Trạm thu phí T2, Quốc lộ 91 (Ảnh: TTXVN). |
Tính đến cuối năm 2021, có 65 dự án đường bộ được triển khai theo hình thức BOT do Bộ Giao thông - Vận tải triển khai với tổng vốn đầu tư 239.294 tỷ đồng.
Phần lớn các dự án đầu tư BOT đường bộ đều đang phát huy hiệu quả, nhưng hiện vẫn còn một số dự án đầu tư theo BOT sau khi đưa vào khai thác và tổ chức thu phí hoàn vốn đầu tư đã phát sinh những vướng mắc, bất cập nhất định, trong đó có 7 dự án đường bộ đang gặp vướng mắc lớn.
Trạm thu phí La Sơn - Túy Loan (Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả
Đây là trạm thu phí dự kiến đặt trên cao tốc La Sơn - Túy Loan, song song với Quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập để thu phí hoàn vốn cho Dự án Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân.
Thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả rà soát cho thấy, do tuyến đường bộ cao tốc đoạn La Sơn - Túy Loan đầu tư theo hình thức BT (ngân sách nhà nước), việc đặt trạm thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho Dự án Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (mở rộng hầm Hải Vân) là bất cập do đầu tư một nơi, thu phí một nơi, có thể gây phản ứng của người tham gia giao thông.
Trạm thu phí Bỉm Sơn (hoàn vốn cho đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6)
Tuyến tránh phía Tây được khởi công từ tháng 9/2016, hoàn thành đưa vào khai thác tháng 1/2019.
Do trạm thu phí Bỉm Sơn trên Quốc lộ 1 nằm ngoài phạm vi đầu tư tuyến tránh phía Tây (cách tuyến tránh phía Tây khoảng 38 km), nên dẫn đến tình trạng dự án đầu tư một nơi, thu phí một nơi, có thể gây phản ứng của người tham gia giao thông, gây mất an ninh trật tự.
Chính vì vậy, mặc dù tuyến tránh phía Tây đã hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 1/2019, nhưng nhà đầu tư chưa được thu phí để hoàn vốn.
Trạm thu phí Km1747 (Dự án BOT đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610)
Theo hợp đồng dự án đã ký kết, nhà đầu tư huy động vốn đầu tư đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610 (dài 24 km), quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư 836 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, nhà đầu tư được thu phí tại trạm Km1747 để hoàn vốn đầu tư; thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 20 năm.
Dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2015. Nhà đầu tư bắt đầu thu phí hoàn vốn tại trạm Km1747 từ tháng 11 năm 2015. Tuy nhiên, vào năm 2016, trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Đắk Lắk, ý kiến thống nhất các bộ, ngành liên quan, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ theo hình thức đầu tư công.
Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác (tháng 12/2019), do không phải mất phí nên nhiều phương tiện chuyển sang sử dụng tuyến tránh Buôn Hồ dẫn đến doanh thu thu phí của Dự án bị sụt giảm, nguy cơ phá vỡ phương án tài chính.
Trạm thu phí T2 (Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889)
Dự án có mục tiêu cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889; chiều dài khoảng 30 km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 1.588 tỷ đồng; sử dụng trạm T1 (tại Km16+905, Quốc lộ 91) để hoàn vốn đầu tư, thời gian thu phí khoảng 15 năm 9 tháng.
Năm 2014, Quốc lộ 91B đoạn Km0 đến Km15+793 xuống cấp, hư hỏng mặt đường. Do không cân đối được nguồn vốn nhà nước khắc phục, Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, TP. Cần Thơ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trương bổ sung mở rộng và tăng cường nền mặt đường Quốc lộ 91B đoạn Km0 - Km15+793 vào Dự án và bổ sung trạm thu phí số 2 tại Km50+50 Quốc lộ 91.
Sau khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư đã thực hiện nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91B đoạn Km0 đến Km15+793; hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 12/2016.
Từ tháng 5/2017, phát sinh phản ứng của người dân, các phương tiện tổ chức dừng xe tại trạm thu phí, gây mất an toàn giao thông, mất an ninh, trật tự, gây ách tắc giao thông. Trước tình hình đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã làm việc với các địa phương và Nhà đầu tư, thống nhất phương án giảm giá, phí dịch vụ tại trạm T1 và T2, qua đó tình hình thu phí của Dự án đã ổn định trở lại.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2019 sau khi cầu Vàm Cống đưa vào khai thác, rất nhiều phương tiện đi từ tỉnh Đồng Tháp sang tỉnh An Giang theo Quốc lộ 80 phải đi qua trạm T2 (đi khoảng 700m của Dự án BOT) nên tiếp tục phát sinh phản ứng mạnh mẽ của các chủ phương tiện, gây mất an ninh trật tự khu vực trạm thu phí T2, thường xuyên gây ùn tắc giao thông.
Trước tình hình đó, để bảo đảm an ninh trật tự, Nhà đầu tư đã phải dừng thu phí tại trạm T2 từ tháng 5/2019.
