VFA đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo. |
Xuất khẩu gạo đang thuận lợi, do nguồn cung gạo khan hiếm bởi biến đổi khí hậu, hạn hán, một số quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ hạn chế xuất khẩu...nhưng trong nước xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, hết 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo 4,15 triệu tấn, trị giá 2,65 tỷ USD, tăng 14,7% về sản lượng và 38,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Cùng với rau quả, gạo là nông sản có mức tăng xuất khẩu ấn tượng.
Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 (sau Ấn Độ và Thái Lan), gạo Việt Nam đang là nhà cung cấp gạo lớn cho nhiều thị trường. Nhưng đang có hiện tượng các doanh nghiệp Việt cạnh tranh, giảm giá để đấu thầu xuất khẩu gạo cho các thị trường Indonesia, Malaysia và một số thị trường khác ảnh hưởng tới thương hiệu và giá trị của cả ngành hàng xuất khẩu gạo nước ta.
Cùng đó là việc không ít doanh nghiệp nợ tiền lúa nông dân. Trong khi đó, việc chấn chính các hành vi cạnh tranh không lành mạnh này rất khó, do nhiều doanh nghiệp không phải là thành viên của VFA.
Hiện, trong số 157 đầu mối xuất khẩu gạo, chỉ 70 doanh nghiệp thuộc VFA, số còn lại họ không báo cáo và khó chỉ đạo, cũng không có chế tài nào cho việc này, do vậy, chỉ có Bộ Công thương mới có thể xử lý được. Do đó, Chủ tịch VFA, ông Nguyễn Ngọc Nam đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo.
Việc áp giá sàn nhằm đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Theo bà Bùi Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), xuất khẩu gạo từ đầu năm đang tăng trưởng tốt, thể hiện giá trị hạt gạo của Việt Nam được đánh giá cao.
Về nỗi lo khi doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, và kiến nghị về áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo, bà Tâm cho hay: "Trước đây, khi chúng ta áp dụng giá sàn, cũng có nhiều ưu điểm, nhưng sau đó áp dụng cũng có nhiều ý kiến và bỏ giá sàn. Bây giờ quay lại giá sàn thì đề nghị cần có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng".
Năm ngoái, kiến nghị áp giá sàn xuất khẩu gạo cũng từng được VFA đưa ra. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lại cho rằng, áp giá sàn xuất khẩu là không hợp lý, với lập luận, giá gạo xuất khẩu phải theo thị trường.
Bởi, giá xuất khẩu gạo Việt Nam cũng biến động theo thị trường thế giới, vì vậy đưa ra một mức giá sàn ở một thời điểm không sát thực tế, để các doanh nghiệp tự tính toán, đàm phán và bán gạo với mức giá phù hợp.
Nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý, hiệp hội ngành hàng cần chủ động theo dõi thị trường, nắm bắt diễn biến thị trường nông sản, hướng dẫn doanh nghiệp, người sản xuất để tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và ổn định giá thị trường.
“Trong trường hợp các doanh nghiệp không tuân thủ, bán phá giá thì sẽ có chế tài xử phạt, tuỳ vào mức độ, có thể bị thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo theo quy định”, Bộ trưởng Diên nhấn mạnh