Trước khi Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (Nghị định số 45/2021/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành, ngoài Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập, trên địa bàn cả nước có 50 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (Quỹ địa phương).
Quang cảnh hội nghị. |
Bên cạnh đó, có tỉnh, thành phố tạo nguồn vốn hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã và giao trực tiếp cho một định chế tài chính trên địa bàn như Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ đầu tư phát triển thực hiện cho vay (Quảng Ninh, Tiền Giang).
Tuy nhiên, tổ chức hoạt động các Quỹ địa phương rất khác nhau do chưa có khung khổ pháp lý thống nhất. Một số tỉnh, thành phố thành lập Quỹ có tổ chức bộ máy hoạt động, cho vay trực tiếp; có tỉnh, thành phố thành lập Quỹ nhưng ủy thác cho định chế khác.
Về tổ chức bộ máy cũng khác nhau, có nơi thành lập Hội đồng quản lý, có nơi thành lập Ban điều hành;
Về nhân sự, nhìn chung các Quỹ vừa thiếu vừa hạn chế về kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn; số đông cán bộ nghiệp vụ Quỹ là cán bộ Liên minh hợp tác xã kiêm nhiệm, phần lớn chưa được đào tạo bài bản, nhất là nghiệp vụ tín dụng; chỉ một số Quỹ lớn như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đồng Nai cán bộ nghiệp vụ đa số là chuyên trách.
Về cơ chế cho vay, có Quỹ chỉ cho vay đầu tư (chủ yếu là trung hạn), có Quỹ còn cho vay cả vốn lưu động (ngắn hạn), nhiều Quỹ chỉ cho vay hợp tác xã, có Quỹ còn cho vay đến thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác và thành viên;
Đối với các Quỹ chỉ cho vay đầu tư thường gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân bởi đối tượng vay vốn phải đáp ứng nhiều thủ tục phức tạp theo quy định của pháp luật, trong khi năng lực nội tại, tài sản thế chấp của các hợp tác xã còn nhiều hạn chế.
Lãi suất cho vay cũng đa dạng, có Quỹ vận dụng lãi suất cho vay của Quỹ Trung ương, có Quỹ áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước, một số Quỹ áp dụng lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngoài Quỹ Trung ương hiện nay có tổng vốn hoạt động là 1.000 tỷ đồng, tính đến 30/9/2023, tổng số vốn hoạt động của 50 Quỹ địa phương là: 2.596 tỷ đồng, vốn được ngân sách cấp 1.055 tỷ đồng, vốn bổ sung từ kết quả hoạt động và vốn khác 1.541 tỷ đồng.
Các Quỹ địa phương: Ước đến hết 2023, các Quỹ địa phương đã cho vay tổng số tiền là 22.300 tỷ đồng, trong đó cho vay 11.500 lượt hợp tác xã. Ước dư nợ đến hết năm 2023 đạt 2.050 tỷ đồng.
Theo đại diện Liên minh hợp tác xã Việt Nam, nhìn chung hoạt động của các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã góp phần thúc đẩy quá trình thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể;
Khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật, mở rộng sản xuất và tiêu thụ, liên kết với doanh nghiệp gắn với chuỗi giá trị thị trường trong và ngoài nước;
Tăng doanh thu, lợi nhuận, sức cạnh tranh, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khu vực kinh tế tập thể và đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương.
Nhiều hợp tác xã, thành viên hợp tác xã được vay vốn đã trở thành các hợp tác xã điển hình tiên tiến, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tạo sự lan tỏa.
Các Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã chú trọng gắn hoạt động hỗ trợ vốn với các chương trình, mục tiêu phát triển của Chính phủ và địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động của các Quỹ còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa theo khung khổ pháp lý đồng bộ; cơ chế cho vay còn bó hẹp về phạm vi, đối tượng, phương thức; chưa huy động được các nguồn lực từ thị trường và liên kết hệ thống Quỹ.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo cơ sở pháp lý thống nhất, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Về khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định, theo đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện một số địa phương, UBND cấp tỉnh chưa thực sự chỉ đạo quyết liệt, một phần do chưa yên tâm, tin tưởng giao cho Liên minh hợp tác xã tỉnh quản lý;
Có quan điểm cho rằng chưa cần thiết thành lập Quỹ do đã có một số Quỹ tài chính nhà nước tại địa phương, mặc dù các Quỹ này hầu như không cho vay đối với hợp tác xã.
