Năm 2015, tổng sản phẩm nội địa bình quân đầu người của TP.HCM ước đạt 5.567 USD. Ảnh: Đức Thanh |
Câu hỏi từ những con số trong báo cáo
Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM (Dự thảo) lần thứ X (2015-2020) đề ra mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP.HCM (GRDP) bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt từ 8-8,5%. Đồng thời, đưa GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 9.800 USD.
Khi đọc những chỉ tiêu này, chúng ta không khỏi thắc mắc liệu chúng có bị trùng lặp hay tương thích gì với nhau hay không? Để trả lời câu hỏi này, trước hết hãy làm vài phép toán đơn giản như sau.
Theo Dự thảo, năm 2015, GRDP đầu người của TP.HCM ước đạt khoảng 5.567 USD. Như vậy, giả sử nền kinh tế TP.HCM sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức chỉ tiêu cao nhất là 8,5%/năm, thì đến cuối năm 2020, GRDP đầu người của TP.HCM với quy mô dâấn số tương đương như hiện nay sẽ là 8.370 USD. Con số này hiển nhiên thấp hơn nhiều so với mục tiêu 9.800 USD mà Dự thảo đề ra.
Tuy nhiên, đây chưa phải là điều đáng ngạc nhiên, bởi vì con số 8.370 USD là GRDP tính theo giá năm 2015, trong khi chúng ta vẫn chưa rõ con số 9.800 USD là danh nghĩa hay là giá thực. Nếu số này là giá thực thì cần phải nói rõ là giá năm nào. Vấn đề ở đây là, dù có tính theo giá năm nào thì con số này vẫn hàm chứa nhiều điều không ổn.
Trước hết, giả sử 9.800 USD là giá thực của năm 2015, thì như đã tính toán ở trên, với tốc độ tăng trưởng GRDP (thực) đạt mức cao nhất theo mục tiêu là 8,5%, thì GRDP bình quân đầu người của TP.HCM cũng chỉ đạt 8.370 USD. Con số 8.370 USD cũng còn khá cao, bởi chưa tính đến quy mô dân số vào năm 2020 của TP.HCM theo dự báo sẽ tăng lên rất nhiều.
Theo thống kê, dân số của TP.HCM năm 2014 khoảng 7,95 triệu người và dự báo tốc độ tăng trưởng dân số bình quân giai đoạn 2015-2020 cũng sẽ tương đương với giai đoạn 2000-2010, tức khoảng 3,9%/năm (tính cả tự nhiên lẫn cơ học). Như vậy, đến năm 2020, dân số TP.HCM sẽ xấp xỉ 10 triệu người.
Với quy mô dân số trên, GRDP bình quân đầu người của TP.HCM lúc đó chỉ còn là 6.650 USD (giá 2015). Nếu chỉ đạt mức thu nhập này thì tính ra, bình quân mỗi năm, GRDP thực bình quân đầu người của TP.HCM chỉ tăng 3,6%/năm.
Câu hỏi là mục tiêu tăng trưởng chỉ 3,6%/năm liệu có là quá thấp đối với một thành phố năng động nhất nước? Tương tự, nếu muốn đạt mức GRDP thực bình quân đầu người 9.800 USD trên quy mô dân số 10 triệu người vào năm 2020, thì mỗi năm, TP.HCM phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng 7%. 7% rõ là cao hơn nhiều so với 3,6%, nhưng ngay cả như vậy thì cũng sẽ là thách thức không nhỏ để TP.HCM đạt mục tiêu thu hẹp khoảng cách với các thành phố trong khu vực về trình độ phát triển.
Còn trong phương án 9.800 USD là giá danh nghĩa (đây có lẽ đúng là con số mà Dự thảo muốn nói), thì để đạt mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng GRDP danh nghĩa mỗi năm mà thành phố cần phải đạt được là 12%, cũng có nghĩa là lạm phát sẽ ở mức 3,5% một năm. Cần lưu ý rằng, con số này vẫn chưa tính đến quy mô dân số của TP.HCM vào năm 2020. Nếu tính cho quy mô dân số 10 triệu người lúc đó, thì để đạt được mức GRDP danh nghĩa bình quân mỗi năm 9.800 USD, tốc độ tăng trưởng GRDP danh nghĩa mà TP.HCM đạt được phải trên 17%/năm.
