Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Sơn báo cáo tại phiên họp. |
Tình hình tài chính của Vietnam Airlines hiện nay rất khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Do vậy, xin Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước gia hạn khoản vay tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay.
Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Sơn báo cáo tại phiên họp sáng 15/5, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc chuẩn bị Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Tại Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020, Quốc hội Khóa XIV đã cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Sơn đề nghị bổ sung một nội dung rất quan trọng, cấp bách, cần xin ý kiến của Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn nói trên và cho biết Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã có văn bản báo cáo với cấp có thẩm quyền nội dung này.
Một số nội dung khác, theo ông Sơn, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp một số nội dung như tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng, phân cấp cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt thực hiện quy hoạch tỉnh và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, Tờ trình Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng, trình về giải pháp khó khăn, vướng mắc cho các dự án BOT… cũng được Chính phủ đề nghị bổ sung.
Trước đó, báo cáo chuẩn bị Kỳ họp thứ bảy, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, căn cứ đề nghị của các cơ quan và tình hình thực tế, dự kiến điều chỉnh một số nội dung trong chương trình Kỳ họp.
Cụ thể là bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len do đến nay đã có hồ sơ tài liệu gửi các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 33 này.
Không bố trí trong Chương trình nội dung trình Quốc hội xem xét quyết định một số dự án sử dụng dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 do đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền.
Ông Cường cho hay, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó, có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Giải trình thêm một số vấn đề, ông Cường nói, có ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do chính sách bảo hiểm xã hội là chính sách đi sau cải cách tiền lương (trong khi cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2024); ý kiến khác đề nghị lùi thời điểm trình Quốc hội thông qua dự án Luật này sang Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Tổng Thư ký Quốc hội nêu, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện, bảo đảm được đa số đồng thuận trước khi trình Quốc hội; “đánh giá kỹ tác động của cải cách chính sách tiền lương đối với lương hưu của người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024; những người có mức lương hưu thấp, nhất là nhóm nghỉ hưu trước năm 1995”; “trình Quốc hội xem xét việc thông qua Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ bảy nếu bảo đảm đủ điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.
Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị trong dự kiến Chương trình Kỳ họp vẫn thể hiện quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này; trường hợp qua thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh thời điểm thông qua đối với dự án Luật này theo ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện cải cách tiền lương bắt đầu triển khai từ ngày 1/7/2024, nhưng đến nay chưa có Đề án và chưa bố trí trong chương trình Kỳ họp là chậm, trường hợp trình Quốc hội tại Kỳ họp này sẽ không đủ thời gian để các Ủy ban tiến hành thẩm tra.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về việc “xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ”, “Chính phủ trình cấp có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết theo thẩm quyền việc thực hiện” để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện, các ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày, khai mạc vào ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào chiều ngày 27/6. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội; Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 là 17 ngày: Từ ngày 20/5 đến ngày 8/6/2024. Đợt 2 là 9 ngày, từ ngày 17/6 đến ngày 27/6/2024; dự phòng ngày 28/6/2024.