CEO Trịnh Minh Giang |
Phải biết bán hàng
Trịnh Minh Giang, CEO Công ty cổ phần Tư vấn Quản lý Việt (VMCG), Chủ tịch Nhóm công tác khởi nghiệp sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) chia sẻ, ở vai trò là nhà đầu tư, ông đang muốn tìm kiếm các start-up có thể trở thành doanh nghiệp.
“Có start-up gây dựng để bán. Chúng tôi muốn tìm kiếm và đầu tư cho các start-up có thị trường cho sản phẩm, dịch vụ của mình”, ông Giang nói với cộng đồng các doanh nghiệp trẻ dự Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo - Hiểu đúng - Hành động đúng do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức cuối tuần trước.
Có hai dấu hiệu để nhận biết hướng đi này, theo ông Giang. Một là, năng lực bán hàng của những người sáng lập - những doanh nhân trong tương lại. Hai là, năng lực quản trị của những người này.
Thực tế, các start-up có khuynh hướng phát triển thành doanh nghiệp thường tìm kiếm cơ hội giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đang ở khâu nghiên cứu, để xác định được dung lượng thị trường cho mình, trên cơ sở đó xây dựng các bước đi tiếp theo
“Tuy nhiên, đây lại là hai bài toán khó mà những người sáng lập các start-up thường vướng phải. Rất nhiều người sáng lập là dân công nghệ, không có kinh nghiệm bán hàng, và họ thất bại ngay từ khi giới thiệu sản phẩm, dịch vụ. Lời khuyên của tôi là tìm kiếm đến các cố vấn hoặc các tổ chức hỗ trợ”, ông Giang khuyến nghị.
Việc xây dựng các nhóm kinh doanh, nhân sự chuyên về kinh doanh trong nội bộ nhóm sáng lập cũng được coi là giải pháp tốt và gây chú ý với các nhà đầu tư.
Sẵn sàng học làm doanh nhân
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những thách thức lớn đang hiện hữu trong các dự án start-up, ông Giang nhắc tới chính năng lực của người đứng đầu, trưởng nhóm.
“Khi bắt đầu nghĩ đến việc có thể làm sản phẩm gì phải nghĩ đến thị trường, hoặc từ thị trường nghĩ ra sản phẩm, đó là tư duy của một doanh nhân. Nhưng trưởng nhóm start-up còn phải tính tới các quy định pháp lý mà họ cần phải tuân thủ. Điều này không dễ, ngay cả với chúng tôi”, ông Giang chia sẻ kinh nghiệm.
Như vậy, việc đầu tiên, trưởng nhóm phải nắm rõ được họ phải thỏa mãn những quy định gì để tiến hành thực hiện dự án. Nhất là khi các sản phẩm, dịch vụ của các start-up có thể là rất mới, chưa có tiền lệ. Cách tốt nhất là tìm đến các chuyên gia tư vấn, các tổ chức hỗ trợ start-up, đảm bảo các quy định pháp lý được thực hiện đầy đủ.
“Nếu phát hiện dự án start-up có vướng mắc về pháp lý, các quỹ đầu tư thường loại bỏ ra ngoài danh mục quan tâm”, ông Giang thừa nhận.