Thời sự
Để ngư dân yên tâm bám biển xa khơi
Hữu Huân - 14/06/2014 09:03
Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ sắp ban hành sẽ quy định cụ thể các  chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm cũng như ưu đãi về thuế và một số các chính sách khác có liên quan nhằm phát triển thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
TIN LIÊN QUAN

Đây là ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng  Vũ Văn Ninh tại Hội nghị góp ý xây dựng dự thảo Nghị định một số chính sách phát triển thủy sản được tổ chức vào chiều 13/6, tại thành phố Đà Nẵng.

   
  Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội nghị  

Theo đó, các tổ chức, cá nhân đóng mới, gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu có tổng công suất 380CV trở lên để khai thác hải sản xa bờ và cung cấp các dịch vụ  hậu cần khai thác hải sản xa bờ sẽ được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi.

Nếu đóng mới tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần, phục vụ khai thác hải sản xa bờ, chủ tàu được vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 5%/năm, chủ tàu trả 2%, ngân sách Nhà nước cấp bù 3%. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, thì được vay tối đa 85%, lãi suất tương tự như đóng mới tàu vỏ thép.

Đối với các tàu khai thác hải sản xa bờ, nếu đóng mới tàu vỏ thép chủ tàu được vay tối đa 90%, tàu vỏ thép đóng mới có công suất 800CV trở lên được vay đến 95%. Trường hợp đóng mới tàu gỗ, đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới được vay 85%, tàu vỏ gỗ đóng  mới được vay 70%. Lãi suất áp dụng như đóng mới tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần, phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Thời hạn cho vay 11 năm, trong đó có 1 năm ân hạn.

Dự thảo Nghị định cũng đồng ý chủ tàu được sử dụng giá trị tàu đóng mới, tàu gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới từ vốn vay làm tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay.

Ngân sách Nhà nước cũng hỗ trợ từ 70-100% kinh phí mua bảo hiểm hàng năm tùy theo công suất tàu để ngư dân yên tâm bám biển.

Mặt khác, Ngân sách Nhà nước cũng sẽ ưu tiên bố trí vốn hàng năm để thực hiện, bảo đảm đẩy nhanh và hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án theo quy định; tập trung ưu tiên xây dựng, nâng cấp công trình tại các đảo Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cồn Cỏ và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

Hầu hết các ý kiến đóng góp tại Hội nghị đều tán đồng Dự thảo Nghị định nói trên của Chính phủ.

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị: Bà con ngư dân phải là những chủ thể, được tiếp cận nguồn vốn. Họ phải được toàn quyền quyết định phải đóng con tàu  của mình như thế nào, đóng ở đâu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm đưa ra mẫu tàu để hỗ trợ bà con.

Trong khi đó, ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thì đề nghị Chính phủ bổ sung thêm đối tượng được vay là tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư cơ sở đóng tàu và sửa chữa tàu cá ở các địa phương. Theo ông Thọ, nếu không có các cơ sở này tại chỗ, mỗi lần phải duy tu, bão dưỡng, sửa chữa tàu cá vỏ thép phải đi địa phương khác, gây tốn kém cho bà con ngư dân.

Nhiều bà con ngư dân ở các địa phương như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên lần đầu tiên có mặt tại Hội thảo cũng bày tỏ sự tin tưởng, phấn khởi với Dự thảo về một số chính sách phát triển thủy sản. Anh Trương Tài, một ngư dân ở Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã mạnh dạn đề xuất: Chính phủ cần quan tâm đến bà con ngư dân. Không chỉ dành cho bà con các chính sách ưu đãi về tín dụng, bảo hiểm mà còn phải chú trọng đầu tư đến các cơ sở hậu cần nghề cá, luồng lạch tàu bè ra vào, nơi neo đậu… để bà con yên tâm đánh bắt khơi xa.

Dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản rõ ràng đã mang tính đột phá, chắc chắn sẽ tạo thành một cú huých thật sự,  tạo cơ sở thúc đẩy phát triển ngành thủy sản phát triển toàn diện, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn.

Tin liên quan
Tin khác