Để từng doanh nghiệp Việt thực sự muốn dấn thân, có tham vọng lớn lên, họ cần không chỉ sự tự do kinh doanh mà còn được đảm bảo an toàn để thử nghiệm, để thất bại, để sẵn sàng mở rộng quy mô và phát triển kinh doanh. |
“Tôi không thích câu hỏi này khi Lotus mới ra mắt được vài ngày! Thị trường có nguyên tắc của nó và người kinh doanh hơn ai hết hiểu điều này. Điều tôi quan tâm, đó là môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý và cả môi trường xã hội có thực sự hậu thuẫn để mọi ý tưởng kinh doanh được ra đời, được thử sức hay không”, ông Cung nói.
Đây không phải lần đầu, ông Cung và nhiều chuyên gia kinh tế vĩ mô phản ứng với những lời bàn ra, bàn vào khi một sản phẩm, một thương hiệu, một doanh nghiệp Việt xuất hiện theo cách không truyền thống.
Hơn 2 năm trước, khi tuyên bố sẽ làm ô tô, Vingroup ngay lập tức đối mặt với vô vàn nghi ngờ, thậm chí cả sự dèm pha về con đường không giống ai của mình.
Tương tự, FLC đối mặt với những thách thức vô cùng lớn từ cộng đồng xã hội, từ tư duy kinh doanh truyền thống khi tuyên bố thành lập Bamboo Airway…
Khi đó, ông Cung cũng đã buộc phải lên tiếng, hãy để cho các doanh nghiệp được toàn quyền quyết định sản xuất gì, ở đâu, bao nhiêu, như thế nào theo đúng nguyên tắc của thị trường, đúng nguyên tắc doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Đây là điều mà nền kinh tế Việt Nam đang rất cần để năng động hơn, tự chủ hơn…
May mắn là, các doanh nghiệp này đều đang có sự hậu thuẫn vô cùng quan trọng từ môi trường chính sách, từ tư duy “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ.
Nhưng không may là không phải mọi doanh nghiệp đều có được sự hậu thuẫn đó.
Cũng trong tuần này, giới khởi nghiệp sáng tạo tiếp tục xôn xao về đề xuất bảo lưu phương án gắn hộp đèn có chữ TAXI cố định trên nóc xe, bất kể đó là taxi truyền thống hay taxi công nghệ mà Bộ Giao thông - Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ. Ông Lâm Minh Chánh, Giám đốc Trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUni, đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp đã buộc phải thốt lên rằng, xe công nghệ là 1 phát minh tuyệt vời, đem lại giá trị lớn cho xã hội, và thể hiện xu thế phát triển thời công nghệ số, chụp cái mũ taxi lên những chiếc xe này là Bộ Giao thông - Vận tải gián tiếp “giết đi sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ trong giao thông vận tải tại Việt Nam”.
Họ lo lắng về những cánh cửa có thể sẽ đóng lại với chính các ý tưởng kinh doanh của họ, khi các nhà quản lý không tìm được phương pháp quản lý phù hợp, buộc họ phải mặc chiếc áo cũ của mô hình kinh doanh cũ.
Nội bộ Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp với hơn 50.000 thành viên đang phát đi đề nghị cùng tìm kiếm công nghệ quản lý các loại xe sử dụng công nghệ gọi xe, để hiến kế cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Các start-up Việt, các doanh nghiệp Việt đang rất muốn được thể hiện mình, muốn làm những điều mà VCCorp đang làm với Lotus, Vingroup đang làm với VinFast…, để có thể lớn mạnh hơn, để sẵn sàng dấn thân vào những lĩnh vực, những thị trường khó, đã bị thống trị bởi những gã khổng lồ toàn cầu cầu, để bắt kịp, đi cùng với xu thế phát triển của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhưng để từng doanh nghiệp Việt thực sự muốn dấn thân, có tham vọng lớn lên, họ cần không chỉ sự tự do kinh doanh mà còn được đảm bảo an toàn để thử nghiệm, để thất bại, để sẵn sàng mở rộng quy mô và phát triển kinh doanh.
Lúc này, là vai trò của nhà nước kiến tạo, của Chính phủ “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, là vai trò của sự sẵn sàng trong tư duy cải cách và phát triển.