Các hãng hàng không Việt Nam vẫn đang rất khó khăn do dịch Covid-19 và giá nhiên liệu tăng đột biến. |
Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Cục Hàng không Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ GTVT đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong năm 2022, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục chịu tác động của dịch Covid-19. Với những diễn biến khó lường, thị trường hàng không nội địa có thể phục hồi từng bước nhưng còn nhiều khó khăn, riêng thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để phục hồi. Thêm vào đó, do các tình hình bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới giai đoạn vừa qua khiến giá nhiên liệu tăng đột biến, gây sức ép nặng nề lên chi phí của các hãng hàng không.
Chính vì vậy, để tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển trong tương lai, cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không đề xuất Bộ GTVT tiếp tục ban hành chính sách “giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa”.
Dự kiến thời gian áp dụng chính sách này là từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 và áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Được biết, chính sách “giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa” đã được Bộ GTVT cho phép áp dụng từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2021 đã giúp các hãng hàng không trong nước tiết kiệm khoảng hơn 110 tỷ đồng.
Theo ACV - đơn vị đang quản lý, khai thác 21 cảng hàng không trong nước, trường hợp Nhà nước cho rằng, cần tiếp tục duy trì chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT thì cần kèm theo 2 điều kiện: các hãng hàng không phải thanh toán đầy đủ công nợ dịch vụ cất cánh, hạ cánh hiện tại đã quá hạn thanh toán và trong giai đoạn được hưởng chính sách ưu đãi nêu trên, hãng hàng không không được phép thanh toán chậm tiền dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay để ACV có kinh phí khai thác tài sản, bảo trì, sửa chữa tài chính kết cấu hạ tầng hàng không cũng như nộp ngân sách Nhà nước chênh lệch thu - chi từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.
Bên cạnh đó, ACV cũng kiến nghị không áp dụng khung giá với mức tối thiểu là 0 đồng đối với khung giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 do mức giá tối thiểu này đã phản ánh chi phí tối thiểu để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác hạ tầng hàng không bù đắp cho chi phí kinh doanh thực tế. Việc này đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hãng hàng không và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác hạ tầng hàng không.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam, với chính sách “giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021”, trong năm 2021, ACV vẫn đủ nguồn thu để thực hiện bù đắp chi phí khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.
Đồng thời, việc chính sách “áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021” tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (gồm ACV, Cảng hàng không Vân Đồn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xăng dầu như Skypec, Tapetco, Petrolimex, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ phục vụ mặt đất…) hỗ trợ, giảm giá cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Trường hợp ACV không thể giảm giá nhiều hơn mức tối thiểu quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT thì cũng không có vướng mắc trong việc thực hiện chính sách trên giảm giá nhiều hơn mức tối thiểu quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT thì cũng không có vướng mắc trong việc thực hiện chính sách trên.