Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và Bộ Giao thông vận tải chủ trì Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề |
Tại Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vừa diễn ra, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến quan điểm sẽ huy động nguồn vốn xã hội hóa tham gia vào đầu tư phát triển cảng Trần Đề.
Các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế đều đồng thuận rằng, UBND tỉnh Sóc Trăng cần phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải xác định lộ trình, quy mô đầu tư phù hợp với nhu cầu vận tải hảng hóa trên thực tế; đồng thời có định hướng cảng sẽ phục vụ tàu biển đi các tuyến biển xa hay gần, trong khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Đông hay châu Âu, châu Mỹ; định hướng về phân chia thị phần với cảng biển trung chuyển quốc tế của khu vực Nam Bộ là Cảng Cái Mép - Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng với đó, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đến cảng, có phân kỳ đầu tư phù hợp với tiến độ đầu tư xây dựng cảng và nhu cầu vận tải trên thực tế cũng cần được làm rõ.
Đây cũng là ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia Hội thảo. Vì, bên cạnh những lợi thế về phát triển cảng Trần Đề mang lại thì chi phí cho việc đầu tư cảng này tương đối lớn, thời gian hoàn vốn lâu nên cần phải có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.
Ông Thi Ha, đại diện Công ty Nippon Koei (Nhật Bản) cho rằng, vị trí dự kiến xây dựng cảng Trần Đề nằm ngoài khơi cửa Trần Đề của sông Hậu, cách đất liền khoảng 18 km. Phần trên bờ sẽ xây dựng cảng thủy nội địa trung chuyển cùng với khu vực bến bãi, hậu cần và khu công nghiệp. Cảng này sẽ được kết nối với cảng ngoài khơi bằng công trình cầu dài 18 km. Vì vậy sẽ làm tăng chi phí đầu tư và thời gian xây dựng.
Cho nên, tính khả thi của dự án, tức cân đối số tiền đầu tư và lợi nhuận (nhu cầu hàng hóa không quá lớn so với các cảng lớn khác) có thể là khó khăn cho khu vực tư nhân đầu tư vào dự án này.
Ông Thi Ha, đại diện Công ty Nippon Koei (Nhật Bản) nêu một số khuyến nghị về đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề |
Từ đó, ông Thi Ha khuyến nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư thêm một số một số hạng mục như công trình cầu kết nối giữa hai khu cảng để giảm bớt gánh nặng đầu tư cho khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, ông cũng nêu một số khuyến nghị nhằm rút ngắn thời gian thi công và giảm chi phí đầu tư xây dựng cảng Trần Đề.
Cụ thể, công trình cầu kết nối hai khu cảng không phải là cầu sử dụng công cộng, vì vậy nên cân nhắc thiết kế và kết cấu cầu phù hợp để giảm thiểu chi phí xây dựng. Cũng nhằm giảm thiểu chi phí xây dựng, diện tích khu cảng ngoài khơi nên xây dựng với quy mô tối thiếu. Muốn vậy, cần tăng hiệu quả của hệ thống bốc dỡ hàng hóa và hệ thống vận tải giữa cảng ngoài khơi và cảng phía bờ.
Hàng container và than được bốc dỡ từ khu cảng ngoài khơi và chất tải trực tiếp lên các tàu thủy nội địa (giảm thiểu diện tích kho bãi tại khu cảng ngoài khơi). Cảng trung chuyển đường thủy nội địa tại khu cảng phía bờ nên thiết kế là một cảng chuyên dùng cho các tàu cỡ nhỏ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn T&T nhận định, với vị trí chiến lược, việc đầu tư cảng Trần Đề sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng trên thị trường khu vực và quốc tế.
Để đạt được tầm nhìn trên và phát huy hoàn toàn tiềm năng của cảng Trần Đề, ông Tuấn đề xuất Chính phủ xem xét và áp dụng cơ chế đặc biệt đầu tư vào cảng Trần Đề.
Đó là, về cơ chế đầu tư, theo Luật Đầu tư, cảng biển thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được thực hiện tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng là địa bàn đặc biệt khó khăn. Do vậy, đề xuất áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đầu tư xây dựng cảng và hạ tầng logistics của cảng.
Về thời gian đầu tư, việc đầu tư cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt cần nguồn vồn đầu tư lớn, do vậy đề xuất thời gian dự án là 70 năm để các nhà đầu tư có thế bảo đảm được nguồn thu ổn định và đầu tư lâu dài.
Về ưu đãi thuế và các ưu đãi khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư, đề xuất áp dụng chính sách ưu đãi thuế và các ưu đãi khác (lãi suất cho các khoản vay đầu tư vào cảng,...) đối với các hoạt động liên quan đền cảng và các dịch vụ hậu cần.
Nhằm hiện thực hóa đầu tư, xây dựng cảng Trần Đề trong thời gian tới, đại diện Tập đoàn Sun Group cũng đã đề xuất cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào dự án.
Cụ thể, về cơ sở hạ tầng cảng Trần Đề, đại diện Tập đoàn Sun Group kiến nghị xây dựng tuyến đường sau cảng dài 6,1 km kết nối từ bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề đến điểm cuối tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương;
Xây dựng 18 km cầu cảng nối đất liền với bến cảng ngoài khơi, trong đó tỉnh hỗ trợ 70% ngân sách và nhà đầu tư tự cân đối nguồn vốn còn lại;
Xây dựng tuyến đê chắn sóng, trong đó một phần chi phí đầu tư theo hình thức PPP và phần còn lại nhà đầu tư tự cân đối và bảo đảm;
Có cơ chế khai thác mỏ cát phục vụ cho xây dựng cảng Trần Đề và nạo vét luồng lạch của cảng Trần Đề.
Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và lấn biển, kiến nghị cơ chế ủy quyền cho tỉnh thực hiện chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ 492 ha và diện tích lấn biển là 1.926 ha;
Thực hiện việc áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp khai thác cảng và kinh doanh tại khu công nghiệp đối với vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp khai thác cảng. Ngoài ra, đề nghị tách riêng dự án giải phóng mặt bằng và thực hiện theo Luật Đầu tư công.
Về logistics, kiến nghị xây dựng Khu hậu cần cảng logistics gắn với dự án cảng biển; có giải pháp phát triển nguồn hàng thông qua thu hút phát triển sản xuất, ưu tiên quỹ đất phát triển khu công nghiệp gần cảng, có chính sách phát triển hoạt động trung chuyển hàng hóa quốc tế; phân luồng hàng hóa giữa Khu bến cảng Trần Đề và các cảng khác trong Khu vực ĐBSCL và Cái Mép - Thị Vải.
Ngoài ra, đại diện Tập đoàn Sun Group còn đề nghị thành lập Khu kinh tế Trần Đề, trong đó có khu công nghiệp, khu chế xuất và khu phi thuế quan tại Khu bến cảng Trần Đề, nhằm mục đích tạo động lực phát triển cho Sóc Trăng trong việc thu hút nhà đầu tư và tạo nguồn hàng cho cảng Trần Đề.
Tuy nhiên, do đặc thù cảng phát triển ngoài khơi, nên chi phí đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề là rất lớn so với đầu tư các cảng biển thông thường, dự kiến khoảng 20.341 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục đê chắn sóng, đầu tư cầu vuợt biển dài 18 km..., vì vậy cần tìm được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính.