Đầu tư
Đề xuất 6.479 tỷ đồng xây cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; 3.903 tỷ đồng cải tạo hạ tầng đường thủy phía Nam
Hạnh Nguyên - 30/10/2021 11:06
Đề xuất phương án đầu tư 6.479 tỷ đồng xây cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; Đề xuất đầu tư 3.903 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo hạ tầng các tuyến đường thủy phía Nam...
TIN LIÊN QUAN

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Đề xuất phương án đầu tư 6.479 tỷ đồng xây cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận vừa có tờ trình đề nghị Bộ GTVT xem xét thẩm định Báo

cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Dự án đường cao cấp An Hữu - Cao Lãnh dài 32km (đoạn khoanh tròn) có vốn đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng ẢNH: CTV

Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km), thuộc địa phận xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 2km), thuộc địa phận xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Từ vị trí điểm đầu Dự án giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km), tuyến đi chếch theo hướng Đông Nam vượt qua ĐT.847, tránh quy hoạch Thị trấn Mỹ Thọ, sau đó hướng tuyến cơ bản đi thẳng theo hướng Đông giao với ĐT.850 và nằm giữa khu dân cư với khu sinh thái Xẻo Quýt, tuyến tiếp tục vượt sông Cái Lân vào địa phận tỉnh Tiền Giang, vượt qua sông Bờ Goong kết nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại vị trí cách nú tgiao An Thái Trung khoảng 2km thuộc địa phận xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Tổng chiều dài Dự án khoảng 27,43km, trong đó qua địa phận tỉnh ĐồngTháp khoảng 19,81 km, qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62 km.

Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến được xây dựng theo quy mô 4 làn xe cao tốc với mặt cắt ngang 24,75m (4 làn xe cơ giới mỗi làn rộng 3,75m, chiều rộng dải phân cách giữa và dải an toàn trong 2,25m, chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp 3m và chiều rộng lề đất 1,5m); đạt vận tốc 100 km/h.

Trong giai đoạn I, Dự án sẽ đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, chiều rộng mặt cắt ngang 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 với quy mô mặt cắt ngang 17m (bao gồm lãi vay) là 6.476,93 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện với quy mô mặt cắt ngang 24 m (không bao gồm lãi vay) là 13.298,77 tỷ đồng.

Trong giai đoạn I, phần vốn nhà nước tham gia Dự án khoảng 3.238 tỷ đồng và thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; vốn nhà đầu tư huy động khoảng 3.238 tỷ đồng, trong đó: vốn chủ sở hữu khoảng 486 tỷ đồng (tương ứng mức tối thiểu 15% theo quy định của Luật PPP),vốn vay khoảng 2.752 tỷ đồng.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị tiến hành chuẩn bị đầu tư Dự án từ năm 2021 – 2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư: năm 2022 – 2023; thi công xây dựng công trình: cơ bản hoàn thành thông tuyến năm 2025, chuyển tiếp hoàn thành 2027.

Dp Dự án tuyến đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu là tuyến huyết mạch có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh quốc gia nên Ban quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước (theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 31) để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án thành phần, tương tự hình thức đấu thầu các dự án thành phần PPP cao tốc Bắc -Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được cấp có thẩm quyền thông qua.

Đại hội XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông...”.

Trong khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc có bao gồm tuyến cao tốc Cao Lãnh – An Hữu. Đây là một trong 3 tuyến cao tốc trục ngang trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang chạy theo bờ Bắc sông Tiền, đồng thời đoạn tuyến là một phần tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh để kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp) với các các cảng biển khu duyên hải, khu kinh tế Định An (tỉnh Trà Vinh).

Thủ tướng phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật cầu Đại Ngãi trị giá 21,8 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1741/QĐ – TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng sẽ sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản.

Đây là dự án do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản có mục tiêu thực hiện công tác khảo sát nghiên cứu, thu thập số liệu phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi, phục vụ công tác phê duyệt dự án đầu tư, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi vượt sông Tiền trên Quốc lộ 60.

Dự án có thời gian thực hiện là 1 năm (2021 – 2022) với tổng số vốn là 21,832 tỷ đồng, tương đương 100 triệu Yên Nhật, trong đó toàn bộ là vốn viện trợ không hoàn lại.

Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi có điểm đầu giao với Quốc lộ 54 tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng với chiều dài toàn tuyến là 15,2 km.

Dự án bao gồm việc xây dựng cầu Đại Ngãi 1 dài 2,56km, cầu Đại Ngãi 2 dài 0,86km quy mô 4 làn xe và 11,78km đường dẫn bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, với tổng mức đầu tư khoảng 8.140 tỷ đồng.

Do cầu Đại Ngãi có quy mô lớn, vị trí xây dựng trên khu vực địa chất phức tạp lớp bùn dày, gần cửa biển yêu cầu kỹ thuật phức tạp nên trước đó Bộ GTVT đã đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cung cấp khoản tài trợ không hoàn lại để các chuyên gia Nhật Bản nhiều kinh nghiệm hỗ trợ Bộ GTVT lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Trà Vinh khánh thành Nhà máy Điện gió V1-2

UBND tỉnh Trà Vinh vừa tổ chức khánh thành Dự án Nhà máy Điện gió V1-2 tại ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, do CTCP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam làm chủ đầu tư.

Công trình được khởi công vào tháng 8/2020; thi công các hạng mục từ tháng 3/2021, đến nay đã hoàn thành đưa vào hoạt động trên điện tích sử dụng khoảng 209 ha mặt đất, mặt nước, tổng công suất 48 MWp, gồm 12 tua-bin gió, sản lượng điện đạt 168 triệu kilowatt/năm; tổng mức đầu tư trên 2.232 tỷ đồng, dự án vận hành hàng năm sẽ đóng góp vào ngân sách của địa phương khoảng 45-50 tỷ đồng và tạo ra hàng chục việc làm mới cho nhân dân địa phương nơi dự án được triển khai.  

