Đầu tư
Đề xuất áp dụng BOT nâng cấp đường ở TP.HCM: Tránh “vết xe đổ”
Bảo Như - 08/02/2023 09:37
Việc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất áp dụng theo hình thức hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đối với việc nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường hiện hữu như là một phần của các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và người dân.

Được biết, có 6 tuyến đường được đề xuất tiến hành đầu tư “nâng đời” theo hình thức BOT: Quốc lộ 1, đoạn An Lạc - ranh giới tỉnh Long An; cải tạo - nâng cấp Quốc lộ 22 đi Củ Chi và Tây Ninh; Quốc lộ 13, đoạn địa phận TP.HCM; kéo dài trục Đông - Tây về phía Nam nối ra đường Vành đai 3 TP.HCM; trục đường Bắc - Nam, tức đường Âu Cơ nối Khu công nghiệp Hiệp Phước; tuyến đường động lực, tức đường song song Quốc lộ 50 đi các tỉnh miền Tây.

Sở dĩ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại TP.HCM cần một cơ chế đặc thù cho 6 dự án nói trên là bởi Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14, ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT đã có quy định khá rõ.

Theo đó, khi lập kế hoạch đầu tư các dự án, công trình giao thông, chỉ áp dụng hình thức BOT đối với các tuyến đường mới để đảm bảo quyền lợi lựa chọn của người dân. Không đầu tư theo hình thức BOT đối với các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.

Cần phải nói thêm rằng, trong giai đoạn trước đây, hầu hết các tuyến đường bộ đều được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, người dân được sử dụng miễn phí. Khi nhu cầu vận tải tăng cao, các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp, nên được cải tạo, nâng cấp theo hình thức hợp đồng BOT.

Do các tuyến quốc lộ có rất nhiều điểm giao cắt với các trục đường ngang, chủ yếu là giao cùng mức, nên không thể áp dụng thu phí kín, chỉ áp dụng hình thức thu phí theo lượt, dẫn đến một bộ phận người dân sinh sống khu vực lân cận trạm thu phí tuy chỉ sử dụng quãng đường ngắn, nhưng vẫn phải trả phí như các phương tiện sử dụng toàn bộ chiều dài dự án. Bên cạnh đó, một số trạm thu phí đặt gần tuyến ngang kết nối với dự án BOT dẫn đến phương tiện sử dụng một đoạn một phần hay toàn bộ chiều dài tuyến đường BOT đều phải nộp cùng một mức phí.

Những vướng mắc nêu trên đã gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ, đặc biệt là đối với người dân sinh sống gần khu vực đặt trạm thu phí. Một số trạm thu phí đã phát sinh hiện tượng người dân tụ tập phản đối, cản trở giao thông, gây mất an ninh - trật tự; ảnh hưởng việc thu phí, doanh thu thu phí hoàn vốn cho dự án; cá biệt, một số trạm do tình trạng mất an ninh kéo dài nên phải dừng thu phí, chưa được thu phí, nguy cơ phá vỡ phương án tài chính.

Đến thời điểm này, vẫn có ít nhất 7 dự án BOT đường bộ do Bộ GTVT quản lý đang gặp khó khăn về tài chính và là những điểm có thể gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn, buộc phải tính đến phương án bố trí một lượng lớn ngân sách để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Đáng nói là, phần lớn các tuyến đường hiện hữu mà Sở GTVT TP.HCM xem xét nâng cấp, cải tạo bằng phương thức PPP, loại hợp đồng BOT đều có chung những điểm hạn chế rất khó khắc phục như đối với 7 dự án BOT đường bộ của Bộ GTVT, thậm chí có phần phức tạp hơn, do đây đều là những tuyến cửa ngõ, huyết mạch.

Trong trường hợp việc triển khai BOT trên đường hiện hữu là điều cần thiết để giảm áp lực cho ngân sách địa phương, thì các cơ quan chức năng cần rà soát, lựa chọn thực hiện trên những tuyến đường phù hợp, ít ảnh hưởng đến người dân sống dọc tuyến đường. Ngoài ra, cần có các phương án đầu tư bảo đảm hài hòa về quyền, lợi ích và trách nhiệm của các bên (nhà nước, doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ, các tổ chức tín dụng...), tổ chức thực hiện công khai, minh bạch và hiệu quả khi triển khai đầu tư cũng như quá trình xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án theo phương thức PPP (hình thức hợp đồng BOT).

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm; áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu phí. Đặc biệt, các đơn vị chủ đầu tư cần chú trọng, thực hiện nghiêm túc công tác tham vấn, lấy ý kiến nhân dân khi triển khai các dự án; tổ chức tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về huy động nguồn lực xã hội và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức PPP để người dân hiểu và đồng thuận.

Đây là những yếu tố then chốt để giúp TP.HCM không lặp lại những “vết xe đổ” tại các dự án BOT đường bộ được triển khai trong những năm trước đây.

Tin liên quan
Tin khác