Đầu tư
Đề xuất đầu tư công cao tốc Bắc - Nam: Đảm bảo tính thuyết phục
An Nguyên - 18/05/2020 08:02
Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều khẳng định lợi ích to lớn và tính khả thi của đề xuất chuyển 8 dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) tuyến cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, song các đại biểu Quốc hội cho rằng, lý do cần thuyết phục hơn.
.

Cuộc họp của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mở rộng thẩm tra đề xuất chuyển đổi nói trên của Chính phủ kết thúc lúc hơn 19 giờ ngày 14/5, với hồ sơ trình vừa hoàn thành trước đó không lâu. Vì thế, đại biểu tham dự chưa có nhiều thời gian nghiên cứu, song cũng đưa ra những vấn đề cần quan tâm hơn để dự án thuyết phục, có tính khả thi.

Khó chọn nhà đầu tư

Theo tờ trình của Chính phủ và phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, có nhiều lý do dẫn đến đề xuất chuyển 8 dự án từ PPP sang đầu tư công. Trong đó, có tính quyết định là các doanh nghiệp tham gia sơ tuyển chủ yếu là các nhà thầu, có năng lực thi công tốt, nhưng không có thế mạnh trong huy động vốn tín dụng, trong khi tỷ lệ vốn tín dụng trong tổng mức đầu tư dự án rất lớn.

Khó khăn về huy động vốn tín dụng cho dự án không thể giải quyết được triệt để cũng là lý do được nhấn mạnh, dù Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp đảm bảo nguồn cung cấp tín dụng cho dự án này. “NHNN có thể chỉ đạo được ngân hàng thương mại cho dự án BOT vay vốn không, xin thưa là không. Chúng tôi đã làm việc với NHNN, họ không chỉ đạo được cho vay, hơn nữa, họ mới có báo cáo là nguồn vốn rất khó khăn, nợ xấu BOT rất lớn”, ông Thể trình bày.

Cũng nằm trong lý do cần phải điều chỉnh là việc nền kinh tế Việt Nam đang chịu tác động nghiêm trọng bởi Covid-19.

Chính phủ khẳng định, việc chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ cơ bản giải quyết được “mục tiêu kép”, vừa tạo điều kiện giải ngân nhanh khối lượng vốn đầu tư công lớn, hỗ trợ mặt cầu cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng nhanh chi tiêu đầu tư, vừa đẩy nhanh được tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành, đưa vào khai thác dự án do không gặp rủi ro về lựa chọn nhà đầu tư và huy động vốn tín dụng.

Cần thuyết phục hơn

Tham gia thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Ngô Trung Thành nhấn mạnh, năm 2017, khi Quốc hội thảo luận để quyết định đầu tư dự án này, nhiều đại biểu đã băn khoăn về vốn, nhưng cơ quan trình nói về sự cần thiết đầu tư 8 dự án PPP rất thuyết phục. Giờ trình lại - chuyển PPP sang đầu tư công... còn thuyết phục hơn.

Đẩy nhanh đầu tư công là giải pháp quan trọng để chống đỡ với Covid- 19, giải ngân càng nhiều thì thành tố đầu tư trong GDP tăng lên.

Ảnh hưởng của Covid-19 có đến mức vậy không? Sức khoẻ doanh nghiệp yếu đi thì sức khoẻ ngân sách còn yếu hơn. Ba năm trước, ngân sách khả quan thì làm PPP, nay khó khăn hơn lại dùng ngân sách? Nêu hàng loạt câu hỏi, ông Thành cho rằng, tờ trình Quốc hội phải đề xuất thuyết phục hơn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, đại biểu Đỗ Văn Sinh cũng nhận xét, lý do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu chưa đủ thuyết phục. Vì từ năm 2017, khi thẩm tra để trình Quốc hội quyết định dự án này, Ủy ban Kinh tế đã đặt vấn đề về tính khả thi khi huy động vốn vay sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng giải trình lúc đó rất hay, nên Quốc hội mới quyết định 8 dự án đầu tư theo PPP, giờ lại kêu khó về vốn.

“Nói là vì ảnh hưởng của Covid-19 thì chưa thuyết phục, đọc hồ sơ thì bị hẫng khi thấy có nhà đầu tư PPP, nhưng lại xin chuyển sang đầu tư công”, bà Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu.

Hoàn thành sớm bao nhiêu, tác động tốt bấy nhiêu

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, đẩy nhanh đầu tư công là giải pháp quan trọng để chống đỡ với Covid- 19, giải ngân càng nhiều thì thành tố đầu tư trong GDP tăng lên. Dự án hoàn thành sớm bao nhiêu thì tác động tốt bấy nhiêu. Chính phủ đã rà soát tất cả các điều kiện đều làm được thì mới trình Quốc hội.

Trả lời băn khoăn của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh về phương án bố trí vốn, ông Phương cho biết, sẽ bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn của cả nhiệm kỳ sau và hoàn toàn khả thi. “Nhiệm kỳ này, Quốc hội đã bố trí 55.000 tỷ đồng không thể tiêu hết. Còn 5 năm tới, cho dù Covid-19 có diễn biến thế nào, thì vốn đầu tư công trung hạn vẫn bằng 5 năm trước là 2 triệu tỷ đồng, bố trí 44.000 tỷ đồng cho dự án là hoàn toàn khả thi”, ông Phương nhận định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh khẳng định, các đại biểu đều ủng hộ đẩy nhanh dự án, nhưng còn băn khoăn là làm sao để hồ sơ trình Quốc hội đảm bảo tính thuyết phục, vì thế, các cơ quan liên quan cần chuẩn bị chu đáo và công phu hơn.

Tin liên quan
Tin khác