Lễ khánh thành Dự án điện gió V1-2 (ảnh: Báo Trà Vinh online)

Tại Lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của đơn vị thi công và chủ đầu tư, đã khắc phục những khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh và giãn cách xã hội vừa qua, nỗ lực thi công hoàn thành công trình đúng tiến độ, nhất là sự hỗ trợ hợp tác giúp đỡ của địa phương và người dân nơi triển khai dự án để hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND thị xã Duyên Hải, đơn vị thi công và chủ đầu tư tiếp tục phối hợp, hoàn thành các thủ tục có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất để Dự án vận hành tốt nhất. Đây là một trong những công trình quan trọng của tỉnh, nhằm phát triển kinh tế biển cũng như kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian tới.

Vĩnh Long giải ngân vốn đầu tư công đạt 53,71%

UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo, đối với các dự án thuộc nguồn vốn Trung ương, vốn năm 2020 chuyển sang 2021 phải tập trung xử lý dứt điểm.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, tính đến ngày 30/9/2021, Tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư công được 2.314,352 tỷ đồng, đạt 53,71% kế hoạch. Trong đó,  vốn của Tỉnh thực hiện được 1.767,416 tỷ đồng, đạt 55,54%; vốn Trung ương thực hiện được 554,124 tỷ đồng, đạt 48,6%. Trên địa bàn Tỉnh đã có 130/137 Dự án khởi công mới, đã quyết toán vốn đầu tư dự án 277 công trình, đang thẩm tra 53 công trình.  

Một góc thành phố Vĩnh Long

Kết quả về khối lượng và giải ngân nguồn vốn chuyển tiếp tỉnh Vĩnh Long còn chậm. Cụ thể, các dự án có vốn chuyển tiếp còn 12 công trình chưa giải ngân; 18 công trình giải ngân dưới 30%; 5 công trình giải ngân dưới 40%; các dự án thuộc vốn ODA giải ngân chỉ đạt 6%. Riêng các dự án thuộc nguồn bội chi ngân sách giải ngân đạt tỷ lệ cao, với 81%.

Nguyên nhân được UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ ra là do công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn rất chậm (do chậm giải quyết khiếu nại, chậm bàn giao mặt bằng, chậm cưỡng chế…) dẫn đến chậm giải ngân phần vốn bồi thường giải phóng mặt bằng và vốn xây lắp công trình.  

Bên cạnh đó, sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa tốt; công tác tham mưu của cơ quan chuyên môn cấp huyện trong thực hiện nhiệm vụ chưa chủ động, đề xuất (không quyết tâm, không sâu sát, không kịp thời); một số chủ đầu tư chưa chủ động trong quá trình thực hiện, yếu kém về năng lực…

Về nguyên nhân khách quan, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và mùa mưa bão cũng đã ảnh hưởng đến thi công công trình, làm chậm tiến độ giải ngân.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương trong thời gian tới cần tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng, giải quyết khiếu nại, vận động, cưỡng chế; thường xuyên tháo gỡ khó khăn cho từng dự án/ công trình cụ thể (đặc biệt là vốn Trung ương, vốn vay ODA, các công trình nông thôn mới...) để đẩy nhanh tiến độ về khối lượng và giải ngân vốn.

Tập trung hoàn thành thủ tục đối với 7 dự án chưa khởi công để khởi công trong cuối tháng 10/2021 và chậm nhất 15/11/2021 phải dứt điểm. Đối với các dự án thuộc nguồn vốn Trung ương, vốn năm 2020 chuyển sang 2021 phải tập trung xử lý dứt điểm.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra để xử lý vi phạm trong đầu tư xây dựng, đấu thầu, tiến độ, chất lượng trong xây dựng; rà soát điều chỉnh, bổ sung, cắt vốn để đảm bảo cân đối nguồn thu...

Lâm Đồng đề xuất đưa 136ha rừng ra khỏi quy hoạch để xây cao tốc

Ngày 23/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, điều chỉnh cục bộ diện tích đất lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong những đoạn thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương. Ảnh: C.L

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị điều chỉnh hơn 146ha đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng sản xuất. Trong đó có hơn 136ha đất có rừng (rừng tự nhiên 122ha, rừng trồng 13ha) và hơn 9ha đất chưa có rừng nằm trên địa bàn 2 huyện Bảo Lâm và huyện Đạ Tẻh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để có đủ cơ sở xem xét, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, cần phải điều chỉnh cục bộ diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng sản xuất nêu trên ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng, làm cơ sở để đơn vị chủ Dự án hoàn thiện hồ sơ, tài liệu có liên quan để xây dựng cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo quy định.

Được biết vào tháng 2/2021, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trong giai đoạn 2021-2025.

Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú nằm trong dự án Dầu Giây - Liên Khương, gồm 3 dự án thành phần: Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương. Dự án Dầu Giây - Liên Khương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 có chiều dài 200km với 4 làn xe, mặt cắt ngang 25m với nguồn vốn đầu tư lên đến 65.000 tỉ đồng.

Tháng 3/2021, HĐND tỉnh Lâm Đồng có Nghị quyết về việc đầu tư dự án theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó nhằm từng bước hoàn thiện cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đúng kế hoạch đề ra.

Theo kế hoạch về nhu cầu sử dụng đất và giải phóng mặt bằng của dự án, trong giai đoạn 1, sẽ thực hiện việc giải phóng mặt bằng theo quy mô của toàn dự án (quy mô nền đường 22m), với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 455 ha, trong đó, tỉnh Đồng Nai khoảng 81ha và tỉnh Lâm Đồng khoảng 374ha.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ được lưu thông dịp Tết Nguyên đán 2022

Ông Trần Văn Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang vừa chủ trì buổi kiểm tra thực tế tiến độ thi công Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận - đơn vị thi công cho biết, hiện trên toàn tuyến cao tốc, các công trình như cống, cầu đã hoàn thành, chỉ còn thi công phần nhựa nóng mặt đường với khoảng 9 km.

