Doanh nghiệp
Kon Tum thu hút nông dân tham gia vào kinh tế tập thể, hợp tác xã
Linh Đan - 21/12/2023 17:07
Kon Tum đang tăng cường thực hiện sự liên kết hợp tác giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác.

UBND tỉnh Kon Tum cho hay, theo kế hoạch, tỉnh này phấn đấu đến năm 2025 sẽ củng cố, kiện toàn các hợp tác xã hiện có, thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp và nâng tổng số lên 250 hợp tác xã (hiện có 200 hợp tác xã). Các hợp tác xã nông nghiệp mới thành lập hoạt động ổn định, hiệu quả, đúng quy định.

Đồng thời, đến năm 2025, tỉnh Kon Tum bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tổ chức kinh tế tập thể tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có trên 12% hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn tỉnh, đảm bảo 100% sản phẩm truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản lên hệ thống đủ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã, phấn đấu có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã ở vùng đặc biệt khó khăn, có người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tỉnh Kon Tum sẽ hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp rà soát, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong đó chú trọng hoạt động dịch vụ đầu vào, quy trình sản xuất, đưa giống mới có năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hóa đồng đều, chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và kết nối với tiêu thụ sản phẩm ổn định; tích cực giải quyết khó khăn để giúp các hợp tác xã nông nghiệp tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn vay tín dụng; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý hợp tác xã và thành viên thông qua đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo nghề (trong đó đưa cán bộ về làm việc tại hợp tác xã); tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, các quy trình sản xuất an toàn cho hợp tác xã tham gia mô hình thí điểm liên kết sản xuất, trong đó đẩy mạnh thực hiện liên kết với doanh nghiệp; tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm các mô hình hợp tác xã trong và ngoài tỉnh hoạt động có hiệu quả để áp dụng.

Mỗi huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc lựa chọn thí điểm ít nhất 2 hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã với người dân và doanh nghiệp cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra như: Cà phê, mía đường, sản phẩm dược liệu, rau hoa… để hỗ trợ củng cố, kiện toàn, thành lập mới. Hằng năm tổ chức đánh giá, trao dồi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã với người dân và doanh nghiệp; xây dựng thí điểm một số mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (trong canh tác, chăn nuôi bảo quản các sản phẩm nông nghiệp từ cơ giới hóa đồng bộ, bán tự động hóa trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch) để nhân rộng trên địa bàn tỉnh…

Địa phương này cũng sẽ lựa chọn các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của các huyện, thành phố để thúc đẩy việc thành lập hợp tác xã và tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả nhằm tổ chức lại sản xuất trong từng ngành hàng, sản phẩm chủ lực; vận động các chủ trang trại có quy mô sản xuất lớn để tuyên truyền vận động cùng nhau thành lập hợp tác xã, nâng cao giá trị sản phẩm, sản xuất theo hướng hàng hóa; phát triển hợp tác xã với sản phẩm đặc trưng làng, xã theo lợi thế của các địa phương (như: lâm sản, dược liệu, các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi chất lượng cao; các loại rau, quả gắn kết thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum).

Mục tiêu chung của kế hoạch Củng cố, kiện toàn, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2023 - 2025 là tỉnh Kon Tum sẽ thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia vào kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, cải thiện công bằng xã hội.

Tin liên quan
Tin khác