Tiêu dùng
Đề phòng tác động từ việc tăng giá xăng dầu
Minh Nhung - 21/02/2022 10:07
Việc tăng giá xăng dầu gần đây đã tác động lớn tới giá cả các mặt hàng, đòi hỏi cơ quan quản lý phải có biện pháp để ổn định thị trường.
Ảnh minh họa

 

Tác động lớn

Tác động của việc tăng giá xăng dầu trước hết là đối với sản xuất. Năm 2021, chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,12%, của công nghiệp tăng 2,91%, đều cao hơn mức tăng Chỉ số giá tiêu dùng - CPI (1,84%). Năm 2022, khoảng cách chênh lệch trên sẽ còn cao hơn nữa. Điều này sẽ gây ra tác động về 2 mặt: một mặt làm cho hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất trong nước gặp khó khăn khi xuất khẩu ra các nước, cũng như hàng hóa của các nước nhập khẩu vào Việt Nam; mặt khác, sản xuất là chu kỳ trước của chu kỳ tiêu dùng cuối cùng.

Giá dịch vụ giao thông chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 (9,67%) trong rổ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, chỉ sau hàng ăn và dịch vụ ăn uống (33,56%), nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng (18,82%), cao hơn nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ khác (thiết bị và đồ dùng gia đình 6,74%, giáo dục 6,17%, may mặc 5,7%, thuốc và dịch vụ y tế 5,39%, văn hóa, giải trí và du lịch 3,14%, đồ uống và thuốc lá 2,73%). Theo đó, giá xăng dầu tăng sẽ làm cho CPI tăng lên. 

Cần kiểm kê, nắm chắc lượng tồn kho, nhất là trước khi tăng giá để giảm thiểu tình trạng các đơn vị nhập khẩu xăng dầu găm hàng chờ giá; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những nơi găm hàng chờ giá tăng.

Năm 2021, giá giao thông cao gấp nhiều lần tốc độ tăng chung của CPI, tháng 12/2021 tăng 15,81% so với tháng 12/2020, bình quân năm 2021 tăng 10,52% so với so với năm 2020. Tháng 1/2021 tăng 14,55% so với tháng 1/2020... Tháng 2/2022, sau đợt tăng giá xăng mới đây, tốc độ tăng trên sẽ còn cao hơn nữa. Đây cũng là một trong những yếu tố làm cho nhiều người lo lắng về việc kiểm soát lạm phát với mục tiêu năm 2022 là 4% theo Nghị quyết của Quốc hội.

Giá xăng dầu trong nước tăng do nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là do giá xăng dầu nhập khẩu tính bằng USD tăng cao. Năm 2021, giá xăng dầu thế giới nhập khẩu tăng tới 47,5%. Tháng 1/2022, giá nhập khẩu tăng cao hơn (51,5%). Tỷ giá VND/USD năm 2021 giảm 0,97%, tháng 1/2021 giảm 0,73%, nên giá nhập khẩu tính bằng VND không cao hơn khi tính bằng USD. Nếu năm nay, tỷ giá VND/USD tăng lên, thì giá nhập khẩu xăng dầu tính bằng VND sẽ tăng “kép”, vừa tăng khi tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỷ giá VND/USD tăng.

Nhìn từ xuất, nhập khẩu xăng dầu

Theo Tổng cục Hải quan, diễn biến xuất/nhập khẩu xăng dầu trong năm 2021 và tháng 1/2022 như sau:

Năm 2021, xuất khẩu 2.362.000 tấn, tăng 4%, nhập khẩu 6.989.000 tấn, giảm 15,5%, nhập siêu 4.627.000 tấn, giảm 22,9% hay giảm 1.373.000 tấn.

Tháng 1/2022, xuất khẩu 96.000 tấn, giảm 37,6%, nhập khẩu 613.000 tấn, giảm 25,8%, nhập siêu 517.000 tấn, giảm 24,2%, hay giảm 165.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Từ diễn biến trên, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý. Nhập siêu năm 2020 là 6 triệu tấn, nhưng năm 2021, nhập siêu giảm chỉ còn 4.627.000 tấn. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân nhu cầu sử dụng xăng dầu ở trong nước giảm do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống; có nguyên nhân đáng quan tâm là do giá xăng dầu nhập khẩu tăng khá cao (47,5%). Đáng quan tâm bởi lúc đó đã có dự báo giá xăng dầu trên thế giới còn tăng cao hơn nữa và nguy cơ đứt gãy nguồn cung vẫn còn hiện hữu.

Tháng 1/2022, nhập siêu 517.000 tấn, giảm tới 165.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Ngoài nguyên nhân do giá nhập khẩu tăng khá cao (51,5%), còn có nguyên nhân do lượng sản xuất xăng dầu ở trong nước giảm 1,4% và nhu cầu sản xuất, đời sống tăng. Vấn đề đặt ra là về khả năng dự báo, tư duy điều hành. Giá nhập khẩu tăng cao, giảm lượng nhập khẩu tưởng như hợp lý, nhưng thực chất là không hợp lý, vì giá nhập khẩu đã được cảnh báo sớm là vẫn trong xu hướng tăng cao nữa. Tới đây cũng vậy, bởi giá dầu thế giới đã có nhiều dự báo là sẽ tăng trên 100 USD/thùng, thậm chí có thể vượt đỉnh lịch sử 140 USD/thùng; do vậy, việc tăng lượng  nhập khẩu có thể là “vượt trước ngăn chặn”.

Mặt khác, nhu cầu sản xuất, tiêu dùng xăng dầu sẽ cao lên; lượng nhập khẩu trong một số năm (2005, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 đã vượt qua mốc 10 triệu tấn), nên năm 2021 đạt chưa đến 7 triệu tấn, tháng 1 lại giảm sâu,… cần phải được xem xét lại. Cần giao cho các đơn vị kiểm kê, nắm chắc lượng tồn kho, nhất là trước khi tăng giá để giảm thiểu tình trạng găm hàng chờ giá; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những nơi găm hàng chờ giá tăng. Đôn đốc việc sản xuất để tránh cùng một lúc sản xuất giảm, nhập khẩu giảm, sử dụng và tiêu dùng tăng, làm mất cân đối, gây bất ổn thị trường.

Tin liên quan
Tin khác