Trong khoảng 9 km này còn khoảng 280 m chưa dỡ tải do tốc độ lún còn cao. Dự kiến, đến tháng 11 sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến, trong tháng 12, doanh nghiệp Dự án sẽ hoàn thiện các hạng mục để phục vụ người dân lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Về vấn đề đặt trạm thu phí để thu phí Dự án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp cần rà lại những công việc lãnh đạo UBND tỉnh đã bàn thống nhất với doanh nghiệp  Dự án mà chưa điều chỉnh hợp đồng thì phải thực hiện ngay. Riêng những gì phát sinh thì tiếp tục đề nghị trình cấp có thẩm quyền.

Về dự án cầu Mỹ Thuận 2 qua sông Tiền kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Nha - Chủ tịch UBND huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) vừa cho biết, huyện đã bàn giao 100% mặt bằng Dự án cầu Mỹ Thuận 2 cho đơn vị thi công.

Theo đó, tỉnh Tiền Giang được giao làm chủ đầu tư Tiểu dự án giải phóng mặt bằng gói thầu xây lắp 01 (XL01) - Thi công đường dẫn phía tỉnh Tiền Giang từ Km101+126 (điểm đầu dự án) đến Km104+190 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu. Tổng cộng có 389 hộ dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bị ảnh hưởng bởi dự án.

Như vậy, đến nay, địa phương đã hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cầu Mỹ Thuận 2, đảm bảo được tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao 100% mặt bằng sạch cho đơn vị thi công trong cuối tháng 10/2021 theo đúng kế hoạch mà UBND tỉnh Tiền Giang đề ra.

Được biết, Dự án Thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020. Tổng mức đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 là 5.003 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, dự kiến hoàn thành vào năm 2023, giảm áp lực lên cầu Mỹ Thuận hiện hữu một khi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào hoạt động.

Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương tiếp nhận Khoản hỗ trợ phát triển ĐBSCL

UBND TP.Cần Thơ trình Thủ tướng phê duyệt tiếp nhận Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bến Ninh Kiều nhìn từ sông Cần Thơ

Ngày 25/10, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký Công văn số 5435/UBND-XDĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trương tiếp nhận Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu do các đối tác phát triển tài trợ.

Tại Công văn nêu trên, UBND TP.Cần Thơ cho rằng, được sự quan tâm của Trung ương, trong thời gian qua tỷ trọng đầu tư cho vùng ĐBSCL có tăng lên, đặc biệt là các Dự án kết cấu hạ tầng giao thông (tổng kinh phí bố trí đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông Vùng trong giai đoạn 2011-2015 chiếm khoảng 14,51%, giai đoạn 2016-2020 chiếm khoảng 16,15% so với cả nước). Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, nên các công trình kết cấu hạ tầng giao thông được Trung ương đầu tư vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng ĐBSCL (đến năm 2020, toàn vùng ĐBSCL có chưa tới 100 km đường cao tốc đang khai thác, sử dụng).

Vì vậy, việc Trung ương hỗ trợ và ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL thông qua Chương trình Hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL (DPO) theo hướng bền vững, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, liên kết vùng hiệu quả, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông so với các vùng miền khác là hết sức cần thiết.

Theo UBND TP.Cần Thơ, qua công tác phối hợp, các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL đã thống nhất và đồng thuận cao với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 6762/BKHĐT-KTĐN ngày 5/10/2021 về việc chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do các đối tác phát triển tài trợ. Cụ thể như sau:

Tổng vốn nước ngoài của Khoản hỗ trợ DPO là 2 tỷ USD.

Vốn đối ứng do các Bộ và 13 địa phương thuộc vùng ĐBSCL cân đối, bố trí để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án được đầu tư từ Khoản hỗ trợ DPO.

Về cơ chế tài chính, đối với nguồn vốn nước ngoài, ngân sách Trung ương cấp phát 90%, địa phương vay lại 10%. Đối với nguồn vốn đối ứng, ngân sách địa phương tự cân đối, bố trí.

Đề xuất đầu tư 3.903 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo hạ tầng các tuyến đường thủy phía Nam

Dự án Phát triển các hành lang đường thủy, logistics phía Nam sẽ nâng cấp hai hành lang đường thủy kết nối ĐBSCL với Tp HCM - Đồng Nai - Bình Dương và cảng Cái Mép - Thị Vải.

Vận tải hàng hóa tấp nập trên một tuyến kênh ở ĐBSCL


Bộ GTVT vừa có tờ trình đề nghị 10299/TTr - BGTVT xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, sử dụng vốn vay ngân hàng Thế giới - WB và vốn viện trợ của Chính phủ Úc.

Dự án có mục tiêu là cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa giao thông vận tải đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hai tuyến hành lang vận tải logistics kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Tp HCM - Đồng Nai - Bình Dương và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long .

Cụ thể, đối với hành lang Đông - Tây, Dự án sẽ cải tạo, nâng cấp đạt cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa cho tàu tự hành đến 600T, tàu 3 lớp container thường lưu thông 24/24h, tàu tự hành đến 1.500T lợi dụng thủy triều ở mực nước cao để lưu thông.

Đối với hành lang Bắc - Nam, Dự án sẽ cải tạo tuyến luồng cho tàu tự hành đến 5.000T, tàu 4 lớp container lưu thông thuận lợi, an toàn.

Địa điểm thực hiện Dự án là tại Tp HCM, thành phố Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự kiến tổng vốn thực hiện Dự án là 3.902,95 tỷ đồng, trong đó vốn vay IBRD của WB dự kiến 2.493,731 tỷ đồng (tương đương 107,67 triệu USD); vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc dự kiến 13,48 tỷ đồng (tương đương 0,582 triệu USD); vốn đối ứng dự kiến 1.395,74 tỷ đồng của Chính phủ Việt Nam.