Với mục tiêu tăng trưởng GRDP thực mỗi năm là 8,5%, việc đạt mức tăng trưởng GRDP danh nghĩa trên 17% có nghĩa là người dân TP.HCM phải chịu lạm phát hơn 8,5% mỗi năm. Việc cộng lạm phát vào thu nhập để có một mức thu nhập danh nghĩa cao hơn là hoàn toàn không ổn, vì việc loại bỏ lạm phát hay để kiểm soát được lạm phát ở một mục tiêu nào đó vượt ra ngoài chức năng và khả năng kiểm soát của một chính quyền địa phương, bởi đó là công việc của NHNN, của Chính phủ (tạm thời chưa nói đến vấn đề tỷ giá). Hơn nữa, đối với người dân, đời sống của họ chỉ được cải thiện khi thu nhập thực của họ tăng lên chứ không phải là thu nhập danh nghĩa, mặc dù đa phần người dân đều muốn “nhìn thấy” thu nhập (danh nghĩa) của mình tăng lên.
Sự thiếu nhất quán hay tương thích giữa các chỉ tiêu kinh tế như vậy không phải là vấn đề mới. Còn nhớ, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP hàng năm 12%, đồng thời GRDP đầu người đạt 4.800 USD vào cuối năm 2015. Thế nhưng, kết quả thực hiện Nghị quyết (như đánh giá trong Dự thảo) cho thấy, trong khi mục tiêu tăng trưởng không đạt (chỉ 9,6%/năm), thì mục tiêu thứ hai lại vượt 16%.
Những phân tích trên cho thấy, việc lập ra các chỉ tiêu tăng trưởng (nếu cần thiết phải như vậy) cần phải đảm bảo sự nhất quán giữa các chỉ tiêu cũng như tương thích với tầm nhìn của TP.HCM trong tương lai.
Để con số có ý nghĩa
Nhiều người cho rằng, việc đặt ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như Dự thảo (lưu ý đây không phải là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội) là cần thiết vì nhờ đo,ù nó tạo động lực và hướng các nỗ lực của chính quyền nhằm đạt được các mục tiêu đó. Không phủ nhận trong một số trường hợp, điều này có thể đúng, song việc đặt ra các chỉ tiêu kinh tế như trong Dự thảo báo cáo chính trị, đặc biệt khi các chỉ tiêu đó không dựa trên bất kỳ cơ sở khoa học hay thực tiễn nào, mà chỉ thuần túy là ý chí chính trị, thì nhiều khi hại nhiều hơn lợi. Việc đưa ra các chỉ tiêu kinh tế trong một Báo cáo chính trị sẽ ảnh hưởng đến việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế sau này.
Đã có không ít minh chứng từ thực tiễn cho thấy, nhiều địa phương do duy ý chí buộc phải chạy theo các thành tích tăng trưởng GDP một cách máy móc và gấp gáp đã gây ra nhiều hệ quả xấu cho phát triển bền vững. Hệ quả là các nguồn lực không được phân bổ tối ưu, lãng phí, gây biến dạng quan hệ kinh tế, làm méo mó các vấn đề xã hội và tạo ra vấn nạn môi trường.
Việc đặt ra các mục tiêu kinh tế thiếu cơ sở, bất chấp nguồn lực và khả năng đạt được cũng như không đảm bảo tính bền vững các cân đối vĩ mô là nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp khó hoạch định chính sách phát triển. Chẳng hạn, do bệnh thành tích mà các báo cáo về kết quả tăng trưởng của nhiều địa phương thường bị thổi phồng, làm cho các doanh nghiệp không dám tin vào đó khi hoạch định chiến lược kinh doanh hoặc sẽ là sai lầm nếu dựa vào các báo cáo tăng trưởng của Chính quyền.
Như vậy, thay vì đặt ra các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn quá dài trong khi không ai có thể biết trước điều gì có thể xảy ra, để rồi cố gắng theo đuổi mục tiêu đó bằng mọi giá, chính quyền nên tập trung nỗ lực để làm tốt chức năng và vai trò của mình, chẳng hạn như tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ thị trường. Kết quả kinh tế chỉ nên xem là những thành quả của các nỗ lực đó.
Để các con số có ý nghĩa, với vai trò của mình, chính quyền có thể đưa ra các dự báo tăng trưởng có căn cứ làm cơ sở định hình kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Các dự báo này cần thường xuyên cập nhật để phù hợp với những thay đổi không ngừng của các diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế, thay vì đề ra một “chỉ tiêu tĩnh” cho một “thế giới động” như ngày nay.