- Thống nhất trình Quốc hội tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng
- Chính phủ thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng
- Mở nút thắt cho mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng
- Thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội được nhân dân đánh giá cao
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình. |
Chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng (Dự thảo).
Mục tiêu xây dựng Dự thảo là xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng phù hợp với quy mô, đặc điểm, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của Thành phố; tiếp thu có chọn lọc những kết quả đạt được trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, Đà Nẵng thời gian qua; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả - bà Trà nêu.
Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng cho biết chính quyền địa phương ở quận, phường tại thành phố Hải Phòng là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường).
Việc tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng và các đơn vị hành chính khác của thành phố Hải Phòng có HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Khi tổ chức chính quyền đô thị sẽ chuyển các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận và HĐND phường thực hiện trước đây sang HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; UBND, Chủ tịch UBND quận; HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủy Nguyên (Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng) và UBND phường thực hiện; đồng thời bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan này (tương tự TP.HCM và Đà Nẵng đang thực hiện) để đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, phường thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND Thành phố tăng lên do được điều chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, HĐND phường thuộc quận. Theo đó, để bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND Thành phố, dự thảo Nghị quyết quy định tăng 9 đại biểu chuyên trách so với hiện nay, gồm 1 Phó Chủ tịch HĐND, 4 phó trưởng ban và 4 Ủy viên hoạt động chuyên trách thuộc các Ban của HĐND Thành phố.
Tờ trình cũng nêu rõ, UBND thành phố Hải Phòng quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND thành phố, UBND quận, huyện và thành phố Thủy Nguyên; quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay, qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với việc tăng cường bộ máy, tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cho HĐND Thành phố, tán thành việc điều chuyển, bổ sung thêm một số thẩm quyền cho HĐND Thành phố để tăng cường năng lực, bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận, phường.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc kỹ quy định giao UBND Thành phố quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND Thành phố, UBND quận, huyện và thành phố thuộc Thành phố để bảo đảm nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền và bảo đảm tính thống nhất với quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương.