Công nhân, người lao động trên công trường dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thái Bình. Ảnh: Trung Du, báo Lao Động. |
UBND tỉnh Thái Bình vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình, với vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền muốn người đứng đầu Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, cụ thể là: được phép điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước cao hơn tỷ lệ theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
“Đối với với phần vốn nhà nước tăng thêm do điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án, cho phép sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và nguồn vốn ngân sách tỉnh Thái Bình để thực hiện”, UBND tỉnh Thái Bình đề xuất.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình là một trong các dự án trọng điểm của tỉnh Thái Bình; việc đầu tư xây dựng tuyến đường góp phần quan trọng giúp tỉnh Thái Bình kết nối với TP. Hải Phòng, tỉnh Nam Định, các tỉnh ven biển, phía Nam đồng bằng sông Hồng và là động lực thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Thái Bình.
Dự án có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển TP.Hải Phòng, điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định. Tuyến đường được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, rộng 12 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 28/3/2018 với tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước tham gia dự án là 2.693 tỷ đồng, tương ứng 66,7% tổng mức đầu tư (gồm: Ngân sách Trung ương 1.100 tỷ đồng, Ngân sách địa phương 1.593 tỷ đồng); vốn BOT (vốn chủ sở hữu và vốn vay) là 1.289 tỷ đồng, tương ứng 33.33%.
Theo Hợp đồng BOT được UBND tỉnh Thái Bình và nhà đầu tư ký ngày 13/2/2019 (trước ngày Luật PPP có hiệu lực), vốn nhà đầu tư tham gia Dự án chiếm tỷ lệ 33,3% tổng mức đầu tư (bao gồm cả lãi vay) để thực hiện xây dựng cầu vượt sông Hồng; vốn nhà nước tham gia Dự án chiếm tỷ lệ 66,7% tổng mức đầu tư (bao gồm cả lãi vay) để thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng toàn bộ phần đường, các cầu còn lại của dự án và thanh toán chi phí do cơ quan Nhà nước tổ chức thực hiện.
Khi triển khai thực hiện Dự án, do ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như: đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraina, khan hiếm nguyên vật liệu (cát) và giá cả các tăng cao; chi phí giải phóng mặt bằng thực tế lớn hơn so với dự kiến (khoảng 250 tỷ đồng), nên tổng mức đầu tư Dự án tăng quá 10% so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Ngày 9/12/2021, UBND tỉnh Thái Bình có Tờ trình số 213/TTr-UBND đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án (trong đó điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 3.872 tỷ đồng lên 4.580 tỷ đồng và điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án tăng từ 66,7% lên 71,8% tổng mức đầu tư).
Tuy nhiên, theo báo cáo của nhà đầu tư tại thời điểm tháng 7/2023, sau khi tính toán lại phương án tài chính của dự án do bổ sung, cập nhật thêm chi phí trượt giá của năm 2022 và khảo sát lại lượng xe của tuyến đường ven biển, dự kiến tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án là 4.984 tỷ đồng (tăng 1.112 tỷ đồng so với tổng mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tăng 404 tỷ đồng so với tổng mức trình điều chỉnh lần đầu), trong đó vốn nhà nước tham gia dự án 4.233 tỷ đồng (tăng 1.640 tỷ đồng so với số đã được phê duyệt), chiếm 84,9% tổng mức đầu tư điều chỉnh, vốn nhà đầu tư là 751 tỷ đồng (giảm 538 tỷ đồng so với số đã được phê duyệt), chiểm 15,1% tổng mức đầu tư điếu chỉnh.
Trên cơ sở nội dung yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định liên ngành) tại Công văn số 4681/BKHBT-GSTĐĐT ngày 12/7/2022 về việc giải trình, bổ sung hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đàu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình theo hợp đồng BOT, UBND tỉnh Thái Bình giao các đơn vị liên quan của tỉnh phối hợp với nhà đầu tư rà soát, giải trình hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan chức năng của tỉnh đã nhiều lần đàm phán với nhà đầu tư về tỷ lệ các nguồn vốn tham gia dự án theo ý kiến của Bộ Tư pháp (không tăng tỷ vốn nhà nước trong Dự án cao hơn tỷ lệ đã được Thủ tưởng Chỉnh phủ phê duyệt tại Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 28/3/2018).
Tuy nhiên, nhà đầu tư không nhất trí, vì cho rằng, Luật PPP không có điều khoản quy định là không được điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia Dự án đối với các dự án chuyển tiếp có tỷ lệ vốn lớn hơn 50% tồng mức đầu tư; việc tăng tổng mức đầu tư của dự án cơ bản thuộc các hạng mục được thực hiện bằng nguồn vốn Nhà nước tham gia dự án, nên chi phí tăng thêm nhà nước phải bố trí bổ sung vốn để thực hiện.
“Do Luật PPP chưa quy định cụ thể đối với trường hợp này, nên đến nay, UBND tỉnh Thái Bình và nhà đầu tư vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án”, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình thông tin.