TP.HCM có hệ thống kênh rạch chằng chịt, thuận lợi cho vận tải và du lịch đường sông (ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Đề án nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân bằng đường thủy trong khu vực đô thị, hỗ trợ hệ thống giao thông đường bộ vốn đã quá tải; góp phần phát triển hoạt động du lịch đường thủy; xây dựng diện mạo mới cho bộ mặt, cảnh quan đô thị.
Theo dự thảo Đề án, phạm vi triển khai dự án là khu vực thuộc vùng nội đô trung tâm Thành phố, đi qua các quận: 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh và Thủ Đức, trên các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hũ.
Các tuyến đề xuất gồm: Tuyến số 1, từ Bạch Đằng (quận 1) đi Linh Đông (quận Thủ Đức), dài khoảng 10,8 km, qua nhiều khu dân cư đông đúc và điểm du lịch; Tuyến số 2, từ Bạch Đằng (quận 1) đi Lò Gốm (quận 6), dài 10,3 km, đi qua khu vực nội thị với mật độ dân cư dọc tuyến rất cao.
Tổng số vốn đầu tư cho cả hai tuyến buýt đường sông dự kiến tối thiểu khoảng 58 tỷ đồng, trong đó Công ty Thường Nhật đầu tư tàu thủy và bến đa chức năng với tổng vốn 46 tỷ đồng, phần còn lại do TP.HCM đầu tư.
TP.HCM có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, với tổng chiều dài đường thủy có thể khai thác vận tải hơn 1.000 km, thuận lợi và có tiềm năng rất lớn trong hoạt động vận tải hành khách và phát triển du lịch bằng đường thủy. Việc đầu tư xây dựng hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, nhằm phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt là vào thời gian cao điểm. Ngoài ra, việc khai thác vận tải hành khách bằng đường sông trong nội đô thành phố sẽ mở ra nhiều triển vọng phát triển du lịch.