Thời sự
Đề xuất cho TP. Thủ Đức giữ lại toàn bộ nguồn thu từ tiền sử dụng đất
Lê Quân - 28/09/2022 09:39
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM kiến nghị để TP. Thủ Đức được giữ lại toàn bộ nguồn thu từ tiền sử dụng đất và tiền thu vượt hàng năm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đề xuất này được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai nêu lên tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM về tình hình thực hiện nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM ngày 27/9.

Dù được Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập TP. Thủ Đức nhưng các cơ chế hiện nay không khác gì một "cái áo quá chật" với TP. Thủ Đức.  Ảnh: Lê Toàn

Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện nay, Tổ biên soạn đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14, trong đó có một số cơ chế chính sách đặc thù cho TP. Thủ Đức.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc đề xuất cho TP.Thủ Đức được giữ lại toàn bộ nguồn thu từ tiền sử dụng đất và toàn bộ số tiền thu vượt hàng năm đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng thu từ khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh để phục vụ chi cho đầu tư phát triển trên địa bàn.

Về việc việc phân cấp, phân quyền, dự thảo đề xuất UBND TP.HCM ủy quyền cho HĐND, UBND TP Thủ Đức. Chủ tịch UBND TP.HCM thực hiện việc ủy quyền cho Chủ tịch UBND TP Thủ Đức các nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, dựa theo quy định tại Điều 19, 21 và 22 Luật Tổ Chức chính quyền địa phương năm 2015.

Bên cạnh đó, HĐND TP.HCM quyết định việc phân công một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND TP. Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức trong phạm vi địa bàn TP. Thủ Đức.

Về tổ chức bộ máy, HĐND TP.HCM quyết định sắp xếp, bố trí cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của TP. Thủ Đức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và định hướng phát triển của TP. Thủ Đức nhưng không vượt quá cơ cấu tổ chức của đơn vị cấp tỉnh loại I theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 và Khoản 2 Điều 18 của Luật Tổ Chức chính quyền địa phương năm 2015.

Dự thảo nghị quyết mới cũng đề xuất thành lập các cơ quan, đơn vị tại TP. Thủ Đức như: Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc UBND TP. Thủ Đức; Cục thuế TP. Thủ Đức trực thuộc Cục Thuế TP.HCM…

Theo báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội, TP.HCM gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, Điều 2, Nghị quyết số 131/2020/QH14, các quận sẽ trở thành cấp dự toán ngân sách thay vì là cấp ngân sách như trước đây. Dự toán ngân sách của các quận sẽ do HĐND TP.HCM quyết định.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 131/2020/QH14 cũng như Luật Đầu tư công năm 2019 (được ban hành trước Nghị quyết số 131/2020/QH14) không quy định việc HĐND TP.HCM thực hiện việc quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm từ nguồn vốn ngân sách các quận của thành phố.

Vì vậy, Thành phố còn lúng túng đối với việc HĐND TP.HCM có phải quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm trên cơ sở dự toán ngân sách của quận do HĐND quyết định hay không.

Một vướng mắc nữa, theo quy định tại khoản 7, điều 17, Luật Đầu tư công năm 2019, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP.HCM thuộc HĐND quận.

Thế nhưng hiện nay, TP.HCM không còn HĐND quận, nhưng cũng chưa có quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách thành phố.

Tin liên quan
Tin khác