Hồ chứa nước Thới Lới được xây dựng, khai thác vận hành từ năm 2012, có dung tích chứa khoảng 271.480 m3 ở đảo Lý Sơn. Ảnh minh họa |
Để bảo vệ mạch nước ngọt trên đảo Lý Sơn, thời gian qua tỉnh Quảng Ngãi đã nghiêm cấm việc đào, khoan giếng nước tràn lan trên đảo.
Anh Nguyễn Hữu Thạnh ở thôn An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết, đa số người dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề trồng lạc, hành, tỏi… nên cần lượng nước ngọt rất lớn để tưới tiêu. Do đó, người dân cũng đào nhiều giếng hơn khiến mạch nước ngầm đang ngày càng suy kiệt, vào mùa hè, đảo Lý Sơn thiếu nước ngọt trầm trọng để tưới tiêu, sinh hoạt...
Theo thống kê, diện tích cây màu, rau, quả trồng hàng năm ở huyện Lý Sơn khoảng 250 ha, đồng thời sau thời gian dài khai thác để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, du lịch và sản xuất nông nghiệp, hiện nguồn nước ngầm ở đảo Lý Sơn cạn kiệt rất nhanh, nhiều vị trí bị xâm nhập mặn khá nặng.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư nhiều dự án cung cấp nước nhưng không được như kỳ vọng.
Cụ thể, công trình hệ thống cấp nước tại Trung tâm huyện (đảo Lớn), được đầu tư xây dựng năm 2016, có thiết kế công suất 1.000m3/ngày đêm, cấp nước cho 1.700 hộ dân. Tuy nhiên trên thực tế, công suất của công trình này chỉ còn 147m3/ngày đêm, cấp nước cho 600 hộ dân. Ngoài ra, Công trình Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Bé (An Bình), được đầu tư xây dựng năm 2012, công suất theo thiết kế 200m3/ngày đêm. Nhưng thực tế, hoạt động của nhà máy chỉ đạt 47% công suất thiết kế, cấp nước cho 98 hộ dân.
Hiện nay, trên đảo Lý Sơn có tổng số giếng hiện có 2.149 giếng (939 giếng đào, 1.088 giếng khoan thủ công và 122 giếng khoan máy) với tổng lượng nước khai thác, sử dụng khoảng 21.779 m3/ngày đêm.
Theo thống kê, ngành chức năng ước tổng lượng nước mưa trên đảo là khoảng 9 triệu m3/năm. Nếu trừ lượng nước thấm vào đất và bốc hơi, lượng nước mưa còn lại khoảng 3 triệu m3 chảy tràn ra bề mặt, sau đó đổ ra biển.
Ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi xác nhận, các đơn vị đang nghiên cứu, đề xuất đầu tư hệ thống kênh mương quanh đảo Lý Sơn để thu gom nước mưa vào các bể trữ tập trung.
Theo ông Hùng, trong vài tháng tới Sở sẽ trình UBND tỉnh Quảng Ngãi về phương án kỹ thuật.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, dự kiến, hệ thống này có thể thu gom 1 triệu m3 nước mưa mỗi năm. Đây là phương án khả thi và ít tốn kém cho nhà nước và người dân hơn phương án biến nước biển thành nước ngọt.
Sau khi việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và bể chứa hoàn thành, số nước ngọt này (1 triệu m3) dự kiến sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, chế biến thủy sản khoảng 600.000m3, phần còn lại (khoảng 400.000m3) thông qua hệ thống xử lý phục vụ cho sinh hoạt và phát triển dịch vụ, du lịch.