Giá vàng trong nước tăng mạnh và chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới đang ngày càng lớn hơn. Ảnh: Đức Thanh |
Thị trường vàng đang bị “chẩn đoán” sai
Chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế quá cao (khoảng 15-18 triệu đồng/lượng) đang được nhắm đến như là nguyên nhân cốt lõi ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, mặc dù chưa có điều tra xã hội học nào cho thấy bao nhiêu phần trăm trong tổng số 100 triệu dân bị tác động và tác động đến mức nào. Nó cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến mất an toàn hệ thống tài chính, mặc dù chưa có nghiên cứu định lượng nào chỉ ra bao nhiêu phần trăm dự trữ ngoại hối mất đi hoặc tỷ giá tăng lên do giá vàng hoặc chênh lệch giá vàng tăng cao.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý thị trường vàng - với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng - được hầu hết giới quan sát cho là nguyên nhân gốc rễ khiến chênh lệch giá vàng cao đến mức không thể chấp nhận.
Gần thập kỷ qua, NHNN không cho nhập khẩu vàng, nguồn cung trong nước ngày càng hạn chế, thậm chí cạn kiệt, chỉ cần cho nhập khẩu để cung đáp ứng cầu thì tự động chênh lệch giá sẽ giảm. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao là điều gây bức xúc nhiều nhất trong dư luận. Đến mức, có quan điểm của một tờ báo, như thể van xin NHNN rằng, hãy cho ra ngay giải pháp để giải quyết tình thế hỗn loạn này.
Dựa trên những bức xúc này và nếu NHNN xem chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là mục tiêu chính sách công hướng đến, không khó để phác họa khung tổng thể để chỉnh sửa Nghị định 24, dù có khả năng trên thực tế không ai biết hệ lụy sẽ đến mức nào.
Thứ nhất, vàng tuy là hàng hoá đặc biệt, nhưng không thể là thứ mà NHNN quản lý (ngoại trừ vàng dự trữ ngoại hối quốc gia). Hãy cứ để mọi thứ cho thị trường quyết định, giá vàng sẽ phản ảnh các quan hệ cung - cầu thị trường.
Thứ hai, cần có chính sách để giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế. Lập sàn giao dịch vàng như sàn giao dịch Thượng Hải (Trung Quốc) hay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ là bước đầu tiên hướng đến mục tiêu này.
Thứ ba, giải quyết vấn đề nguồn cung. Là quốc gia không có nhiều trữ lượng vàng thiên nhiên, nên giải pháp là phải cho nhập khẩu vàng. NHNN có thể cung cấp hạn ngạch nhập khẩu nhỏ giọt từng thời kỳ, phù hợp với chính sách tiền tệ, tỷ giá và dự trữ ngoại hối quốc gia.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm quốc tế, gia tăng lượng cung thị trường vàng, một số nước thiết lập chứng chỉ vàng (vàng giấy) để biến vàng thành tài sản tài chính như là kênh đầu tư, thay vì vàng là kênh tích trữ, để gia tăng lượng cung vàng nhằm giảm thiểu chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Theo đó, người dân thay vì để vàng dưới gầm giường, họ sẽ chuyển thành chứng chỉ vàng có lãi suất do các ngân hàng phát hành. Các ngân hàng có thể sử dụng lượng vàng này tung ra thị trường cho các nhà kim hoàn sản xuất đồ trang sức, thay vì nhập nguyên liệu vàng, dẫn tới tác động không tốt đến tỷ giá và làm gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai.
Thứ tư, các giải pháp hạn chế nhu cầu vàng như tăng thuế nhập khẩu, thuế VAT và tạo các rào cản kỹ thuật khác.
Về lý thuyết, bất kỳ giải pháp nào làm tăng cung và giảm cầu đều sẽ đạt mục tiêu thu hẹp giá vàng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, có khả năng, tất cả những lập luận ở phần trên về các câu hỏi hay động cơ mà chúng ta đặt ra để chỉnh sửa hoặc thay thế Nghị định 24 là “thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới” đã không chính xác ngay từ đầu. Đề bài sai không thể có đáp án đúng.
