Do đó, chính sách này đang được Tổng cục Du lịch gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục kéo dài sau thời hạn hết hiệu lực của chính sách này áp dụng với 5 nước Tây Âu vào ngày 1/7 tới.
Lý do cho đề xuất này xuất phát từ việc tăng trưởng khách du lịch ở 5 thị trường Tây Âu được xem là khá khả quan trong quý I/2016.
Việt Nam vẫn là thị trường hạn chế miễn thị thực cho khách quốc tế |
Cụ thể, Ý tăng 28%, Tây Ban Nha tăng 27%, Anh tăng 23%, Đức tăng 19% và Pháp tăng 11%. Riêng thị trường Pháp đây là tín hiệu khá mừng vì trước đó, thị trường này trong vài năm gần đây đã có sự chững lại. Mức tăng này là tín hiệu đầu tiên cho sự tăng trưởng trở lại của thị trường Pháp.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ thị trường nhấn mạnh thêm: “Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng lượng khách 5 nước Tây Âu hầu như không tăng trưởng nhưng sau khi miễn thị thực, mức tăng trưởng trong từng quý lần lượt là 4%, 16% và 20%. Tổng mức tăng trưởng trong 9 tháng được miễn thị thực là 14%. Như vậy, chính sách này mang lại hiệu quả rất rõ ràng.”
Cùng với đề xuất kéo dài chính sách miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu thì Tổng cục Du lịch đang tiếp tục kiên trì đề xuất miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước.
Hiện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký tờ trình gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề nghị miễn visa đơn phương cho khách du lịch đi theo các tour chương trình du lịch trọn gói do các công ty lữ hành quốc tế của Việt Nam tổ chức cho công dân 13 nước.
Ông Tuấn tỏ ra rất kỳ vọng vào chính sách này bởi nếu được chấp thuận, chính sách này không chỉ làm gia tăng lượng khách quốc tế ở một số thị trường trọng điểm mà còn gắn được trách nhiệm của các công ty lữ hành quốc tế với khách quốc tế vào Việt Nam.
Cũng theo ông Tuấn, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an đang cam kết tới đây việc cấp visa trực tuyến và cấp visa tại cửa khẩu sẽ được mở rộng. Đây được cho là tín hiệu tích cực từ 2 bộ.
Được biết, Việt Nam vẫn là thị trường hạn chế miễn thị thực cho khách quốc tế, trong khi công cụ này hiện được nhìn nhận là yếu tố cạnh tranh trong thu hút khách quốc tế của các nước.
Đơn cử, Indonesia mới đây trong 1 lần đã miễn visa cho 79 nước nâng tổng số nước được miễn visa ở thị trường này là 169 nước. Đây là xu thế không thể đảo ngược.
Bên cạnh việc kéo dài chính sách này thì một trong những yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng du lịch thời gian tới là việc một số nước đã bắt đầu tìm đến Việt Nam như địa điểm lý tưởng cho các bộ phim bom tấn.
Cụ thể, sau khi những diễn viên đoàn làm phim Kong: Skull Island đưa những hình ảnh của mình lên Instagram hay Twitter thì những địa danh của Việt Nam như Tà Nòi, hang Tú Làn, hang Chuột, hồ Yên Phụ đã lập tức lọt vào top những địa danh muốn đến của các tín đồ bộ môn nghệ thuật thứ bẩy trên toàn thế giới.
Mới đây nhất, Tổng cục Du lịch cũng vừa đón đoàn làm phim Pollywood của Ấn Độ sang khảo sát và thời gian tới ngành du lịch Việt Nam cũng sẽ đón 1 đoàn làm phim khác để chỉ quay những cảnh từ Phú Quốc.
Tuy nhiên, thông tin về đoàn làm phim này vẫn được đại diện phía Tổng cục Du lịch giữ kín.
Hiệu quả của việc quảng bá du lịch qua các bộ phim có thể thấy là rất lớn. Ví dụ như khi Pháp chiếu phim Người tình, Đông Dương, Điện Biên Phủ thì ở Pháp đã xuất hiện trào lưu mang tên “Du lịch Việt Nam”.
Một số nước đã không ngần ngại chi tiền để quảng bá du lịch qua hình ảnh như Hàn Quốc bỏ ra 3,8 tỷ USD để hình ảnh đất nước xuất hiện trên siêu phẩm The Avengers: Age of Ultron (Biệt đội anh hùng 2).
Tương tự, Mexico cũng bỏ tới 20 triệu USD chỉ để điệp viên James Bond ghé thăm nước này trong bộ phim Spectre.
Cùng với cơ hội “vàng” từ điện ảnh thì những thị trường khách quốc tế khác cũng tạo đà cho tín hiệu khả quan về tăng trưởng khách quốc tế năm nay.
Đặc biệt, khu vực Đông Bắc Á được xem là có sự tăng trưởng mạnh nhất trong quý I/2016 khi Trung Quốc tăng 66%, Hàn Quốc tăng 33%, Hồng Kông tăng 160%, Đài Loan tăng 15% và Nhật Bản tăng 12%.
Riêng thị trường Trung Quốc, sau 1 năm giảm sâu thì mức tăng trưởng 66% đã gần tiệm cận với mức tăng trưởng khách Trung Quốc tới Việt Nam của năm 2014.
Điều đáng mừng là khách Trung Quốc đang có sự thay đổi rất quan trọng về mặt chất lượng, tiêu biểu là họ thường đến Việt Nam bằng đường hàng không đến khu vực nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc.
Cùng với thị trường này thì Nga cũng đang có chính sách khuyến khích công dân nước mình chuyển hướng đi du lịch trong đó có Việt Nam thay vì đi Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, thị trường truyền thống của Nga nhưng đang gặp một số vấn đề.
Mặc dù trong quý I/2016, lượng khách Nga chỉ tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng mức tăng này dự báo sẽ rất khả quan khi chỉ trong tháng này, phía Nga sẽ chính thức đặt văn phòng đại diện của mình tại Việt Nam. Đây là văn phòng khu vực Đông Nam Á nên tại đây, du khách sẽ được hỗ trợ không chỉ đến Việt Nam mà còn đến một số nước trong khu vực.