Hạ tầng giao thông tại TP. Thủ Đức đang là thế mạnh để phát triển đột phá Ảnh: Lê Toàn |
Bình mới, rượu vẫn cũ
Còn nhớ những ngày cuối tháng 12/2020, cộng đồng doanh nghiệp và người dân khắp cả nước nói chung, khu vực phía Nam nói riêng, không khỏi xôn xao khi TP. Thủ Đức (TP.HCM) chính thức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Đây không chỉ là mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước, mà còn được kỳ vọng sẽ trở thành một cực tăng trưởng mạnh mẽ để thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế phía Nam và cả nước của TP.HCM.
Trải qua 1 năm hình thành, bóng dáng một siêu đô thị phía Đông ít nhiều đã lộ diện. Bộ máy hành chính được tinh gọn, thu ngân sách vượt dự toán năm 2021, thực hiện có hiệu quả phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội. Một số cơ sở y tế được sắp xếp lại và nâng cấp lên thành các bệnh viện đa khoa.
Việc phát triển hạ tầng cũng có nhiều điểm nhấn như: cầu Thủ Thiêm 2 được thi công và hợp long ngay trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát; Bến xe Miền Đông mới và Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đã đưa vào vận hành…
TP. Thủ Đức đã thu hút một số tập đoàn lớn trong và ngoài nước đổ bộ như Vingroup, Masterise Group, Sơn Kim Land, Bamboo Capital trên mảng bất động sản. Tập đoàn công nghệ Intel cũng đã rót thêm nửa tỷ USD vào nhà máy sản xuất chip tại Khu công nghệ cao quận 9. Giá bất động sản khá nhiều khu vực tăng ấn tượng từ 100% đến 200%, đi cùng với sự xuất hiện của nhiều khu dân cư, cơ sở giáo dục hiện đại.
Dù vậy, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những vấn đề của TP. Thủ Đức sau 1 năm thành lập, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có trụ sở tại đây cho rằng, TP. Thủ Đức hiện chỉ là một “siêu quận”, chưa có cơ chế đột phá. Kết cấu hạ tầng chưa có nhiều thay đổi, nhưng giá đất đã tăng lên rất cao, điều này vô hình trung làm mất cơ hội của nhiều nhà đầu tư. Còn đối với những dự án dang dở, không doanh nghiệp nào có thể thỏa thuận được khâu đền bù giải phóng mặt bằng khi giá đất “nhảy múa” như vậy.
“Rõ ràng, việc này đã làm khổ doanh nghiệp. Nhà nước cần tạo được cơ chế đồng bộ giữa việc tạo nguồn lực cho Thành phố, cho địa phương, song song với công tác công bố thông tin. Vậy nhưng, thông tin cứ chạy trước, rồi giá đất, thuế phí tăng ‘tiếp sức’ theo, trong khi các điều kiện hạ tầng không kịp thay đổi. Thực sự chúng tôi không biết sự biến chuyển sau khi TP. Thủ Đức được thành lập là gì”, một lãnh đạo doanh nghiệp than thở.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hạ tầng giao thông tuy được đầu tư mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Cụ thể, tuyến Metro số 1, dự án trọng điểm thay đổi bức tranh giao thông công cộng khu Đông, nhưng tiếp tục lùi thời điểm hoạt động. Hay như tại Dự án đường Vành đai 2, chỉ còn khoảng 10 km nữa, nhưng vẫn chưa thể khép kín. Bên cạnh đó, nhiều dự án cải tạo các trục đường chính như Lương Đình Của, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Xiển, Đỗ Xuân Hợp, cầu Cát Lái liên tục chậm tiến độ, thậm chí là “giậm chân tại chỗ”.
Chưa kể, trên địa bàn TP. Thủ Đức hiện nay, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt 7,21%, thấp hơn nhiều so với quy chuẩn đô thị là 18%. Mật độ đường giao thông thấp, không có nhiều đường kết nối giữa Xa lộ Hà Nội và cao tốc. Còn nhiều tuyến đường hẹp, cầu yếu, trong khi vấn nạn kẹt xe và ngập lụt vẫn là câu chuyện nóng.
Bên cạnh đó, các đề án đầy tham vọng như phát triển Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, khu công nghệ cao thứ 2 Long Phước, hay các trung tâm thể thao, nghỉ dưỡng sinh thái, hạ tầng cảng vẫn chưa mấy tiến triển.
“Sự phối hợp giữa TP. Thủ Đức với các địa phương liền kề như Bình Dương, Đồng Nai vẫn chưa rõ ràng, khiến cho sợi dây liên kết vùng chưa phát huy rõ nét”, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME nói và cho biết thêm, cả hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đều không chạy theo được thông tin của thị trường, dẫn tới các yếu tố đầu vào như giá đất bị đẩy lên cao, thủ tục hành chính bị ngưng trệ. Đó là một cái khó, một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào TP. Thủ Đức.
