Khu du lịch Mũi Cà Mau hướng đến là một trong những trung tâm du lịch sinh thái, trải nghiệm rừng ngập đặc sắc, điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan vùng ĐBSCL… |
Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau chủ yếu thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển và một phần nhỏ thuộc huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
Ranh giới Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau được xác định: phía Đông Bắc lấy theo ranh giới Vườn quốc gia Mũi Cà Mau thuộc huyện Năm Căn; phía Đông giáp tuyến đường huyện 73; phía Tây giáp Vịnh Thái Lan và phía Nam giáp biển Đông.
Về phát triển thị trường khách du lịch, giai đoạn trước mắt, tập trung thu hút khách phổ thông, chủ yếu du lịch tham quan, khám phá. Đến năm 2025, mở rộng thu hút khách cao cấp, hướng đến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí. Giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên thu hút khách cao cấp.
Với thị trường khách nội địa, tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường khách từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trong vùng Đông Nam Bộ, thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mở rộng thị trường khách từ các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Chú trọng khách du lịch tham quan, trải nghiệm, khám phá cảnh quan thiên nhiên, du lịch biển, đảo.
Với thị trường khách quốc tế, ưu tiên khai thác thị trường mục tiêu như Mỹ, Úc, các nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản). Đồng thời mở rộng thị trường các nước Tây Âu (Anh, Pháp), Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Campuchia...) trong đó đặc biệt chú ý mối liên hệ bằng đường biển và tuyến hành lang ven biển phía Nam và chú trọng phân khúc thị trường khách du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng biển, du thuyền, vui chơi giải trí.
Về phát triển sản phẩm du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch trải nghiệm điểm cực Nam của Tổ quốc gắn với hoạt động tham quan, ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển; du lịch trải nghiệm: tàu không số trên biển; khám phá Vịnh Thái Lan với các hoạt động trải nghiệm chạy vỏ lãi trên bùn tại khu vực bãi bồi ven vịnh Thái Lan hay du thuyền cao cấp chạy trên Vịnh...; du lịch khám phá hành trình xanh trên cơ sở khai thác tuyến hành lang xanh gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn; du lịch tham quan, trải nghiệm sinh thái đặc thù cồn Ông Trang.
Ngoài ra, phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, trong đó, du lịch gắn với thiên nhiên: Du lịch sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau với các hoạt động: trải nghiệm sinh thái, ngắm san hô trong rừng, du lịch giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học; du lịch trải nghiệm đời sống sông nước của cư dân bản địa: Du lịch cộng đồng; tham quan làng nghề, cảnh quan công trình nhà ở, đời sống sinh hoạt hàng ngày của cư dân vùng Đất Mũi; du lịch biển, đảo khai thác giá trị của cụm đảo Hòn Khoai và biển Khai Long: du lịch tham quan, sinh thái, dã ngoại và vui chơi giải trí; nghỉ dưỡng biển cao cấp và du lịch thể thao biển; du lịch văn hóa lịch sử: Tham quan, tìm hiểu các di tích văn hóa lịch sử; giáo dục truyền thống cách mạng.
Quyết định cũng nêu rõ cơ cấu phân khu chức năng Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau. Cụ thể, trung tâm Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau (thuộc các ấp: Kinh Đào Tây, Ấp Mũi, Kinh Đào Đông, Rạch Tàu Đông, Rạch Thọ, Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, diện tích khoảng 2.100 ha) là khu vực vùng lõi, tập trung phát triển của Khu du lịch Quốc gia, trung tâm hạt nhân với các công trình du lịch, trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng sinh thái rừng ngập mặn. Đến năm 2030, Khu du lịch Mũi Cà Mau đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch Quốc gia.
Các khu chức năng chính: Khu công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, khu du lịch sinh thái rừng biển, khu du lịch cộng đồng sinh thái làng rừng, khu du lịch sinh thái làng nghề sản xuất và khu du lịch tổng hợp Khai Long.
Không gian du lịch sinh thái đặc thù (thuộc xã Đất Mũi và xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, diện tích khoảng 3.850 ha) là không gian tiếp giáp Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, là vùng đệm và khu vực xây dựng các trung tâm dịch vụ, các điểm du lịch cộng đồng phục vụ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm đặc thù sinh thái - văn hóa rừng, đời sống sông nước.