Trạm thu phí Quốc lộ 3 (Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100)
Theo hợp đồng dự án, nhà đầu tư chịu trách nhiệm huy động vốn đầu tư tuyến8 đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) dài khoảng 40 km, quy mô 2 làn xe, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km93 - Km100 và quản lý bảo trì tuyến Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100 (25 km) trong suốt vòng đời dự án. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.746 tỷ đồng.
Sau khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác, Bộ Giao thông - Vận tải đã cho phép nhà đầu tư thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới từ tháng 1/2018. Đối với trạm thu phí Quốc lộ 3, mặc dù vị trí trạm đã được thống nhất với Bộ Tài chính và UBND tỉnh Thái Nguyên.
Tuy nhiên, do đặt gần cửa ngõ TP. Thái Nguyên, lưu lượng qua trạm chủ yếu là dòng xe từ TP. Thái Nguyên và từ các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ theo Quốc lộ 37 rẽ vào Quốc lộ 3 đi TP. Thái Nguyên (không sử dụng đoạn đường phạm vi nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100).
Vì vậy, sau khi xây dựng xong trạm Quốc lộ 3, xuất hiện một bộ phận người dân khá đông, thường xuyên tụ tập phản đối, ngăn cản việc thu phí và gây mất an ninh trật tự.
Trạm thu phí cầu Thái Hà (Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình)
Theo hợp đồng ký với Bộ Giao thông - Vận tải, nhà đầu tư sẽ huy động vốn thực hiện xây dựng cầu Thái Hà và đường dẫn (tổng chiều dài khoảng 5,6 km), quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 1.709 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, nhà đầu tư được sử dụng trạm thu phí cầu Thái Hà (đặt trên đường dẫn cầu Thái Hà) để hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm 7 tháng.
Dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 4/2018; nhà đầu tư bắt đầu thu phí hoàn vốn tại trạm thu phí cầu Thái Hà từ tháng 2/2019.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm thu phí đến nay, doanh thu thực tế chỉ đạt khoảng 14,8% so với phương án tài chính hợp đồng BOT, dẫn đến phá vỡ phương án tài chính, nguy cơ phá sản cho nhà đầu tư. Nguyên nhân chính là do Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 39A và Dự án xây dựng cầu Hưng Hà vượt sông Hồng được đầu tư bằng ngân sách nhà nước (không thu phí) nên sau khi hoàn thành, hầu hết các phương tiện xe tải đều chọn tuyến đường không thu phí dẫn đến sụt giảm rất lớn về lưu lượng và doanh thu thu phí cầu Thái Hà.
Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT
Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 1.303 tỷ đồng có mục tiêu xây mới cầu đường sắt Bình Lợi; cải tạo tuyến đường thủy nội địa sông Sài Gòn đoạn từ TP.HCM - Bình Dương với chiều dài khoảng 85,7 km. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư được thu phí phương tiện đường thủy nội địa với khoảng 20 năm 9 tháng.
Dự án khởi công tháng 3/2015, đến tháng 9/2019 đã hoàn thành đưa vào khai thác hạng mục cầu đường sắt Bình Lợi. Đối với hạng mục cải tạo luồng sông Sài Gòn chưa thể triển khai thi công do Nhà đầu tư không kêu gọi được nguồn vốn tín dụng.
Theo Hợp đồng dự án, phương án thu phí để hoàn vốn đầu tư cho Dự án thông qua hệ thống các cảng được xây dựng theo Quy hoạch (gồm cảng Bến Súc, cảng An Sơn, cảng Rạch Bắp). Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Dương đã điều chỉnh quy hoạch cảng thủy nội địa, không xây dựng cảng Bến Súc, cảng Rạch Bắp, điều chỉnh tiến độ nên chưa được xây dựng, cảng An Sơn mới xây dựng được một phần, chưa hoàn thiện. Do vậy, khi Dự án BOT hoàn thành cũng không thể tổ chức thu phí để hoàn vốn đầu tư.
Dự án BOT Quốc lộ 26 có tổng chiều dài khoảng 48 km, tổng mức đầu tư khoảng 811,48 tỷ đồng
Theo hợp đồng, sau khi hoàn thành, dự án thu phí tại 2 trạm (trạm Ea Đar và trạm Ninh Xuân) để hoàn vốn. Tuy nhiên, từ tháng 12/2019 tình hình mất an ninh trật tự bắt đầu xuất hiện tại trạm thu phí Ninh Xuân do người dân tụ tập, phản đối và ngăn cản việc thu phí. Đến tháng 8/2021, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tình hình an ninh trật tự đã được đảm bảo, việc thu phí đã ổn định trở lại.
Tuy nhiên, do các nguyên nhân như chính sách miễn, giảm phí xung quanh trạm; chưa được tăng giá phí theo quy định hợp đồng; ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19… nên hiệu quả tài chính của Dự án bị ảnh hưởng.