Việc xây dựng cầu Nguyễn Trãi có vai trò quan trọng trong việc giúp Hải Phòng thực hiện chiến lược phát triển đô thị, xây dựng khu Trung tâm hành chính mới sang phía Bắc sông Cấm |
UBND TP. Hải Phòng vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư lựa chọn Đề xuất dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi – TP. Hải Phòng được sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản năm tài khóa 2016, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo UBND TP. Hải Phòng, cầu Nguyễn Trãi dài hơn 1.300 m có điểm đầu kết nối với đường trục chính Bắc Nam của Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng); điểm cuối kết nối với đường Nguyễn Trai tại nút giao Ngã 5 sân bay Cát Bi và đường Lê Thánh Tông (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền).
Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến là 6.129 tỷ đồng (tương đương 30,066 tỷ Yên), trong đó phân vốn vay ODA Nhật Bản là 5.474,4 tỷ đồng; vốn đối ứng từ ngân sách địa phương là 654,6 tỷ đồng.
Hải Phòng cho biết là, Dự án được Chính phủ Nhật bản rất quan tâm, đặc biệt Bộ Kinh tế, Thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) đã tài trợ nghiên cứu khả thi cùng các thủ tục đề xuất và hỗ trợ tiếp cận vốn vay ODA Nhật Bản.
Việc xây dựng cầu Nguyễn Trãi không những giải quyết nhu cầu bức thiết giao thông giữa trung tâm thành phố Hải Phòng với khu đô thị mới Bắc sông Cấm, kết nối các khu công nghiệp mà còn kết nối vùng có sự phân luồng hàng hóa đến và đi từ cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đến Hà Nội. Bên cạnh đó, Dự án hội tụ những lợi thế vượt trội về giao thông, cảnh quan trên sông Cấm, tạo điểm nhấn kiến trúc cho TP. Hải Phòng.
Trước đó, Cơ quan tư vấn Nhật Bản đưa ra 3 phương án kiến trúc cho cầu Nguyễn Trãi như sau: Phương án 1, cầu Nguyễn Trãi được kết cấu dây văng; Phương án 2, cầu Nguyễn Trãi được kết cấu vòm thép; Phương án 3, cầu Nguyễn Trãi được kết cấu treo. Cơ quan tư vấn Nhật Bản đề xuất phương án kiến trúc cầu Nguyễn Trãi dạng vòm thép (phương án 2) là khả thi nhất. Vì kết cấu vòm thép mới hơn so với cầu dây văng, có kiến trúc đẹp, phù hợp với biểu tượng của thành phố Cảng