Thời gian thực hiện Dự án là 4 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực.

Bộ GTVT cho biết là tại bước Đề xuất dự án, Bộ GTVT dự kiến quy mô đầu tư là nạo vét và nâng cấp tuyến luồng đạt cấp II đường thủy nội địa; kè bảo vệ bờ cho các vị trí xung yếu trên tuyến đường thủy; cải tạo nâng cấp 2 cầu: Trà Ôn và cầu Chợ Lách 2; Xây dựng mới 6 bến khách ngang sông tại 3 vị trí cắt cong tại sông/kênh Măng Thít, Rạch Lá; xây dựng hoàn trả đường dân sinh và 3 cầu dân sinh trên tuyến; xây dựng hệ thống công trình thủy lợi và cống thoát nước; lắp đặt hệ thống báo hiệu trên tuyến.

Tuy nhiê tại bước nghiên cứu khả thi, sau khi rà soát lại hiện trạng tuyến luồng, các dự án trùng lắp, đánh giá các điều kiện an sinh xã hội ảnh hưởng bởi dự án và tiêu chuẩn hiện hành, Ban quản lý các dự án đ ường thủy đã đề xuất bỏ phần khối lượng nạo vét và bạt mom tuyến luồng sông Đồng Tranh (do trùng với dự án xã hội hóa nạo vét đang được triển khai); không đầu tư xây mới cầu Trà Ôn; rà soát, giảm các vị trí cắt cong và chuyển sang bạt mom ở một số vị trí đảm bảo bán kính cong tối thiểu từ 320 đến 450m nhằm hạn chế ảnh hưởng đến an sinh xã hội, dẫn đến giảm đầu tư các bến khách ngang sông, giảm một số vị trí kè bảo vệ và đường dân sinh.

Do điều chỉnh về quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến tại bước nghiên cứu khả thi giảm so với bước Đề xuất dự án khoảng khoảng 1.726,48 tỷ đồng.

Sóc Trăng xây dựng Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây vốn 2.000 tỷ đồng

Dự án khi hoàn thành tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn kết nối thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu với TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Thành phố Sóc Trăng

Tỉnh Sóc Trăng đang tiến hành các thủ tục đầu tư Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây, tỉnh Sóc Trăng, với tổng mức đầu tư  2.000 tỷ đồng.

Dự án có điểm đầu (Km0+00) giao với tuyến Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp tại Km50+784 thuộc Phường 3, thị xã Ngã Năm. Điểm cuối dự án (Km56+678) giao với Đường tỉnh 935 tại phường Khánh Hoà, thị xã Vĩnh Châu.

Về quy mô đầu tư, Dự án xây dựng mới, mở rộng và nâng cấp 56,678 km đường (bao gồm đoạn đi trùng tuyến đường trục phát triển kinh tế từ TP. Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa, tỉnh Sóc Trăng dài khoảng 1,76 km), 44 cầu giao thông, 50 cống ngang đường, hệ thống cống dọc (tại nút giao với Đường tỉnh 935), 6 nút giao thông lớn tại các vị trí giao với quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ 1, Đường tỉnh 940, Đường tỉnh 936B, Đường tỉnh 936 và Đường tỉnh 935, hệ thống các nút giao với các tuyến đường huyện, đường xã và hệ thống an toàn giao thông trên tuyến.

Cụ thể, về hạng mục đường, là đường cấp IV đồng bằng, vận tốc thiết kế 60 km/h theo TCVN 4054- 2005 (đoạn khó khăn tốc độ thiết kế 40 km/h). Quy mô mặt cắt ngang có bề rộng nền đường 9,0m (gồm 2 làn xe cơ giới 2x3,5m=7,0m; lề gia cố 2x0,5=1,0m; lề đất 2x0,5m=1,0m).

Phần cầu, trên tuyến xây dựng mới 44 cầu tại các vị trí kênh cắt ngang, tải trọng thiết kế HL93.

Đây là dự án nhóm A, công trình giao thông cấp III, do Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là 2.000 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 (các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng) 1.500 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025 là 500 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án: năm 2021-2025.

Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây, tỉnh Sóc Trăng khi hoàn thành sẽ tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn kết nối thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP.Cần Thơ và nhất là kết nối giao thông với các tuyến Quốc lộ 1, tuyến quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu để tăng khả năng giao thương giữa tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, làm tăng khả năng kết nối đối với mạng lưới giao thông trong tỉnh, phát huy hơn nữa hiệu quả khai thác các tuyến đường góp phần phát triển kinh tế khu vực theo hướng Đông Tây của tỉnh Sóc Trăng.

Theo Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng (chủ đầu tư), hiện đơn vị tư vấn đang triển khai lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán xây dựng, hoàn thành hồ sơ gửi chủ đầu tư để thẩm tra trước khi trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được khởi công xây dựng vào ngày 15/12/2021.

Quảng Nam chấm dứt đầu tư Nhà máy Thủy điện Đăk Pring 2

Tỉnh Quảng Nam quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Đăk Pring 2 do Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Vinh làm chủ đầu tư.

Nhiều dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thi công chậm trễ, kéo dài.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa bàn hành Quyết định chấm dứt hiệu lực và thu hồi quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Đăk Pring 2 (thôn A Bát, xã Chà Val, huyện Nam Giang). Dự án thủy điện này do Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Vinh làm chủ đẩu tư, được cấp phép triển khai từ tháng 6/2017.

