Viễn thông - Công nghệ
Deepfake – "Mặt tối" khó kiểm soát của thế giới công nghệ
H.Thủy - 17/07/2019 17:20
Rất nhiều nỗi sợ hãi của công chúng về công nghệ đã được cường điệu hóa. Chẳng hạn như lo lắng về thời gian người dùng “dán mắt” vào màn hình hay các mạng truyền thông xã hội quá lâu, song những nghiên cứu cho thấy có rất ít bằng chứng về việc chúng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của người dùng.
Những tác hại tiềm ẩn của công nghệ Deepfake là vô cùng đáng lo ngại. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhưng Deepfake lại có thể là một vấn đề khác. Bất cứ công nghệ nào phát triển quá nhanh đều có thể gây ra những hậu quả không lường trước được. Giới chuyên gia cho rằng cách thức tinh vi và tốc độ nhanh chóng mà Deepfake có thể tận dụng để tạo nên những thông tin giả (fake news) có mức độ phủ sóng rất cao hoàn toàn là một thách thức ở tầm khác hẳn những vấn đề mà giới công nghệ từng gặp phải.

Khi video giả được “chế tạo” dễ dàng

Thuật ngữ “Deepfake” xuất hiện công khai trên Internet từ khoảng cuối năm 2017, với nghĩa gốc của từ này là sự kết hợp giữa “deep learning” (học sâu) và “fake”(giả tạo). Công nghệ này được biết đến rộng rãi khi một người dùng trên mạng xã hội Reddit đã sử dụng nó để hoán đổi gương mặt của người nổi tiếng vào trong các bộ phim người lớn với độ chính xác khá cao mà không mất nhiều công sức. Dù hứng chịu sự chỉ trách mạnh mẽ từ dư luận, nhưng Deepfake vẫn được cả giới chuyên gia lẫn các “tay mơ” dõi theo và thậm chí tham gia phát triển.

Trong ví dụ mới nhất về công nghệ Deepfake mới được công bố hồi cuối tháng 6/2019, các nhà nghiên cứu đã cho thấy phần mềm mới sử dụng các thuật toán Machine Learning (Học máy) có thể cho phép người dùng chỉnh sửa nội dung đã được văn bản hóa của video để thêm, xóa hoặc thay đổi các từ phát ra từ miệng của người nói trong video.

Để tạo ra những đoạn giả được thêm vào video gốc, các nhà nghiên cứu đã kết hợp một số kỹ thuật. Đầu tiên, họ quét video gốc để cô lập các âm vị (những âm thanh cấu thành nên các từ) được nói bởi người tham gia. Các nhà nghiên cứu sau đó kết nối các âm vị này với các biểu cảm khuôn mặt tương ứng khi thể hiện mỗi âm vị đó. Cuối cùng, họ tạo ra một mô hình 3D của nửa dưới khuôn mặt người nói bằng cách sử dụng video gốc.

Khi ai đó chỉnh sửa nội dung được văn bản hóa của video, phần mềm sẽ kết hợp tất cả dữ liệu được thu thập này gồm âm vị, hình ảnh và mô hình khuôn mặt 3D để tạo cảnh quay mới phù hợp với nội dung được thêm bớt vào văn bản. Sau đó, phần mềm sẽ dán thành phẩm vào video gốc để tạo nên video cuối cùng.

Công nghệ này vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Các thuật toán chỉ hoạt động trên các video dạng quay chính mặt người nói và cần lượng dữ liệu đầu vào khoảng 40 phút. Bài phát biểu được chỉnh sửa cũng không thể khác quá nhiều so với video gốc vì chất lượng âm thanh dù đã có cải thiện vẫn khá thấp so với chất lượng nguyên bản. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng họ chưa thể thay đổi tâm trạng hoặc giọng điệu của người nói vì làm như vậy sẽ dẫn đến kết quả “khá kỳ lạ và hơi đáng sợ”. Ngoài ra, nếu khuôn mặt người nói bị che khuất bất cứ khi nào, như ai đó vẫy tay trong khi nói thì thuật toán sẽ thất bại hoàn toàn.