Tương tự, một vị lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải tại TP. Thủ Đức cũng than thở, vì chưa có sự chuẩn bị kỹ càng nên chính quyền thành phố mới còn lúng túng, các vấn đề liên quan đến 3 quận cũ thì bị đình lại, gây lãng phí về mặt nguồn lực xã hội, tạo sự ức chế cho người dân, doanh nghiệp.
Chính quyền cũng gặp khó
Qua 1 năm hoạt động, tại TP. Thủ Đức đã xuất hiện nhiều bất cập, nhất là về công tác cán bộ. Sau khi tinh gọn thì đội ngũ cán bộ đã giảm, nhưng khối lượng công việc lại lớn khiến lực lượng cán bộ thành phố quá tải, chịu không ít áp lực và nhiều người đã xin nghỉ việc.
Theo ông Hồ Hải Phong, Chủ tịch UBND phường An Khánh (thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 phường Bình An và An Khánh), sau sáp nhập, từ 59 người gồm cán bộ, công chức, bán chuyên trách, đến nay sắp xếp còn 35 người. Công việc tăng gấp đôi, đòi hỏi cường độ làm việc cao nhưng lượng người giảm, chế độ cho lực lượng bán chuyên trách thấp nên cán bộ khó có thể an tâm công tác.
“Phường An Khánh đang thiếu nhân sự trầm trọng do nhiều cán bộ không chuyên trách cũng xin nghỉ việc. Tổng thu nhập của người hoạt động không chuyên trách chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, nhưng số lượng hồ sơ hành chính sau sáp nhập 2 phường phải giải quyết rất nhiều. Công việc nhiều, thu nhập thấp, người lại ít hơn trước nên nhiều cán bộ xin nghỉ ra ngoài làm.
Trong điều kiện hiện tại, lãnh đạo phường không thuyết phục, động viên được anh em tiếp tục công việc. Cũng từ đây, phát sinh thêm vấn đề chuyển giao, tiếp cận hồ sơ công việc của người cũ và người mới, cán bộ mới phải nắm bắt lại từ đầu, dẫn đến có công việc giải quyết chậm”, ông Phong chia sẻ.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho biết, qua thực tiễn 1 năm đi vào hoạt động, việc tinh giản cán bộ cần phải xem lại, bởi hiện sau sáp nhập, UBND TP. Thủ Đức có 585 người, theo lộ trình phải giảm xuống còn 459 người thì “không biết làm sao”.
“Với số lượng này, không thể đáp ứng nhiệm vụ trong điều kiện địa bàn rộng, đông dân như hiện nay. Một vấn đề khác là tâm lý của cán bộ, công chức chưa thực sự an tâm để làm việc. Nhất là khi TP. Thủ Đức làm các bước rà soát để tinh giản, luân chuyển vị trí làm việc, nhiều cán bộ trăn trở, xin nghỉ việc”, ông Hoàng Tùng chia sẻ.
Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, quản lý một địa phương mà dân số bằng một tỉnh, nhưng bộ máy tương đương một huyện thì chắc chắn không làm tốt, dẫn đến quá tải. Do vậy, muốn TP. Thủ Đức phát triển đột phá thì phải có 3 yêu cầu. Đó là Thành phố phải tự chủ, phát huy các nguồn lực có sẵn; phải có trình độ nhân lực bình quân cao; phải có đột phá về hạ tầng đô thị, hạ tầng 4.0…
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia nhận định, thực tế TP. Thủ Đức không thiếu tiền, nhưng cần cơ chế để “thoát khỏi một cái áo chật chội”. Bởi từ khi thành lập, TP. Thủ Đức được xác định là một đơn vị quy mô tương đương cấp huyện nên đây là rào cản lớn.
Tuy nhiên, trong lúc chờ các thay đổi về mặt cơ chế, TP. Thủ Đức cần tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin, tập trung nâng cấp dữ liệu, số hóa để làm sao tận dụng hết khả năng của Trung tâm điều hành thông minh (IOC) TP. Thủ Đức. Qua đó có thể giải bài toán giảm biên chế nhưng tăng khối lượng công việc.
Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP. Thủ Đức với các doanh nghiệp trên địa bàn năm 2021, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP. Thủ Đức cho biết, sắp tới, Thành phố sẽ tổ chức một kênh kết nối, có thể là Hội quán doanh nghiệp. Đây sẽ là nơi giao lưu giữa lãnh đạo Thành phố và doanh nghiệp, qua đó nắm bắt các khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ.
“TP. Thủ Đức sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời cũng mong các doanh nghiệp chủ động có phương án sản xuất an toàn, thường xuyên tầm soát dịch bệnh cho người lao động và kịp thời trao đổi với chính quyền nếu phát hiện các trường hợp F0”, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.