Bổ sung thu thuế để hạn chế dịch vụ
Trong Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cho rằng, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện, như đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt còn hẹp so với thông lệ quốc tế, chưa bao quát hết được các mặt hàng phải hạn chế tiêu dùng, các mặt hàng cần định hướng sản xuất...
Kinh doanh game hiện có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. “Để góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và góp phần tăng cường quản lý hoạt động này, cần nghiên cứu bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này”, Bộ Tài chính đề xuất.
Qua rà soát, Tổng cục Thuế phát hiện một số doanh nghiệp được cấp phép phát hành game, nhưng đơn vị tải game lên các kho ứng dụng trực tuyến lại là doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, một số doanh nghiệp không thực hiện lưu trữ thông tin cá nhân người chơi tại hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, không kết nối thanh toán với hệ thống thanh toán hợp pháp của Việt Nam.
Sau khi phát hiện vi phạm, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Bộ Công an xử lý vi phạm hành chính với hơn 10 trường hợp vi phạm. Đồng thời, phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông xem xét thu hồi giấy phép. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đề nghị Ngân hàng Nhà nước dừng thanh toán, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra về hành vi trốn thuế.
Ngành công nghiệp game đang bị thất thu thuế
Theo báo cáo của App Annie, Việt Nam là một trong những thị trường sôi động nhất của ngành game khi có 5 đại diện trong top 10 nhà phát hành game lớn nhất khu vực Australia, New Zealand và Đông Nam Á. Các công ty game Việt Nam đứng thứ 7 trong Bảng xếp hạng lượt game được tải nhiều nhất thế giới. Cứ 25 game được tải, có một game do công ty Việt Nam sản xuất.
Thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cho thấy, ngành kinh doanh trò chơi tại Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, ước có gần 28,5 triệu người chơi. Năm 2021, tổng doanh thu từ thị trường game Việt đạt khoảng 665 triệu USD, xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á. Doanh thu các trò chơi sản xuất tại Việt Nam phát hành ở thị trường toàn cầu lên đến 200 triệu USD/năm.
Mặc dù doanh thu từ game của Việt Nam khá lớn, nhưng theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, số tiền nộp thuế cho Nhà nước chỉ chiếm 50%; 50% còn lại là các cá nhân, tổ chức đóng thuế cho nước ngoài, chủ yếu là Singapore - nơi doanh nghiệp Việt đăng ký trụ sở nhằm tận dụng các chính sách ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi thuế.
Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết, để khắc phục tình trạng thất thu thuế từ ngành game, trước mắt sẽ nghiên cứu, đề xuất thay đổi chính sách làm game; giảm thuế - phí với các doanh nghiệp liên quan; giới hạn game nước ngoài và thí điểm chính sách quản lý với các loại hình game trên công nghệ blockchain.
Được biết, năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng trong nước như ban hành Chiến lược Phát triển game online giai đoạn 2022 - 2027, đặt mục tiêu khuyến khích sản xuất và phát hành game do người Việt xây dựng để giảm tỷ lệ game nhập khẩu; phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và phát hành trò chơi tại thị trường trong nước…