Khi thiết kế các mục tiêu của chính sách công, có một định luật rất cơ bản trong kinh tế học về việc sử dụng giá trị của một thước đo để làm mục tiêu chính sách. Đó là, khi giá trị của một thước đo - trong trường hợp này là chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới - được chính phủ nhắm làm mục tiêu, thì nó sẽ không còn là một thước đo tốt, nên không còn là mục tiêu đáng tin cậy được nữa. Thất bại khi chọn chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới của Ấn Độ làm mục tiêu chính sách công minh họa cho định luật này và là lời cảnh tỉnh cho chúng ta. Vào năm 2013, để hạn chế nhu cầu vàng quá cao làm cho giá vàng tăng cao quá mức, Ấn Độ đã tăng thuế nhập khẩu vàng từ 2% lên 10%. Kết quả ngay lập tức là, nhu cầu tiêu thụ vàng giảm một phần ba, giá vàng cũng giảm theo. Nhưng vàng nhập lậu, chủ yếu đến từ Thái Lan, tăng cao kỷ lục là 335 tấn. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giảm, nhưng nó không còn là mục tiêu đáng tin cậy vì đã bỏ sót quá nhiều thông tin từ các thiệt hại trên các thị trường khác.
Giá vàng hay chênh lệch giá vàng, giống với bất kỳ loại giá hàng hóa, dịch vụ nào, cũng đều là công cụ để nhà nước điều tiết nền kinh tế. Một khi công cụ bị biến thành mục tiêu chính sách thì bản thân nó sẽ bị vô hiệu hóa. Nếu chúng ta lấy cái thường xuyên di chuyển làm khung thành, thì khi vừa sút bóng, những kẻ lém lỉnh sẽ ngay lập tức di chuyển cột gôn. Khi thông tin về quota nhập khẩu vàng bị đồn đoán hoặc rò rỉ, ngay lập tức, thị trường sẽ đưa nó về một vùng mục tiêu mới.
Hay như đề xuất xuất dự trữ ngoại hối nhập khẩu vàng nhỏ giọt sẽ không tác động đến tỷ giá (?) cũng hoàn toàn chưa đề cập yếu tố tâm lý và hành vi thị trường sẽ tác động đến nhu cầu USD, vàng khi mọi người nghe tin nhà nước cho nhập vàng. Một khi vàng đã trở thành thói quen tích trữ của người dân, thì nếu nhà nước khuyên dân không nên tích trữ vàng, người dân sẽ tích trữ nhiều hơn.
Theo ước đoán nhu cầu vàng khoảng 50 tấn/năm, nhưng nếu thị trường nghe phong thanh nhà nước chỉ nhập về phân nửa số đó, dân sẽ tích trữ nhiều hơn để đầu cơ giá lên. Người dân chỉ chấm dứt mua vàng nếu nhà nước nhập về gấp đôi. Nhập vàng để thỏa mãn cơn nghiện có thể dẫn đến kết cục thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng, tỷ giá bất ổn. Như vậy, mục tiêu ổn định giá vàng có thể bị vô hiệu hoá bởi các bất ổn hoặc đánh đổi trên các thị trường hoặc chính sách kinh tế vĩ mô.
Mục tiêu chính sách cho quản lý thị trường vàng là gì?
Nếu chênh lệch giá vàng không là mục tiêu chính sách, vậy mục tiêu chính sách sẽ là gì để bảo đảm thị trường vàng phát triển an toàn và lành mạnh như theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ khi chỉnh sửa Nghị định 24?
Đối với thị trường vàng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thiết kế chính sách chỉ có thể thành công khi hướng về phục vụ nền kinh tế thực. Dùng cái thực là nền kinh tế, chứ không thể sử dụng cái danh nghĩa là giá cả biến động hàng ngày làm mục tiêu chính sách, thì mới có thể đạt yêu cầu của Thủ tướng để phát triển thị trường vàng an toàn và lành mạnh, cho dù điều này có thể mất thời gian.
Qua quá nhiều thử nghiệm thất bại trong quản lý thị trường vàng, mới đây, NITI Aayog - Ủy ban cấp cao của Chính phủ Ấn Độ - đặt ra 5 mục tiêu rất cụ thể cho kế hoạch cải cách 5 năm của thị trường vàng: tăng gấp đôi quy mô ngành công nghiệp vàng, từ 1,3% lên 2,6-3%/GDP; tăng gấp đôi xuất khẩu vàng; tạo việc làm từ 6,1 triệu lên 10 triệu người; tăng quy mô đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp vàng từ 70 triệu USD lên 200 triệu USD; tăng quy mô ngành công nghiệp vàng, nhưng không làm thâm hụt tài khoản vãng lai.
Chúng ta thấy gì từ các mục tiêu phát triển thị trường vàng của Chính phủ Ấn Độ? Đó là hoàn toàn vắng bóng mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Thay vào đó, 5 mục tiêu đặt ra hoàn toàn hướng đến nền kinh tế thực. Một khi các công cụ chính sách hướng đến phục vụ nền kinh tế thực, cung - cầu và giá cả mới phản ánh chính xác thực trạng thị trường và nền kinh tế. Tôi chưa hoặc không thấy bất kỳ nghiên cứu nào, thậm chí ngay từ chính Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), về các đánh giá này. Nếu vậy, nhập khẩu vàng về để làm lợi cho ai?
