Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo đó, tài xế vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất (mức 3, vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở) sẽ bị phạt từ 26 đến 30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 14 - 16 tháng. Nghị định hiện hành quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng.
Ở vi phạm thấp hơn (mức 2), Bộ Giao thông Vận tải đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành về mức phạt tiền (từ 7 - 8 triệu đồng) với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; mức xử phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe được nâng từ 1 - 3 tháng lên 10 - 12 tháng.
Đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, ma túy và trong cơ thể có chất ma túy thì tài xế bị phạt tối đa 30 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của tài xế tại Hà Nội. Ảnh: Gia Chính. |
Ông Hoàng Thế Tùng, Phó vụ trưởng Vụ An toàn Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, qua 2 năm thực hiện nghị định 46, có nhiều nhóm vi phạm vẫn diễn ra phổ biến và nguy hiểm song chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Do đó, tổ soạn thảo đã lựa chọn một số hành vi như vi phạm nồng độ cồn, ma túy để điều chỉnh mức phạt.
Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của mức phạt mới, vì phần lớn người vi phạm có mức sống trung bình, nếu phạt cao quá (30 triệu đồng) thì có thể phát sinh tiêu cực với lực lượng xử lý vi phạm.
"Tôi ủng hộ chủ trương tăng mức phạt để tăng tính răn đe với người vi phạm, song mức tăng bao nhiêu thì nên cân nhắc kỹ", ông Thanh nói và đề xuất hình phạt bổ sung lao động công ích với người vi phạm, ví dụ nạo vét ở sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu...
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, nếu tài xế bị tước bằng lái đến 2 năm thì nguy cơ mất việc làm, ảnh hưởng đời sống của cả gia đình, do vậy tổ soạn thảo cần xem lại quy định này.
Ngoài ra, ông lo ngại với mức phạt 30 triệu đồng thì nhiều người dân đi phương tiện cũ sẽ bỏ xe lại, không nộp phạt, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Ngoài ra, ông Quyền góp ý, 2 năm qua, cảnh sát giao thông đã xử phạt trên 450.000 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trong cả nước, song chia ra tất cả các địa phương và tổng dân số thì số lượng xử lý vi phạm lại rất nhỏ. Do đó, cảnh sát giao thông cần xử lý mạnh và nghiêm túc hơn thì mới có tính răn đe.
Dự thảo sửa đổi nghị định 46 sẽ được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến trong vòng một tháng trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do tài xế lái ôtô uống rượu bia. Ngày 22/4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên đã lái xe đâm chết nữ lao công trên đường Láng, sau khi uống 6-7 cốc bia. 0h10 ngày 1/5, tài xế Lê Trung Hiếu sau buổi liên cùng bạn bè đã lái chiếc Mercedes tông chết hai phụ nữ trong hầm Kim Liên. Sau các vụ việc này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu, sửa đổi mức xử phạt lái xe uống rượu.