Theo Sở GTVT Đà Nẵng, nút giao thông phía tây cầu Rồng thường xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm vì vậy rất cần được cải tạo. Ông Lê Văn Trung – Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, trong quá trình khảo sát tại nút giao phía tây cầu Rồng, các đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu, đưa ra 2 nhóm phương án chính: Phương án xây dựng 1 hầm cộng nút tín hiệu giao thông và phương án xây dựng 2 hầm đơn riêng biệt.
Vào giờ cao điểm, nút giao thông phía tây cầu Rồng thường xuyên bị ùn tắc. |
Trong những phương án đưa ra, các chuyên gia đa phần đồng ý với phương án 2 hầm chui đơn. Phương án này ít thay đổi cảnh quan khu vực, hạn chế phân tán lưu lượng giao thông qua các nút lân cận, hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng cũng như giá thành. “Đơn vị tư vấn kiến nghị chọn phương án làm 2 hầm gồm 1 hầm nối liền đường Trần Phú với đường 2 Tháng 9 (dài 120m) và 1 hầm nối liền đường Bạch Đằng nối dài - đường 2 Tháng 9 đến Bạch Đằng (dài 120m). Chiều dài đoạn hầm hở mỗi bên từ 110 - 135m; bề rộng mỗi hầm 8m. Đóng dải phân cách và xóa bỏ hoàn toàn giao cắt tại nút giao. Kinh phí xây dựng theo phương án này dự kiến 350 tỷ đồng”, ông Trung cho biết.
Mô hình cải tạo nút giao thông phía tây cầu Rồng. |
Đối với nút giao phía tây cầu Trần Thị Lý, ông Trung cho hay, đơn vị tư vấn kiến nghị chọn phương án tổ chức nút giao khác mức 3 tầng, gồm: Hầm chui bắt đầu từ trụ sở Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chui qua nút Núi Thành kéo dài qua đường 2 Tháng 9 và tiếp tục chui dưới nút đường Bạch Đằng nối dài, kết thúc cách đầu cầu Trần Thị Lý 175m. Cầu vượt thép thiết kế theo hướng trục đường 2 Tháng 9. Phương án này có kinh phí dự kiến khoảng 520 tỷ đồng.
Nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý hiện đã đạt ngưỡng phải cải tạo, nút giao này bắt đầu xảy ra hiện tượng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông lan rộng.