Song những hạn chế luôn xuất hiện trong giai đoạn ban đầu và chúng gần như luôn được khắc phục. Điều đó đồng nghĩa công chúng sẽ sớm phải đối mặt với sự xuất hiện của phần mềm cho phép bất cứ ai chỉnh sửa những gì người khác nói trong video mà không cần trải qua đào tạo công nghệ cao. Rất nhiều người nổi tiếng đã phải chịu ảnh hưởng bởi các đoạn video giả mạo họ do Deepfake làm ra xuất hiện tràn lan trên Internet - từ những Tổng thống Mỹ như Barack Obama, Donald Trump hay thậm chí gần đây nhất là CEO Mark Zuckerberg của Facebook.

Phòng chống Deepfake vẫn là bài toán khó chưa có lời giải

Những tác hại tiềm ẩn của công nghệ Deepfake là vô cùng đáng lo ngại và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này thường bị chỉ trích vì đã không xem xét thành quả nghiên cứu của họ sẽ bị lạm dụng. Để trấn an dư luận, các nhà nghiên cứu lĩnh vực Deepfake đã nỗ lực đưa ra các công cụ phát hiện Deepfake có độ chính xác cao, với một công cụ mới đây có tỷ lệ phát hiện đúng lên tới hơn 90%.

Công cụ này bao gồm một thuật toán có khả năng phát hiện các yếu tố chỉnh sửa bằng AI trong video của các chính trị gia nổi tiếng như Donald Trump và Elizabeth Warren, bằng cách theo dõi các cử động khuôn mặt nhỏ nhất mang tính đặc trưng của mỗi cá nhân mà phần mềm chỉnh sửa không nắm bắt được.

Theo các chuyên gia, những phần mềm và công cụ có thể phát hiện ra các video bị chỉnh sửa sẽ chỉ khắc phục được một phần rất nhỏ vấn đề này. Chính những tác giả của công cụ chống Deepfake cũng cho rằng thành quả của họ sẽ trở nên vô ích.

Trong báo cáo của mình, nhóm tác giả này nhận định công nghệ Deepfake và chống Deepfake đang phát triển theo hướng không khác gì mối quan hệ giữa virus và các phần mềm chống virus. Bất cứ lỗi hay điểm yếu nào được phát hiện có thể giúp việc chống virus hiệu quả hơn, những phiên bản virus sau sẽ “vá” được những lỗi này và còn trở nên tinh vi hơn trước. Như trong trường hợp Deepfake, những phiên bản đầu tiên có thể khiến gương mặt bị chỉnh sửa của nhân vật luôn trong trạng thái mở mắt, hoặc khuôn miệng lúc phát âm không hề tự nhiên. Những phiên bản sau đã nâng cấp và cải thiện những yếu tố này rõ rệt, đến mức khó có thể nhận ra sự khác biệt bằng mắt thường giữa bản gốc và bản chỉnh sửa.

Bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ có thể phát hiện ra Deepfake tuy rất quan trọng, nhưng thách thức lớn hơn là làm cho các công  nghệ này thực sự được áp dụng rộng rãi và trở nên hữu ích. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Youtube vẫn chưa xác định rõ ràng chính sách của họ đối với Deepfake. Những nhà quản lý các nền tảng này từ chối xóa hoặc thậm chí “ngó lơ” những video có yếu tố bị chỉnh sửa ngay cả khi có phản hồi chính thức về nội dung bị giả mạo.

Một đặc điểm của thời đại truyền thông trực tuyến là hình ảnh chất lượng có thể rất thấp và không cần ngữ cảnh cụ thể nhưng vẫn tiếp cận được với người xem. Giống như tin tức giả, rất nhiều nội dung thông tin giả mạo có thể dễ dàng bị lật tẩy chỉ với một vài phút tra cứu trên Google, nhưng điều đó không ngăn chặn sự lan truyền của chúng. Deepfake cũng vậy, các thành phẩm của công nghệ này không cần hoàn hảo từng chi tiết và vẫn có rất nhiều người đón nhận.

Không thể chối bỏ rằng công nghệ Deepfake cũng có nhiều tác dụng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp phim ảnh và truyền hình. Deepfake cho phép các nhà làm phim sửa các lỗi sai mà không cần tốn tiền và thời gian quay lại. Hay nó cũng giúp tạo ra các bản lồng tiếng thống nhất, trơn tru trong các ngôn ngữ khác nhau. Song những lợi ích này có vẻ nhỏ bé hơn rất nhiều so với những thiệt hại tiềm ẩn mà Deepfake có thể dẫn tới.

Tin liên quan
Tin khác