Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 769/TB-VPCP ngày 8/6/2022 truyền đạt kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP.HCM (phí hạ tầng cảng biển)
Cuộc họp này có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Giao thông - Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, UBND TP.HCM, Văn phòng Chính phủ; đại diện Bộ Tư pháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
Các bộ, ngành cho rằng, TP.HCM cần lưu ý nhiều vấn đề: việc quy định mức thu phí khác nhau đối với hàng hóa mở tờ khai tại Thành phố và hàng hóa mở tờ khai tại địa phương khác cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, minh bạch, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định Luật Phí và Lệ phí; rà soát mức thu của hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu; rà soát sự phù hợp với các cam kết quốc tê, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (trong đó có Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia về vận tải đường thủy); xem xét điều chỉnh mức thu phí hợp lý đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa theo Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.
TP.HCM lý giải mức thu phí hạ tầng cảng biển chênh lệch để giảm quá tải. |
Sau khi nghe các ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái kết luận: Luật Phí và Lệ phí đã được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết quy định mức thu phí hạ tầng cảng biển để cụ thể hóa pháp luật về phí, lệ phí và hoàn thiện hệ thống khung pháp lý là đúng thẩm quyền, nhưng sau gần 5 năm có Luật Phí và Lệ phí là tương đối chậm.
Việc Thành phố bắt đầu thu phí từ ngày 1/4/2022 lại đúng giai đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 và tác động bởi nhiều yếu tố khác trong nước và thế giới. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội có kiến nghị về việc thu phí hạ tầng cảng biển này.
Từ đó Phó thủ tướng đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các bộ, các cơ quan, sớm trình HĐND Thành phố xem xét điều chỉnh trong tháng 7/2022 và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích đến doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan hữu quan để tạo sự đồng thuận khi thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình tổ chức điều chỉnh thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM.
Liên quan vấn đề trên, trước đó Báo Đầu tư qua bài “Thu phí hạ tầng cảng biển: Doanh nghiệp bức xúc, TP.HCM nói gì” phản ánh, doanh nghiệp, các hiệp hội và đặc biệt Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng việc TP.HCM thu phí cảng biển đã làm gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, “ngược dòng” chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch.
Còn TP.HCM thì phản biện cho rằng, việc thu phí hạ tầng cảng biển và mức thu, đối tượng thu được thực hiện theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026).
Về đối tượng thu, mức thu là phù hơp với đặc thù Thành phố, căn cứ vào Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.
Mức thu phí hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM cao hơn so với mở tờ khai tại TP.HCM nhằm mục đích để các doanh nghiệp ở địa phương khác lựa chọn vận chuyển hàng hóa đến các bến cảng biển như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.