Theo Tổng công ty 36 – CTCP, do những khó khăn trên khiến hiện nay số thu thực tế tại Dự án BOT QL19 không đủ để trả nợ gốc và lãi ngân hàng. Tính từ 1/6/2016 đến 30/5/2019, Tổng công ty đã phải bù đắp thiếu hụt trả nợ ngân hàng số tiền 92 tỷ đồng. Còn doanh nghiệp dự án lỗ năm 2016, 2017, 2018 là 65 tỷ tổng số tiền bù đắp thiếu hụt và lỗ là 157 tỷ đồng. |
Trong công văn vừa được gửi tới Văn phòng Chính phủ vào cuối tuần trước, Bộ GTVT cho biết, đề xuất này sẽ giúp tránh phá vỡ phương án tài chính của các dự án, tránh để các khoản vay đầu tư BOT bị chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của Tổng công ty 36 (nhà đầu tư Dự án BOT QL19) nói riêng và của các doanh nghiệp dự án nói chung, ảnh hưởng đến chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.
“Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu nợ và giữnguyên nhóm nợ theo phương án tài chính, phụ lục hợp đồng điều chỉnh Dự án BOT QL19 nói riêng và các dự án BOT nói chung do Bộ GTVT là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bị ảnh hưởng bởi chính sách giảm giá, chưa tăng giá theo lộ trình hợp đồng ký kết và các điều kiện khách quan dẫn đến việc sụt giảm doanh thu để phù hợp với tình hình thực tế thực hiện dự án”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định.
Đề xuất này của Bộ GTVT được đưa ra sau khi Bộ này nhận được văn bản số 9490/VPCP-KTKH ngày 18/10/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc tham gia ý kiến văn bản số 8020/NHNN-TD ngày 11/10/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với Tổng công ty 36 để thực hiện Dự án BOT QL19.
Theo Bộ GTVT, trong số 61 dự án BOT (không tính 1 dự án mới dừng thu phí, 2 dự án đã chuyển về địa phương) do bộ quản lý có 59 dự án BOT đã hoàn thành đưa vào khai thác, 2 dự án đang đầu tư xây dựng.
Tính đến hết năm 2019 có khoảng 37 dự án phải tăng phí theo lộ trình, mức tăng 3 năm một lần, mỗi lần tăng từ 12-18% tuỳ từng dự án (trong đó năm 2018 có 2 dự án, năm 2019 có 35 dự án), năm 2020 có 10 dự án, năm 2021 có 2 dự án, các dự án còn lại cơ bản tăng phí sau năm 2021.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, năm 2018 có 52 dự án đã đưa vào vận hành khai thác có đủ điều kiện đánh giá về doanh thu thực tế so với hợp đồng, có 27 dự án có doanh thu thực tế tăng so với phương án tài chính ban đầu, 26 dự án có doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính ban đầu (trong đó bao gồm dự án BOT QL19 doanh thu năm 2018 chỉ đạt 87%, 6 tháng năm 2019 đạt 79% so với phương án tài chính ban đầu...).
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm doanh thu, theo Bộ GTVT là do các dự án phải giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ (loại xe nhóm 4, nhóm 5) theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ quanh trạm thu phí trong bán kính từ 5-10km) và chưa tăng phí theo đúng lộ trình (tăng từ 12-18%/3 năm) trong Hợp đồng BOT theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo 107/TB-VPCP ngày 27/5/2016 về việc “Trước mắt chưa tăng giá BOT và giãn thời gian thu giá tối đa đối với các dự án BOT” và Thông báo số 321/TB-BCĐĐHG ngày 05/5/2017 về việc “giao Bộ GTVT sớm có phương án điều chỉnh giá dịch vụ BOT của các trạm đã quyết toán trong năm 2017 theo hướng ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu giá”.
Các dự án bị sụt giảm doanh thu còn do có lưu lượng thấp hơn so với dự báo; việc bán vé tháng, vé quý tại các trạm này làm doanh thu giảm từ 15%-20% so với phương án tài chính ban đầu dự kiến khoảng 5%.
Tại một số dự án trong quá trình thu phí đã xuất hiện các tuyến đường tuyến đường song hành, đường ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến xe tránh trạm hoặc phân lưu và do một số địa phương đầu tư các dự án giao thông đi song hành hoặc ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến việc thất thoát lưu lượng và có thể vỡ phương án tài chính.
Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, việc thu xếp nguồn vốn vay và nghĩa vụ trả nợ vay ngân hàng trong việc thực hiện dự án BOT thuộc trách nhiệm của Nhà đầu tư, tuy nhiên thời gian vừa qua Bộ GTVT đã nhận được nhiều văn bản của các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng báo cáo về khó khăn trong quá trình thực hiện dự án và đề nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận điều chỉnh lại cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho Nhà đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới có ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khó khăn, vướng mắc đối với các hợp đồng tín dụng các dự án đầu tư theo hình thức BOT.