Một tình huống nữa minh họa cho cách tiếp cận cải cách thị trường vàng đến từ Trung Quốc. Xin trích từ bài viết trên website của chính quyền Thượng Hải trong bài giới thiệu sàn giao dịch vàng Thượng Hải ngày 18/7/2023: “Mục đích của thiết lập sàn giao dịch vàng Thượng Hải trong 2 thập kỷ qua là để kiên trì phục vụ nền kinh tế thực và phát triển ngành công nghiệp”.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này đang trải qua vòng luẩn quẩn về quản lý thị trường vàng chưa có lối ra. Về mặt lịch sử, đầu tiên, thị trường vàng do ngân hàng trung ương (NHTW) Thổ Nhĩ Kỳ độc quyền quản lý. Rồi sau đó, giao thị trường vận hành, rồi lại rối loạn, để rồi NHTW tiếp tục can thiệp cấm nhập (hay phân bổ quota) và lại tiếp tục bất ổn như hiện tại.
Số là từ năm 2020, nhu cầu vàng của Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt, ở mức 9% tổng nhu cầu toàn cầu, cao gấp đôi so với tỷ lệ 4% giai đoạn 2010-2020. Điều này bắt nguồn từ những bất ổn trong chính sách kinh tế vĩ mô mà nước này thực hiện từ năm 2021. Để giải quyết nhu cầu vàng tăng cao cũng như liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường nhập khẩu vàng. Kết quả là hao hụt ngoại tệ, khiến đồng nội tệ càng thêm mất giá. Giữa tháng 2/2023, Thổ Nhĩ Kỳ hầu như cấm nhập khẩu vàng, chỉ được tạm nhập và tái xuất. Lệnh cấm nhập càng khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thêm mở rộng.
Như vậy, mục tiêu chính sách công trong quản lý thị trường vàng của Trung Quốc, Ấn Độ không phải là thu hẹp chênh lệch giá vàng, mà là phục vụ tổng thể nền kinh tế. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ do quá tập trung vào mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng và giải quyết nhu cầu - giống như những điều đang được đề xuất để chỉnh sửa Nghị định 24 - thì lại đang gặp quá nhiều bất cập.
Trong khi đó, quan sát những đề xuất chỉnh sửa thị trường vàng thay thế Nghị định 24, thậm chí ngay cả các thành viên của VGTA, tôi không thấy bất kỳ đánh giá tác động định lượng của tổ chức này, rằng những đề xuất sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế thực (đóng góp vào GDP, thu ngân sách, tạo việc làm…). Tất cả đề xuất chỉ nhằm mục tiêu hướng đến thu hẹp khoảng cách, thậm chí tiệm cận giá vàng trong nước và thế giới. VGTA gọi đó là “đổi mới tư duy” để thị trường vàng hết hỗn loạn? Nhập khẩu vàng không góp phần vào năng lực sản xuất cũng như nâng cao năng suất. Vì vậy, chúng ta cần xem xét vấn đề kỹ hơn và đưa ra các chính sách có thể đảm bảo rằng, nhu cầu vàng không gây nguy hiểm cho ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo tôi, trong khi chờ đợi một chiến lược căn cơ dài hạn cho thị trường vàng, trước mắt, cần đánh giá chính xác giá trị gia tăng của ngành chế tạo vàng trang sức và ưu tiên nhập vàng nguyên liệu để phục vụ công nghiệp chế tác vàng, như theo nguyên tắc 20-80 (của Ấn Độ) chẳng hạn. Theo đó, cứ 100 tấn vàng nhập khẩu, thì 20 tấn sẽ sử dụng để chế tạo vàng trang sức xuất khẩu. Nếu giá trị gia tăng của vàng xuất khẩu là 4 lần, sẽ bù đắp lượng ngoại tệ nhập 80 tấn cho thị trường nội địa (hay chí ít cũng tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách).
Chiến thuật “lấy mỡ nó rán nó” sẽ là mũi tên trúng 2 mục tiêu: giảm bớt phần nào chênh lệch giá vàng, nhưng không tác động đáng kể đến tỷ giá và dự trữ ngoại hối quốc gia. Đây mới chính là con đường phát triển bền vững thị trường vàng theo tiêu chí an toàn và lành mạnh mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khi chỉnh sửa Nghị định 24.