Nguyên nhân thu hồi do Công ty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Vinh xin tự chấm dứt hoạt động dự án, do không thể đầu tư xây dựng lưới điện dùng chung để đấu nối phát điện theo quy hoạch của Bộ Công Thương.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở KH&ĐT thông báo chấm dứt hiệu lực, tiếp nhận quyết định chủ trương đầu tư số 2384/QĐ-UBND của UBND tỉnh trên trang thông tin điện tử của tỉnh, Sở KH&ĐT và lưu trữ bản gốc theo quy định. Các sở, ngành liên quan và UBND huyện Nam Giang rà soát, thu hồi, chấm dứt hiệu lực các văn bản đã ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh thu hồi, hủy các văn bản liên quan đã cấp đối với dự án này.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Cty Cổ phần Đầu tư Phúc Thành Vinh chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đối với nhà nước và thực hiện các thủ tục thanh lý dự án theo quy định.

Trước đó, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương các chủ đầu tư dự án thủy điện, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, đang triển khai thi công được tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương làm việc với chủ đầu tư dự án thủy điện A Vương 5 và Sông Bung 3A yêu cầu thực hiện các cam kết; trường hợp không đảm bảo điều kiện, yêu cầu đầu tư thì tham mưu cấp có thẩm quyền thu hồi dự án, loại khỏi quy hoạch theo quy định.

Đáng chú ý, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương loại khỏi quy hoạch đối với 6 dự án thủy điện gồm: A Vương 4, Sông Bung 3, Đăk Di 4, A Banh, Chà Vàl, Đăk Pring 2.

10 tháng năm 2021, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đều tăng mạnh

Đến ngày 20/10/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn và hấp dẫn.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, tính đến ngày 20/10/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ.

Tuy chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái, song trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang căng thẳng, đây là con số tích cực, cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang chảy vào Việt Nam.

Trong tổng số vốn nói trên, vốn đăng ký mới là trên 13 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ; vốn tăng thêm đạt trên 7,09 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ.

Do trong 10 tháng qua, có tới 3 Dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh, bao gồm Dự án Điện LNG Long An, 3,1 tỷ USD; LD Display Hải Phòng, tăng vốn thêm 2,15 tỷ USD; Nhiệt điện Ô Môn II, 1,31 tỷ USD, nên cả vốn đăng ký mới và tăng thêm đều tăng khá mạnh so cùng kỳ.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-10, phần đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tiếp tục xu hướng giảm. 10 tháng, có 3.063 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 43,8%, với tổng giá trị vốn góp là 3,63 tỷ USD, giảm 40,6%.

Không chỉ thị trường M&A toàn cầu giảm sút, mà các biện pháp hạn chế đi lại cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là trong khi vốn đăng ký đang xu hướng tăng, thì vốn giải ngân lại tiếp tục giảm.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 10 tháng, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ. Mức giảm này đã cao hơn so với cùng thời điểm này tháng trước. 9 tháng, vốn đầu tư thực hiện giảm 3,5% so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đại dịch covid-19 đang dần được kiểm soát. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc, ban hành nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp cũng như các quy định, hướng dẫn thích ứng với tình hình mới của đại dịch.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã dần khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, do vậy dự kiến, vốn đầu tư thực hiện sẽ cải thiện hơn trong các tháng cuối năm.

Ở góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 10 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 12,74 tỷ USD, chiếm 53,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn, mua cổ phần không nhiều, song với quy mô dự án lớn nên đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ, với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,12 tỷ USD và trên 803 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Nếu xét về số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 33,1%, 27,8% và 16% tổng số dự án.

Xét theo đối tác, đã có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2021.

Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,77 tỷ USD, chiếm 28,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 9,9% so với cùng kỳ 2020. Hàn Quốc đứng thứ hai với 4,15 tỷ USD, chiếm 17,5% tổng vốn đầu tư, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Còn Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,4 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư, tăng 89,9% so với cùng kỳ.

Dự án tuyến nối QL 91 và tuyến tránh Long Xuyên chọn thầu theo tiêu chí của ADB

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận khẳng định các tiêu chí chọn nhà thầu xây lắp tại Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh Tp Long Xuyên được xây dựng theo đúng hướng dẫn của ADB.

“Không có chuyện bên mời thầu cố tình đưa thêm một số tiêu chí vào hồ sơ mời thầu so với quy định dẫn đến hạn chế cạnh tranh”, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) – đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, điều hành           ­Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên khẳng định.

Ông Thi cho biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến nố Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên dài 15,3km, đi qua địa phận Tp Cần Thơ và tỉnh An Giang, được đầu tư với quy mô bề rộng mặt đường 11m với 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Dự án được ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB tài trợ vốn vay khoảng 90 triệu USD để thực hiện đầu tư, dự kiến khởi công cuối năm 2021 và hoàn thành vào cuối năm 2023.

Đây là dự án do Bộ GTVT và nhà tài trợ đặc biệt quan tâm bởi việc sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng sẽ giảm ùn tắc giao thông của Quốc lộ 91 hiện hữu đoạn đi qua trung tâm thành phố Long Xuyên cũng như rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp Châu Đốc về ngã 3 Lộ Tẻ.

Hiện nay Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang tổ chức đấu thầu 3 gói thầu CW 4A, CW 4B và CW 4C để lựa chọn nhà thầu xây lắp. Bên mời thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia, áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo chính sách của ADB và quy định của Việt Nam.

Hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp phải lập trên Hệ thống Mạng đấu thầu, theo đúng mẫu của ADB, không được sửa đổi. Tại Dự án này, nhà tài trợ ADB có yêu cầu nghiêm ngặt hơn tiêu chí mời thầu về hợp đồng tương tự.

Theo đó, ADB yêu cầu nhà thầu phải có kinh nghiệm đã thực hiện hợp đồng tương tự có giá trị tối thiểu bằng 80% giá trị của gói thầu đang mời thầu. Trong trường hợp nhà thầu là liên danh thì gộp tất cả các thành viên phải đáp ứng yêu cầu này và phải có ít nhất một thành viên liên danh đáp ứng yêu cầu này.

