Dự kiến mức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu. |
Đây là một trong những nội dung tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc vừa được Bộ GTVT đăng tải để xin ý kiến rộng rãi.
Dự thảo Nghị định này gồm 4 chương, 12 điều, quy định về điều kiện, thời điểm triển khai thu phí sử dụng đường bộ cao tốc; đối tượng chịu phí, đối tượng miễn thu phí; mức thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác.
Bộ GTVT cho biết, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy định rõ về loại hình và đối tượng thu phí, phương án tổ chức thực hiện để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn và công khai, minh bạch.
Theo Luật Đường bộ số 35/2024/QH14, nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, bao gồm đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công; đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.
Trên cơ sở lợi ích tính toán và cân đối với mức giá đang thực hiện đối với các dự án BOT quốc lộ cũng như các dự án BOT cao tốc; các chính sách tổ chức, điều tiết giao thông đảm bảo tốc độ dòng giao thông trên cao tốc, dự thảo Nghị định quy định 2 mức phí đối với đường cao tốc do nhà nước đầu tư.
Đối với các tuyến cao tốc đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện được triển khai thu phí áp dụng mức 1 (đường cao tốc có 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp chạy liên tục).
Đối với các tuyến cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 47 của Luật Đường bộ sẽ áp dụng mức 2 (đường cao tốc có 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp chạy liên tục).
Mức phí đối với đường cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục (mức 1) thấp nhất từ 1.300 đồng/km đến 5.200 đồng/km tùy từng nhóm xe. Mức phí với đường cao tốc 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp chạy liên tục (mức 2) từ 900 đồng/km đến 3.600 đồng/km tùy từng nhóm xe.
Với mức phí đề xuất như đã nêu, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với các tuyến cao tốc đang khai thác gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL.45, QL.45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự kiến số phí thu được là 3.210 tỷ đồng/năm; số thu nộp ngân sách nhà nước là 2.850 tỷ đồng/năm.
Bộ GTVT khẳng định, thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác không xảy ra hiện tượng “phí trùng phí”.
Cụ thể, do đường cao tốc đem lại lợi ích cho người tham gia giao thông cao hơn so với tuyến đường quốc lộ song hành, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn di chuyển trên quốc lộ (không phải trả thêm tiền sử dụng đường cao tốc) hoặc trả tiền sử dụng đường cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn. Việc thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác không gây phí trùng phí.
Bên cạnh đó, mức thu tiền sử dụng đường cao tốc được xác định với nguyên tắc phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được, khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc và khấu trừ các loại thuế, phí đã thu liên quan.