Ngoài ra một số tỉnh, thành phố đang có định hướng sáp nhập Quỹ vào các Quỹ khác hoặc ủy thác vốn cho các tổ chức tài chính, tín dụng trên địa bàn như Quỹ đầu tư phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nhiều tỉnh, thành phố ngân sách thực sự khó khăn, chưa thể bố trí vốn nên chưa cho chủ trương hoặc chờ bố trí được ngân sách mới cho chuyển đổi; một số tỉnh đề xuất vào thời điểm kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, việc bổ sung hàng năm khó khăn do phụ thuộc vào nguồn tăng thu ngân sách địa phương.
Trước các khó khăn nêu trên, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất các cơ quan trung ương cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định trích lập dự phòng rủi ro của các Quỹ như đối với tổ chức tín dụng, theo đó khấu trừ vào dư nợ gốc trước khi trích lập dự phòng rủi ro tất cả các loại tài sản bảo đảm đã thế chấp tại Quỹ.
Bổ sung quy định cho phép các Quỹ được áp dụng cơ chế xử lý rủi ro theo chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ, trong đó có cơ chế cấp bù từ ngân sách nhà nước khi khách hàng vay tín chấp không trả được nợ do nguyên nhân khách quan.
Sửa đổi Thông tư số 13/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/6/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo hướng thay thế chỉ tiêu chênh lệch thu - chi bằng chỉ tiêu giải ngân của Quỹ khi xác định mức tiền lương bình quân hàng năm, nhằm trả lương theo đúng hiệu quả hoạt động, phù hợp với tôn chỉ mục đích và tính chất đặc thù của Quỹ là tổ chức hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Bên cạnh đó, cần bổ sung hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký Giấy chứng nhận thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương đối với Quỹ hoạt động theo mô hình hợp tác xã.
Với địa phương, đại diện Liên minh hợp tác xã Việt Nam kiến nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo các Sở, ngành, Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh tập trung cao độ nhằm thúc đẩy việc rà soát, tổ chức sắp xếp lại Quỹ, đảm bảo đúng thời gian quy định của Nghị định số 45/2021/NĐ-CP.
Đối với các tỉnh, thành phố đã có Quỹ nhưng chưa sắp xếp lại, căn cứ quy định tại khoản 5, Điều 58 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP, trên cơ sở đề xuất của các Sở, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh điều chỉnh quyết định thành lập Quỹ.
Với 13 tỉnh, thành phố giao cho các Sở, ngành liên quan chủ trì, tiến độ thực hiện chậm, chưa quyết liệt, kính đề nghị UBND cấp tỉnh rà soát, xem xét giao cho Liên minh HTX tỉnh, thành phố chủ trì nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đối với những tỉnh, thành phố điều kiện ngân sách khó khăn, chưa thể cấp đủ vốn điều lệ tối thiểu 20 tỷ đồng, kính đề nghị UBND tỉnh ban hành Quyết định điều chỉnh Quyết định thành lập, quy định mức vốn điều lệ tối thiểu 20 tỷ đồng và tùy vào khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm để cấp bổ sung dần vốn điều lệ cho Quỹ.
Để phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh trong quản lý, điều hành Quỹ theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, đối với các tỉnh, thành phố chưa có chủ trương cụ thể, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét thành lập mới;
Đồng thời sắp xếp lại Quỹ theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tổ chức bộ máy hoạt động độc lập (không thực hiện ủy thác cho định chế tài chính khác), giao Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh trực tiếp quản lý điều hành, đồng thời cho phép lãnh đạo Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch, Giám đốc Quỹ. Không sáp nhập Quỹ với các định chế tài chính khác trên địa bàn.
Với các tỉnh, thành phố chưa thành lập Quỹ, kính đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo quyết liệt sớm hoàn thiện Đề án thành lập, trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương thành lập Quỹ, tạo điều kiện cho các chủ thể trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn được thụ hưởng các chính sách ưu đãi tín dụng của Nhà nước.
Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách địa phương để cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh, thành phố, đảm bảo tối thiểu 20 tỷ đồng và bổ sung hàng năm để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ngày càng lớn và đa dạng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.