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận khẳng định tiêu chí này đã được ADB và Bộ GTVT phê duyệt đảm bảo theo đúng quy định, mẫu hồ sơ mời thầu và yêu cầu của nhà tài trợ ADB, hài hòa quy định pháp luật trong nước nhằm giúp lựa chọn các có nhà thầu năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu đáp ứng tiến độ, chất lượng.

Dự kiến các gói thầu này sẽ được mở thầu trong tháng 11/2021.

Hiện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang tập trung, tổ chức đánh giá, trình duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định để đảm bảo mục tiêu khởi công dự án vào cuối năm 2021 như chỉ đạo của Bộ GTVT và UBND tỉnh An Giang. 

Hải Dương sẽ khởi công 2 nút giao mới cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cuối tháng 12/2021

Đây là chỉ đạo của ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương tại cuộc họp về việc xây dựng 02 nút giao mới cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ở huyện Thanh Hà và Bình Giang.

Tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã nghe báo cáo phương án đầu tư xây dựng nút giao kết nối đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa bàn 2 huyện Thanh Hà và Bình Giang.

Đánh giá về vai trò quan trọng của 2 nút giao đường cao tốc với đường tỉnh 390 (Thanh Hà) và đường tỉnh 392 (Bình Giang), ông Thăng khẳng định quyết tâm của lãnh đạo tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn để khẩn trương xây dựng 2 nút giao trong thời gian sớm nhất. Nhấn mạnh cả Hải Dương và và Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đều cần xây dựng 2 nút giao để khai thác lợi thế của đường cao tốc cũng như phát huy tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội.

Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo phải triển khai Dự án một cách nhanh nhất, chất lượng tốt nhất, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Phấn đấu khởi công xây dựng nút giao đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường tỉnh 392 vào cuối tháng 12/2021, thời gian hoàn thành trong 9 tháng. Nút giao với đường tỉnh 390 khởi công trong quý I/2022, hoàn thành trong 15 tháng.

Theo phương án được đề xuất, tỉnh Hải Dương bảo đảm huy động 100% kinh phí đầu tư xây dựng 2 nút giao thông qua nguồn vốn xã hội hóa, riêng kinh phí xây dựng một số hạng mục khác như nhà quản lý thu phí... sẽ do VIDIFI đảm trách. Trước mắt, ưu tiên xây dựng nút giao với đường tỉnh 392.

Về hình thức đầu tư, ông Thăng giao Sở Giao thông vận tải phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, VIDIFI tham mưu lãnh đạo UBND Tỉnh làm việc với Bộ Giao thông vận tải nhằm triển khai xây dựng theo hướng tách hạng mục 2 nút giao thành dự án độc lập để tỉnh tổ chức thực hiện; lựa chọn phương án đầu tư theo hướng thuận lợi nhất, nhanh nhất. Theo đó, phương án của tỉnh là giao nhiệm vụ triển khai cho nhà tài trợ (trong trường hợp có 1 nhà tài trợ, tài trợ 100% nguồn vốn) hoặc giao 1 doanh nghiệp dự án (trường hợp có nhiều nhà tài trợ cùng tham gia, những nhà tài trợ này sẽ thành lập 1 doanh nghiệp dự án).

Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai dự án theo tinh thần “5 rõ”. Khẩn trương làm việc với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan trước ngày 05/11; nếu thẩm quyền thuộc Chính phủ, lãnh đạo tỉnh sẽ làm việc với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, phương án đầu tư. Đồng thời chỉ đạo nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đầu tư 2 nút giao, sẵn sàng triển khai ngay khi có chủ trương của Trung ương. Tiến hành huy động nguồn lực xã hội hóa.

Giao ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thành lập 1 tổ công tác triển khai xây dựng 2 nút giao, có trách nhiệm song hành cùng chủ đầu tư, tháo gỡ thủ tục đầu tư cũng như các điều kiện liên quan. Các địa phương liên quan có trách nhiệm bảo đảm về giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự...

Đồng thời, cũng đề nghị VIDIFI phối hợp chặt chẽ với trách nhiệm cao nhất để cùng tỉnh, nhà tài trợ hoàn thiện thủ tục đầu tư; bàn giao hồ sơ liên quan; bố trí nhân sự phù hợp để song hành cùng tỉnh cũng như tham gia tổ công tác nói trên.

Xuất siêu quay trở lại, điểm sáng của nền kinh tế

Xuất khẩu tăng nhanh trở lại khiến cán cân thương mại thặng dư 1,1 tỷ USD trong tháng Mười.

Tổng cục Thống kê vừa công bố, ước tính tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10/2021 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi xuất khẩu tăng trở lại, thì nhập khẩu lại có xu hướng giảm. Do vậy, trong tháng Mười, xuất siêu đã quay trở lại, với mức ước tính khoảng 1,1 tỷ USD.

Trên thực tế, xuất siêu đã bắt đầu quay trở lại từ tháng Chín, với 360 triệu USD, sau 5 tháng liên tiếp nhập siêu.

Đây là điểm sáng trong bức tranh kinh tế tháng Chín và tháng Mười, và là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tuy vậy, nếu tính chung 10 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa vẫn thâm hụt 1,45 tỷ USD. Cùng kỳ năm trước, nền kinh tế xuất siêu 19,63 tỷ USD.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,73 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,28 tỷ USD.

Nếu tính về thị trường, Tổng cục Thống kê cho biết, 10 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang EU 17,9 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 45,2 tỷ USD, tăng 63,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 27,6 tỷ USD, tăng 29,1%; nhập siêu từ ASEAN 10 tỷ USD, tăng 80,8%.

Quay trở lại với diễn biến xuất nhập khẩu 10 tháng qua, Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 10 tháng năm 2021, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó, có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng năm 2021, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 238,81 tỷ USD, tăng 17,3%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,2 tỷ USD, tăng 15,1%. Nhóm hàng thủy sản đạt 6,89 tỷ USD, giảm 0,8%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, 10 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc - đạt 44,2 tỷ USD, tăng 16,8%.

