Dự thảo Nghị quyết có đề nghị Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội về các phương án giảm thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016.
Các loại thuế được đề nghị giảm gồm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm đầu tiên đối với doanh nghiệp mới thành lập; không phạt chậm nộp thuế 1 năm đối với doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; giảm thuế suất 2-3% so với thuế thu nhập thu nhập doanh nghiệp phổ thông đối với doanh nghiệp nhỏ; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với lao động trong một số lĩnh vực: ứng dụng nghiên cứu khoa học, thử nghiệm sản xuất kinh doanh, công nghệ thông tin...
Phần việc này đang được dự thảo Nghị quyết giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu.
Bộ Tài chính cũng đang được đề nghị nghiên cứu sửa đổi các quy định về các mô hình quỹ đầu tư để thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, trình Chính phủ ngay trong quý III năm 2016 tới.
Yêu cầu rà soát, nghiên cứu các quy định về các loại thuế, quản lý thuế để sửa đổi theo hướng giảm thủ tục, giảm chi phí, giảm thời gian thực hiện nộp thuế, bỏ thuế khoán chuyển sang thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí môn bài; rà soát, sửa đổi các loại phí, lệ phí theo hướng chuyển các loại phí thành giá dịch vụ như: phí BOT, phí dịch vụ công…. Và rà soát, nghiên cứu sửa đổi các quy định về quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa… cũng được đặt ra.
Đặc biệt, Dự thảo Nghị quyết cũng đề cập tới yêu cầu sửa đổi Nghị định 218 về quy định chi tiết Luật thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng mở rộng chi phí được giảm trừ cho doanh nghiệp về các hoạt động nâng cao năng lực, tư vấn hỗ trợ thủ tục cho doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội, khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp,…
Các nội dung này nếu được các thành viên Chính phủ thống nhất thì Bộ Tài chính sẽ phải hoàn tất để trình Chính phủ cho ý kiến trong tháng 6/2016.
Trước đó, trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xếp kiến nghị giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp lên hàng đầu tiên.
Theo tính toán của VCCI, các khoản thuế, phí ở Việt Nam hiện đã chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là mức huy động thuộc loại cao nhất trong khu vực ASEAN.
“Chính phủ phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức”được cho doanh nghiệp”, ông Lộc kiến nghị tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 vừa diễn ra ngày 29/4 tại TPHCM.