Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo xử lý kiến nghị về việc ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động tại hệ thống phân phối bán lẻ để kịp thời bảo vệ người lao động tại tuyến đầu chống dịch |
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động tại hệ thống phân phối bán lẻ đã được Bộ Công Thương nêu trong văn bản gửi Chính phủ mới đây.
“Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số siêu thị/hệ thống phân phối trong vùng dịch đã xuất hiện ca F0 đến mua sắm dẫn đến phải đóng cửa, ảnh hưởng tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu”, Bộ Công Thương lo ngại.
Trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các hệ thống phân phối lớn, để đảm bảo đầy đủ, liên tục việc cung ứng hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, phục vụ người tiêu dùng trên cả nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; Căn cứ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 2 năm 2021 của Chính phủ về việc hướng dẫn các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế, UBND cấp tỉnh tại các địa phương đang có dịch khẩn trương sắp xếp, ưu tiên tiêm gấp vaccine phòng Covid-19 cho người lao động tại các cơ sở phân phối bán lẻ hàng hoá thiết yếu….
Theo lý giải của Bộ, việc ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động tại hệ thống phân phối bán lẻ để kịp thời bảo vệ người lao động tại tuyến đầu chống dịch trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bảo đảm hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Việc bổ sung đối tượng này nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh.
Cụ thể, Bộ này kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan chính thức bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hoá thiết yếu (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…) và tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu vào danh sách nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine phòng Covid-19, hướng dẫn thủ tục hành chính nhập khẩu vaccine và tổ chức tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp ngành phân phối bán lẻ có nhu cầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động bằng nguồn tài chính của doanh nghiệp.
Trên thực tế, ngay trong những thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì các siêu thị, cửa hàng thiết yếu vẫn được phép hoạt động, song được yêu cầu tổ chức, vận hành theo các quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch. Mặc dù vậy, do các biến thể của virus Sars-CoV2 ngày càng khó lường, việc đảm bảo an toàn cho người lao động ngành bán lẻ là vô cùng cần thiết, bởi đây là một trong những đầu mối quan trọng để duy trì sinh hoạt, đời sống xã hội trong bối cảnh đại dịch hiện nay. Bên cạnh các biện pháp trước mắt và cấp thiết, việc tiêm vắc-xin cho lực lượng này được xem là giải pháp căn cơ, bền vững.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) trước đó cũng có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất tiêm vaccine cho 150.000 lao động trong Tập đoàn.
"Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động trên cả nước với trên 2,5 triệu lao động, riêng đối với Vinatex là 150.000 lao động. Các doanh nghiệp đều sẵn sàng chịu mọi chi phí để tiêm được vaccine cho người lao động của mình", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐTV Vinatex cho hay.
Lý giải cho đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho lao động trong Tập đoàn, lãnh đạo Vinatex nói: "đơn hàng của đại đa số các DN đã ký đến tháng 7 – tháng 8, nhiều đơn vị có đơn hàng hết quý III, thậm chí quý IV. Vì vậy, việc được tổ chức sản xuất ổn định có năng suất cao, đảm bảo thời gian giao hàng của khách lại trở thành ưu tiên số 1 của doanh nghiệp và chúng tôi mong mỏi cơ hội được tiếp cận vaccine một cách sớm nhất".
Ông Trường cũng cho biết thêm: "Chúng tôi mong muốn được ưu tiên tiếp cận tiêm vaccine, nhất là các doanh nghiệp nằm ở các địa bàn “nóng” như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. HCM, Hà Nội sẽ sớm được tiêm ở các khu công nghiệp tập trung, nơi mà lực lượng lao động của dệt may rất lớn để đảm bảo ổn định sản xuất trong thời gian tới".
Không chỉ bán lẻ, dệt may cần tiếp cận vaccine phòng Covid-19, một loạt các ngành như đường sắt, điện tử...đều có đề xuất được ưu tiên sớm tiếp cận nguồn vaccine để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ vận tải thông suốt.