Đầu tư
Đề xuất 2 phương án giao Lâm Đồng đầu tư cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc
Anh Minh - 06/02/2021 14:19
Bộ GTVT cơ bản ủng hộ giao địa phương thực hiện nhiệm vụ Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, trong đó có đoạn Tân Phú - Bảo Lộc.
Một đoạn Quốc lộ 20 qua Lâm Đồng.

Đây là nội dung đáng chú ý trong công văn số 1063/BGTVT – ĐTCT vừa được Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến giao UBND tỉnh Lâm Đồng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, một trong những phân đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Theo Bộ GTVT,  Quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt có tổng chiều dài 208 Km với quy mô 4 làn xe. Tiến trình đầu tư từ đèo Prenn đến thành phố Đà Lạt khoảng 19 km đã hoàn thành trước năm 2020; các đoạn còn lại từ Dầu Giây - Liên Khương khoảng 199 km: giai đoạn từ 2020 - 2030 hoàn thành 123 km và sau 2030 hoàn thành 66 km.

Bộ GTVT đánh giá việc đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc khu vực phía Nam; đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng cao, rút ngắn thời gian đi lại và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên QL20; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chungtrong điều kiện nguồn lực vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đang rất khó khăn, toàn bộ tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng mức đầu tư lớn (nếu đầu tư đủ tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe mặt cắt ngang 25m với tổng chiều dài gần 200km cần đến 65.000 tỷ đồng tính toán tại thời điểm năm 2014).

Bộ GTVT khẳng định Dự án không khả thi nếu chỉ đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân và cần phải có sự tham gia thêm từ nhiều nguồn vốn khác (NSNN, ODA,..). Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư theo hình thức PPP và giao Bộ GTVT nghiên cứu để phân đoạn và phân kỳ đầu tư dự án. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chủ động nghiên cứu và phối hợp với UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai để nghiên cứu, lựa chọn phương án đầu tư phù hợp.

Hiện nay, Bộ GTVT đã giao cơ quan quản lý thuộc Bộ tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án thành phần theo quy mô phân kỳ: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, đề xuất sử dụng vốn hỗ trợ của nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Đối với đoạn Dầu Giây - Tân Phú dài 59,6 km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT đã rà soát, thẩm định nội bộ và đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn theo quy định làm cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo.

Đối với các đoạn còn lại bao gồm: Tân Phú - Bảo Lộc dài 67km và Bảo Lộc - Liên Khương dài 73,37 km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng do tổng mức đầu tư cao, lưu lượng xe dự báo thấp, cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước lớn để đảm bảo tính khả thi nên Bộ GTVT đang phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư phù hợp.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, vào giữa tháng 1/2021, UBND các tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án đầu tư đoạn Tân Phú - Bảo Lộc dài 67 km với quy mô phân kỳ 04 làn cao tốc theo phương thức đối tác công tư (tổng mức đầu tư khoảng 18.200 tỷ đồng, trong đó: vốn nhà đầu tư thu xếp khoảng 9.646 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ khoảng 8.554 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương khoảng 4.227 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương khoảng 4.227 tỷ đồng) và đề nghị giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án.

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT còn khó khăn, việc đề xuất chủ động cân đối ngân sách địa phương tham gia cùng ngân sách trung ương để hỗ trợ thực hiện đầu tư dự án theo phương thức đối tác công - tư đã thể hiện địa phương có trách nhiệm cao của địa phương đối với kết cấu hạ tầng giao thông cả nước. Qua trao đổi với địa phương trong công tác quản lý nhà nước, trên cơ sở đề xuất Bộ GTVT đã cơ bản ủng hộ giao địa phương thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sớm tổ chức thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Tuy nhiên, để đảm bảo tuân thủ pháp luật hiện hành, sau khi hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định, Bộ GTVT đề nghị địa phương có thể báo cáo cấp thẩm quyền giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo 2 phương án.

Phương án thứ nhất là giao địa phương là cơ quan lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định (xác định hình thức đầu tư). Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ địa phương về thủ tục trong quá trình triển khai đảm bảo quy định pháp luật về xây dựng. Sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền giao cơ quan có thẩm quyền và cơ quan ký kết thực hiện hợp đồng dự án PPP.

Phương án thứ 2 là giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án tương tự như một số dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao cho địa phương: cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cầu Bạch Đằng (UBND tỉnh Quảng Ninh), cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (UBND tỉnh Sơn La), cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (UBND tỉnh Cao Bằng)... nhằm tăng tính chủ động, tạo thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như hỗ trợ nhà đầu tư khi triển khai.

Được biết, tại Thông báo số 24/TB – VPCP thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về việc triển khai Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc tại cuộc họp về việc triển khai Dự án hôm 21/1, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về việc giao UBND tỉnh Lâm Đồng là Cơ quan có thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/2/2021.

Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá tác động toàn diện của việc đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với các Dự án BOT khác đã và đang được đầu tư, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây,... không để xảy ra xung đột, khiếu kiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu phương án triển khai các đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương bảo đảm kết nối đồng bộ các đoạn tuyến cao tốc nhằm phát huy hiệu quả cao nhất cho toàn tuyến. Có thể xem xét tiếp tục giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền nếu hợp lý và địa phương đề nghị.

Tin liên quan
Tin khác