Một phiên tòa trực tuyến được tổ chức thời gian qua. |
Khẳng định chủ trương tổ chức phương thức xét xử bằng hình thức trực tuyến là hoàn toàn đúng đắn, Tòa án Nhân dân tối cao đề xuất hoàn thiện pháp luật về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng các thủ tục tố tụng trực tuyến.
Trong chương trình Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV được tổ chức vào ngày 6/9, đại diện lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ tham luận về công tác triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo bản tham luận này, tính từ ngày 1/1/2022 đến nay, các tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được 9.263 vụ án, trong đó các vụ án hình sự là 7.197 vụ, hành chính 643 vụ, dân sự 436 vụ, hôn nhân và gia đình 164 vụ, lao động, kinh doanh thương mại 18 vụ, các loại vụ việc khác 807 vụ.
Đến nay, cả nước đã có 691 tòa án đã tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến (3 tòa án nhân dân cấp cao; 63 tòa án nhân dân cấp tỉnh và 625 tòa án nhân dân cấp huyện).
Một số tòa án tổ chức được nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến như: Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng (710 vụ), Tòa án Nhân dân thành phố Thủ Đức (612 vụ), Tòa án Nhân dân TP.HCM (182 vụ), Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi (161 vụ), Tòa án Nhân dân thành phố Vinh (159 vụ),…
Các tòa án chưa tổ chức xét xử bằng hình thức trực tuyến là do điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hoạt động xét xử trực tuyến chưa đảm bảo, tham luận nêu.
Tòa án Nhân dân Tối cao đánh giá, triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đã giúp hạn chế tập trung đông người tại phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh; giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định.
Việc xét xử trực tuyến đối với các vụ án hình sự, vừa đảm bảo tính nhân văn trong quá trình giải quyết các vụ án (đối với vụ án có liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc bị hại là trẻ em thì không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên tòa), đồng thời việc các bị cáo có thể tham dự phiên tòa tại điểm cầu trại tạm giam, nhà tạm giữ mà không cần phải áp giải các bị cáo từ nơi giam giữ đến tòa án đã giúp tiết kiệm được chi phí dẫn giải, thuận lợi cho việc bảo vệ phiên tòa.
Đối với người bị hại, người làm chứng, luật sư,… có thể tham gia phiên tòa tại địa điểm khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử giúp họ dễ dàng tham gia hoạt động xét xử, từ đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn.
Nhìn chung, việc xét xử theo hình thức trực tuyến không ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, cho thấy chủ trương của Quốc hội cho phép tòa án nhân dân tổ chức phương thức xét xử bằng hình thức trực tuyến là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao nhìn nhận.
Tuy nhiên, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Như, việc bố trí nguồn lực kinh phí thực hiện trang bị cơ sở vật chất tổ chức phiên tòa trực tuyến còn chậm. Phiên tòa trực tuyến chỉ để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản…
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP thì phiên tòa trực tuyến chỉ được kết nối tối đa không quá 3 điểm cầu thành phần. Quy định này là chưa phù hợp với thực tiễn khi nhiều vụ việc có số lượng người tham gia tố tụng đông thì cần phải có nhiều hơn 3 điểm cầu thành phần.
Tại tham luận, Tòa án Nhân dân Tối cao kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng các thủ tục tố tụng trực tuyến không chỉ trong việc tổ chức các phiên tòa xét xử vụ án hình sự, dân sự, hành chính mà kể cả các phiên họp như phiên họp giải quyết việc dân sự, phiên họp xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, cung cấp chứng cứ và hòa giải…Đồng thời, không quy định giới hạn số lượng điểm cầu thành phần.
Cơ quan xây dựng tham luận cũng đề xuất Quốc hội hoàn thiện pháp luật về tố tụng điện tử nói chung tạo hành lang pháp lý không chỉ cho việc xét xử trực tuyến mà còn tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng Tòa án điện tử trong tương lai.