Dell Technologies Việt Nam vừa lần đầu tiên tổ chức họp báo công bố kết quả kinh doanh trong năm tài khóa 2022.
Theo đó, doanh thu của Dell Technologies Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, lên tới 60% trong năm qua, bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Thậm chí là ngược lại, những thay đổi gần đây về phương thức thanh toán của người dùng và doanh nghiệp, đặc biệt là trong các lĩnh vực viễn thông, doanh nghiệp, ngân hàng và các dịch vụ tài chính..., dẫn đến nhu cầu cải tiến hạ tầng công nghệ của những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này, đã mang lại nhiều cơ hội cho công ty.
Xu hướng chuyển đổi số, làm việc và học tập trực tuyến... cũng đã góp phần quan trọng giúp các công ty công nghệ như Dell có được mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng.
Ông Amit Midha và ông Trần Vũ cùng xuất hiện tại cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội |
Dell đã kết thúc năm dương lịch với vị trí số 1 ở mảng các hệ thống lưu trữ ngoài, số lượng máy chủ x86 xuất xưởng và doanh thu của nhà cung cấp; tổng số lượng máy trạm; hệ thống lưu trữ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; thiết bị hạ tầng siêu hội tụ; tủ dĩa lưu trữ flash và hybrid (lai); và các hệ thống lưu trữ ngoài phổ thông.
Tất cả đều thể hiện kết quả kinh doanh ấn tượng của Dell tại Việt Nam - quốc gia có tốc độ phát triển nhanh tại Đông Nam Á.
Trong khi đó, các sản phẩm tiêu dùng của Dell tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng. Xuất phát từ nhu cầu làm việc từ xa của nhân viên văn phòng và học trực tuyến của học sinh - sinh viên, Dell tiếp tục dẫn đầu về thị phần ở mảng máy bàn và laptop tiêu dùng trong năm 2021.
Điều này mở đường cho chiến lược phát triển lớn hơn khi tập trung vào việc hợp tác với chính quyền địa phương về “quốc gia số” và mở rộng các sáng kiến công nghệ trong chương trình Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
“Trong bối cảnh Covid-19, mà tăng trưởng số lượng nhân viên của chúng tôi ở mức 17%. Năm qua, chúng tôi đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng và hy vọng, có thể tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng như vậy nữa trong năm nay”, ông Trần Vũ, Tổng giám đốc, Dell Technologies Việt Nam nói.
Cũng theo ông Trần Vũ, trong tương lai, việc đầu tư vào các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cấp quốc gia sẽ trở thành xu hướng công nghệ tại Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực an ninh mạng, điện toán đám mây, quản lý dữ liệu, và đặc biệt là việc triển khai mạng 5G.
Liên quan đến vấn đề này, ông Amit Midha, Chủ tịch, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản và Bộ phận Các thành phố Kỹ thuật số Toàn cầu của Dell Technologies, cho biết, xu hướng này cũng phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể của Dell Techonologies tại thị trường APJ, trong đó, công ty tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế số.
Trong buổi chia sẻ với báo chí tại Hà Nội, ông Midha cũng cho biết, công nghệ là một yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ châu Á tiến đến tương lai số.
“Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng tại châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản để hướng tới một nền kinh tế số mạnh mẽ hơn nữa”, ông Amit Midha.
Trước đó, chia sẻ với báo giới, ông Amit Midha cũng đã chia sẻ kết quả kinh doanh ấn tượng của Dell Technologies. Theo đó, Dell đã đạt doanh thu trên 101 tỷ USD trong năm tài chính 2022, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước.
“Dell Technologies Việt Nam là một trong những công ty có kết quả kinh doanh tốt nhất của Tập đoàn”, ông Amit Midha nói.