lắng thời gian qua tình trạng bạo hành trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương như: Gia Lai, Hưng Yên, Phú Thọ và đặc biệt là vụ bạo hành trẻ em đang gây chú ý của dư luận tại cơ sở Mái ấm Hoa hồng (quận 12, TP.HCM).
Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em, kịp thời đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến bạo hành trẻ em.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, bảo đảm theo đúng quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và các quy định khác của pháp luật về chăm sóc thay thế, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã điều tra khởi tố 1.198 vụ với 1.419 bị can liên quan xâm hại, bạo hành trẻ em. Đồng thời xử lý hành chính 48 vụ, 125 đối tượng..
Trong các vụ bạo hành và xâm hại trẻ em nêu trên có thực trạng báo động là 60% các vụ bạo hành, xâm hại do chính người thân, người quen trong gia đình hoặc có mối quan hệ, mâu thuẫn cá nhân gây ra. Trong đó có 128 vụ dùng mạng xã hội để làm quen, xâm hại trẻ em, ông Hùng nêu.
Vẫn theo Thứ trưởng Bộ Công an, gần đây, các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng trong các gia đình bố mẹ ly hôn, ly thân, tái hôn, hoặc gia đình trong thời gian dài không có bố mẹ chăm sóc, gửi cho người thân, người quen. Các địa phương nhiều như Hà Nội, Thái Bình, TP.HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Lâm Đồng, Đắk Lắk.
Liên quan vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng TP.HCM, ông Hùng nói, sau khi nhận được tin, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP.HCM, trực tiếp là công an quận 12 kịp thời vào cuộc. Hiện nay, công an quận 12 thụ lý, xử lý tin báo tố giác tội phạm theo thẩm quyền. Khi có kết quả sẽ thông tin cho dư luận.
Lãnh đạo Bộ Công an nói thêm, ngay sau đó, Bộ Công an có công điện chỉ đạo 63 công an tỉnh, thành phố đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương khẩn trương rà soát, nắm tình hình hoạt động các cơ sở trợ giúp xã hội, nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em, kể cả công lập và ngoài công lập. Đặc biệt là cơ sở trông giữ trẻ em từ thiện, tự phát trên địa bàn. Thực hiện nghiêm xử lý tin báo tố giác tội phạm liên quan các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Chú trọng các nguồn tin báo tố giác tội phạm từ các cơ quan báo chí, người dân, cơ quan tổ chức để xác minh, điều tra kịp thời; đồng thời thông tin kịp thời kết quả đến phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là thông tin truyền thông ở cơ sở về thủ đoạn các loại tội phạm này để nâng cao phòng ngừa, đấu tranh tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Công an nêu thực tế số cơ sở trợ giúp xã hội công lập, ngoài công lập đã được cấp phép trên toàn quốc là 425 cơ sở. Tuy nhiên, số liệu này còn rất ít so với thực tế. Các cơ sở tự phát, từ thiện, tôn giáo thừa tự nhận nuôi dưỡng trẻ em theo diện từ thiện rất nhiều chưa được cấp phép, số lượng lớn, địa phương chưa nắm được, chưa có cơ chế kiểm soát, kiểm tra.
Thứ trưởng Hùng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì cùng các bộ, ngành địa phương để có tổng điều tra toàn quốc về các cơ sở này để nắm và tổ chức kiểm tra, kiểm soát đề ngừa hành vi xâm hại, bảo hành trẻ em.