Trong khi đó, thị trường EU đạt 31,7 tỷ USD, tăng 8,9%. Thị trường ASEAN đạt 23 tỷ USD, tăng 21,3%. Hàn Quốc đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,2%. Nhật Bản đạt 16,1 tỷ USD, tăng 2,2%.

Về nhập khẩu, tính chung 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2021, có 39 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 10 tháng năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 252,21 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 128,08 tỷ USD, tăng 35,2% và chiếm 47,5%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 17,17 tỷ USD, tăng 22,5% và chiếm 6,4%.

Như vậy là cả nhập khẩu tư liệu sản xuất và nhập khẩu hàng tiêu dùng đều tăng nhanh. Tỷ lệ tư liệu sản xuất vẫn chiếm tới 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu cho thấy, cơ cấu hàng nhập khẩu vẫn rất lành mạnh, và là dấu hiệu cho thấy sản xuất đang tiếp tục xu hướng phục hồi.

Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, về thị trường nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 89,4 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc, đạt 45,5 tỷ USD, tăng 21,4%. Thị trường ASEAN đạt 33 tỷ USD, tăng 34,8%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 9%. Thị trường EU đạt 13,8 tỷ USD, tăng 15,9%. Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 13,5%.

CPI tháng 10 giảm 0,2%, lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt

Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, CPI bình quân 10 tháng chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2016.

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, CPI tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020 và tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước.

Việc nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, giúp lưu thông, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhu cầu tích trữ hàng tiêu dùng của người dân giảm, đồng thời nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khiến giá lương thực, thực phẩm trong tháng giảm; cộng thêm nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt giảm khi thời tiết sang thu và giá thuê nhà tiếp tục xuống thấp nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch… là các nguyên nhân chính làm CPI tháng 10 tiếp tục giảm.

Tháng Chín, chỉ số CPI giảm mạnh hơn, lên tới 0,62%, đưa CPI bình quân 9 tháng chỉ còn tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Sang tháng 10, tuy mức giảm thấp hơn, song tính chung 10 tháng, CPI bình quân cũng chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2016.

Sau 10 tháng, lạm phát chỉ ở mức thấp như vậy nên gần như chắc chắn, lạm phát cả năm sẽ được kiểm soát ở mức dưới 4%, thậm chí có thể chỉ ở dưới mức 3%. Tuy nhiên, các cảnh báo về áp lực lạm phát tăng cao trong những tháng cuối năm, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đã được đưa ra.

Cách đây ít ngày, giá xăng đã được điều chỉnh tăng khá mạnh. Việc điều chỉnh giá xăng này sẽ tác động tới CPI tháng 11/2021.

Quay trở lại với diễn biến giá cả thị trường tháng 10/2021, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 3 nhóm giảm giá so với tháng trước, 8 nhóm tăng giá.

Trong 3 nhóm hàng giảm giá, Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,28% so với tháng trước, làm CPI chung giảm 0,43 điểm phần trăm; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,26%, làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm; Nhóm bưu chính - viễn thông giảm 0,04%.

Với 8 nhóm hàng tăng giá, Nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất, với 2,51% làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu từ cuối tháng Chín tới nay.

Trong khi đó, Nhóm giáo dục tăng 0,25% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,19%; Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,13%.

Các nhóm hàng có mức giá tăng không đáng kể so với tháng trước, là Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình - tăng 0,06%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch - tăng 0,04%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế - tăng 0,02%.

Ở một góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 10/2021 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm nay tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, chỉ sổ giá vàng giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 1,85% so với tháng 12/2020 và giảm 1,82% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 10,39%.

Tháng Mười, giá vàng trong nước đã giảm theo giá vàng thế giới. Tính đến ngày 27/10/2021, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.774,48 USD/ounce, giảm 0,45% so với tháng 9/2021. Giá vàng thế giới giảm do đồng đô la Mỹ, lợi suất trái phiếu Mỹ phục hồi và doanh số bán lẻ tháng Chín của Mỹ tăng.

Trong khi đó, đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phát biểu giữ nguyên chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế trong thời gian tới. Tính đến ngày 27/10/2021, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 93,97 điểm, tăng 1,1 điểm so với tháng trước.

Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 22.914 VND/USD.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2021 giảm 0,06% so với tháng trước; giảm 1,2% so với tháng 12/2020 và giảm 1,48% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 10 tháng năm 2021 giảm 0,94%.

PNE đề nghị Bình Định gia hạn thời gian triển khai dự án điện gió 4,8 tỷ USD

Tập đoàn PNE (CHLB Đức) đã đề nghị tỉnh Bình Định được gia hạn thêm 18 tháng kể từ ngày 18/10/2021, để thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu dự án điện gió 4,8 tỷ USD ngoài khơi tỉnh này.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long vừa có buổi làm việc trực tuyến với Tập đoàn PNE bàn các giải pháp khởi động Dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định. Tham dự buổi làm việc còn có ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam.

Theo đó, dự án điện gió  tại hải phận 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), với tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 tỷ USD, xây dựng 154 - 166 tuabin gió với tổng công suất khoảng 2.000 MW.

Dự án sẽ thực hiện trong 3 giai đoạn, giai đoạn 1 thí điểm có công suất 700 MW, tổng vốn đầu tư là 1,6 tỷ USD xây dựng ở vùng biển ven bờ 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát có độ sâu từ 60m - 100m.

Theo báo cáo từ phía Tập đoàn PNE, với dự định tiến hành các bước khảo sát kỹ thuật liên quan tới dự án trong năm 2021. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài làm hạn chế việc đi lại và tổ chức triển khai hoạt động tại khu vực khảo sát, nghiên cứu nên đề nghị gia hạn thời gian thêm 18 tháng kể từ ngày 18/10/2021. 

