Tại khu vực Tây Nguyên có nhiều nhà máy thủy điện, song mức chi trả dịch vụ môi trường rừng của các nhà máy thủy điện hiện rất thấp. Trong ảnh: Thủy điện Thượng Kon Tum (tỉnh Kon Tum) |
Mức chi trả không đủ mua… bó rau
Tây Nguyên được xem là “nóc nhà” của các tỉnh Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ. Vì vậy, rừng Tây Nguyên có vai trò đặc biệt xung yếu trong việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, hạn hán, cũng như lũ lụt gây ra trong vùng. Đây cũng là vùng đang “gánh” nhiều nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng của các nhà máy thủy điện hiện rất “bèo”, chỉ 36 đồng/2.000 đồng/kW điện thương phẩm (bằng 1,8%).
Cho rằng nguồn thu này quá thấp, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu điều chỉnh tăng lên tối thiểu 100 đồng/kW, tương đương 5% giá trị thương phẩm của 1 kW điện.
Ông Trang tính toán, khi tăng mức chi trả tăng lên như vậy, diện tích rừng hiện có của các tỉnh Tây Nguyên sẽ cải thiện nguồn thu bình quân tối thiểu mỗi năm khoảng trên 2.555 tỷ đồng (tăng hơn 1.630 tỷ đồng so với hiện nay).
“Trước mắt, chúng ta chưa định giá được hấp thụ CO2, thì có thể tính toán thu trên phí dịch vụ môi trường rừng dựa trên hóa đơn nộp thuế hoặc thu nhập của doanh nghiệp”, ông Trang nói.
“Với nguồn tiền này, Tây Nguyên hàng năm có thể tiếp tục tái đầu tư cho việc trồng rừng và phát triển rừng”, ông Trang nói.
Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hội thảo về nội dung đề xuất nâng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tại hội thảo này, các nhà khoa học, nhà kinh tế và nhà quản lý đề xuất mức chi tối thiểu trên 120 đồng/kW điện thương phẩm. Nhưng theo ông Trang, đến nay, đề xuất này vẫn chưa thực hiện được.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù để ưu tiên bố trí nguồn vốn, lãi suất và thời hạn vay vốn để các tỉnh Tây Nguyên thực hiện đầu tư trồng rừng, phát triển rừng đạt hiệu quả. Bởi vì, đầu tư cho phát triển rừng là đầu tư đa mục đích và có lợi nhuận không hề nhỏ. Đó là chống biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, chống xói mòn đất, điều tiết nguồn nước ổn định, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, sinh kế ổn định cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số…
Từ đó, ông Trang đề xuất hạn mức vay để đầu tư trồng rừng trong một chu kỳ tối thiểu 10 năm khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha để khuyến khích người dân tích cực tham gia trồng rừng. “Theo tính toán của các nhà lâm nghiệp học, thì nếu được đầu tư thích đáng như trên, mỗi héc-ta rừng trồng sau 10 năm sẽ tạo ra khối lâm sản tối thiểu là 100 m3. Trong khi đó, giá tối thiểu hiện nay là từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/m3. Như vậy, người dân đủ điều kiện để trả nợ vốn vay cho Nhà nước, mà kinh tế, lợi nhuận của người dân, doanh nghiệp vẫn được nâng lên”, ông Trang phân tích.
Hơn nữa, hiện nay, các công ty lâm nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên đang được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ một diện tích rừng và đất rừng tương đối lớn, nhưng đều thiếu vốn, thiếu cơ chế, chính sách để tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả cao. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này đối với các công ty lâm nghiệp là điều cần thiết.
Khó giữ rừng nếu không có kinh phí tạm ứng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tại địa phương này, một số doanh nghiệp có diện tích rừng nằm trong lưu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng (là chủ rừng theo Điều 8, Luật Lâm nghiệp, như Ban Quản lý rừng đặc dụng, Ban Quản lý rừng phòng hộ; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được giao rừng; tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất…).
Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh Lâm Đồng, phần lớn diện tích này đang được giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ. Theo Điều 70, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ, thì toàn bộ tiền dịch vụ môi trường rừng các doanh nghiệp chỉ được giữ lại 10% kinh phí quản lý, còn lại phải chi trả hết cho các hộ nhận khoán, thậm chí trên cả diện tích rừng trồng giao cho các công ty lâm nghiệp thuê đất để tổ chức sản xuất, kinh doanh.
“Điều này ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp và chưa thể hiện được tính tự chủ trong tổ chức sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp”, báo cáo đề ngày 5/12/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện các chính sách về sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP nhận định.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm là thời kỳ cao điểm của công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, thường xuyên xảy ra các hành vi phá rừng trái pháp luật, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép, cũng là thời gian các chủ rừng huy động tối đa lực lượng tham gia tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Vì thế, nếu không có kinh phí tạm ứng, thì các chủ rừng rất khó khăn trong việc huy động, tổ chức lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng tuần tra, kiểm tra rừng, tham gia chữa cháy rừng.
Từ đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề xuất, đối với chủ rừng là tổ chức nhà nước, cộng đồng dân cư, UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, thì số lần tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng là 4 lần/năm (tổng kinh phí tạm ứng là 95% đơn giá chi trả). Theo đó, tạm ứng lần 1 trong tháng 4; tạm ứng lần 2 trong tháng 7; tạm ứng lần 3 trong tháng 10 và tạm ứng lần 4 trong tháng 1 năm sau. Các lần 1, 2, 3, mỗi lần tạm ứng 25%. Riêng lần 4 tạm ứng 20% số tiền theo đơn giá chi trả được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thu, chi kinh phí dịch vụ môi trường rừng.
“Trong trường hợp kế hoạch thu, chi kinh phí dịch vụ môi trường rừng chưa được UBND tỉnh phê duyệt, thì giao Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng chủ động tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng lần 1 cho các đơn vị chủ rừng theo đơn giá chi trả của năm liền kề”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng kiến nghị.
Đối với chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề xuất, các chủ rừng có diện tích rừng lớn (từ 50 ha trở lên) hoặc có hợp đồng khoán bảo vệ rừng, UBND tỉnh giao Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng rà soát, cân đối nguồn kinh phí để thực hiện tạm ứng như các chủ rừng là tổ chức nhà nước (4 lần/năm) để tạo điều kiện hỗ trợ các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Đối với các chủ rừng có diện tích nhỏ (dưới 50 ha), có địa chỉ liên hệ và đại diện pháp nhân của đơn vị thường xuyên thay đổi và các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề xuất, thực hiện thanh toán 1 lần trong năm (không thực hiện tạm ứng). Thời gian thanh toán trước ngày 30/5 năm sau, sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh đối với kết quả xác định số tiền chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo số tiền thực thu trong năm.