Do đó, các giai đoạn tiếp theo sẽ bị lùi lại: Thí điểm có công suất 700 MW, dự kiến vận hành năm 2025. Giai đoạn mở rộng 1, công suất 700 MW, dự kiến vận hành năm 2026 và giai đoạn mở rộng 2, công suất 600 MW, dự kiến vận hành năm 2027.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Tập đoàn PNE mong muốn các sở, ngành, địa phương tỉnh Bình Định hỗ trợ cho tập đoàn các công việc cần thiết trong quá trình triển khai các bước tiếp theo của dự án này, và ngay khi dịch bệnh ổn định, tập đoàn sẽ cử đoàn công tác đến Bình Định để triển khai các thủ tục cần thiết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, đây là dự án năng lượng tái tạo quan trọng không chỉ ở Bình Định, mà còn với cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khai thác được lợi thế vị trí tự nhiên để phát triển năng lượng tái tạo trên biển, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển và xu thế sử dụng năng lượng sạch trên thế giới. Dự án không chiếm diện tích mặt bằng trên đất liền, đem lại nhiều lợi ích quan trọng khác.

Về kiến nghị của Tập đoàn, UBND tỉnh hoàn toàn nhất trí, đồng thời yêu cầu một khi đề án Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, trên cơ sở đó nhà đầu tư phân chia các giai đoạn đầu tư đảm bảo phù hợp với quy mô công suất theo đề án quy hoạch. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long khẳng định tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và đồng hành với tập đoàn trong suốt quá trình triển khai để sớm đưa dự án vào khai thác đúng như tiến độ, ông Long cho hay.

PNE là tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực năng lượng gió của Đức với trên 25 năm kinh nghiệm. Tập đoàn đã đầu tư dự án tại một số quốc gia phát triển như Hungary, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và một số nước đang phát triển tại Mỹ Latinh, Châu Phi và Trung Đông.

Hiện Tập đoàn đã có 8 dự án ngoài khơi đã bán với tổng sản lượng điện 2.644 MW. Mô hình kinh doanh của PNE bao gồm lập kế hoạch, xây dựng, cấp vốn, vận hành và bán các trang trại điện gió. Ngoài ra, các sản phẩm của PNE còn bao gồm các dự án về công nghệ quang điện, lưu trữ điện và điện hình thành từ khí hydro.

Hội đồng kiểm tra Nhà nước chấp thuận nghiệm thu Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Chiều ngày 29/10/2021, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã tổ chức cuộc họp xem xét, đánh giá kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Thay mặt Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thông báo việc 9/9 thành viên chấp thuận đồng ý kết quả nghiệm thu có điều kiện của chủ đầu tư để đưa công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác giai đoạn đầu.

Kết quả này được căn cứ các quy định pháp luật hiện hành về công tác nghiệm thu công trình xây dựng; công tác kiểm tra kết quả nghiệm thu; căn cứ các báo của chủ đầu tư dự án (Bộ GTVT), các chủ thể tham gia vào công trình; báo cáo kết quả khắc phục các tồn tại trong quá trình thực hiện dự án; kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của Chủ đầu tư; báo cáo đánh giá của Tổ chuyên gia cũng như kết quả kiểm tra hiện trường.

Bộ trưởng - Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý Chủ đầu tư (Bộ GTVT) phải phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, rà soát toàn bộ các hệ thống, thiết bị phục vụ vận hành trước khi bàn giao đưa vào khai thác Dự án; rà soát công tác chuẩn bị nhân lực, các điều kiện đảm bảo vận hành thực tế và các phương án xử lý các tình huống có thể phát sinh trong quá trình khai thác.

“Cần lưu ý các phát hiện liên quan đến vận hành đã được Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống khuyến cáo; cần thống nhất và phê duyệt quy trình vận hành phù hợp với giai đoạn đầu khai thác và thực hiện đầy đủ các thủ tục có liên quan đảm bảo đưa công trình vào khai thác an toàn, đúng pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý.

Trong quá trình vận hành, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Công ty Metro Hà Nội tổ chức khai thác theo đúng quy trình vận hành, biểu đồ chạy tàu đã được phê duyệt; từng bước nâng cao sự thành thục của nhân viên vận hành; hướng dẫn người dân trong giai đoạn đầu khai thác, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân làm quen với loại hình giao thông mới nhằm đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả của Dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, trong suốt giai đoạn triển khai dự án luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Hội đồng kiểm tra nhà nước, các chuyên gia; Chủ đầu tư cũng như Tổng thầu đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo, yêu cầu của Hội đồng về khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai.

“Dự án được Hội đồng kiểm tra nhà nước chấp thuận kết quả nghiệm thu đánh dấu giai đoạn mới của dự án. Với trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND Tp.Hà Nội để triển khai các nội dung theo yêu cầu của Hội đồng, để đưa dự án vào khai thác, vận hành theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, đơn vị đã sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận vận hành khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đơn vị cũng đã báo cáo UBND thành phố về kế hoạch khai thác trong giai đoạn đầu vận hành của Dự án.

Vào sáng ngày 29/10/2021, Hội đồng đã tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị vận hành, khai thác thực tế tại hiện trường Dự án.

Đoàn công tác của Hội đồng đã thực hiện kiểm tra công tác vận hành khai thác thực tế trên toàn tuyến. Đồng thời thị sát từ khâu hướng dẫn sử dụng thẻ vé, phát vé, công tác quản lý, điều hành của một số phòng chức năng tại một số nhà ga (Cát Linh, Phùng Khoang, Yên Nghĩa), thực tế vận hành tại một số hạng mục như Ke ga, Sảnh đón khách, Cửa soát vé, Phòng điều khiển, Phòng thiết bị tín hiệu, Phòng thiết bị thông tin, Phòng thiết bị điện.

Đoàn cũng đã thị sát tổng thể khu Depot, khu chức năng của các đơn thể; các điều kiện duy tu, bảo dưỡng tại Trung tâm duy tu tổng hợp (DCC).

Tin liên quan
Tin khác