Doanh nghiệp
Dệt may đầu tư chuỗi dự án tận dụng FTA
Hải Yến - 10/06/2021 09:32
Dù dịch bệnh làm giảm nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may toàn cầu, nhưng các doanh nghiệp ngành này vẫn mạnh tay đầu tư để đón đầu khi thị trường hồi phục.
Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu ảnh: đức thanh

Chu kỳ đầu tư dự án mới

Sau năm 2020 khá im ắng để tập trung cho sản xuất, kinh doanh, bảo toàn vốn và chống Covid-19, bước sang năm 2021, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đã khởi động chu kỳ đầu tư mới, với các dự án nâng cao năng lực sản xuất, hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên liệu, tận dụng cơ hội từ loạt FTA thế hệ mới đã có hiệu lực như EVFTA, CPTPP, UKVFTA…

Xuất khẩu toàn ngành dệt may tăng hơn 10% trong 5 tháng đầu năm 2021, với 14,2 tỷ USD, trong đó xơ sợi khoảng 2,3 tỷ USD, vải địa kỹ thuật 230 triệu USD, còn lại là hàng may mặc.
Trong năm nay, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD ở kịch bản cao và 38 tỷ USD với kịch bản trung bình.

Nguồn: Vitas 

Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, một “ông lớn” trong ngành sợi vừa thông qua phương án đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex tại Tây Ninh, với chi phí đầu tư 120 triệu USD, trong đó 75 triệu USD giai đoạn I và 45 triệu USD giai đoạn II.

Dự án Unitex tập trung vào lĩnh vực sợi tái chế và sợi chất lượng cao, với tổng công suất 60.000 tấn/năm. Giai đoạn I có công suất 36.000 tấn được khởi công năm 2021, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023.  Giai đoạn II với công suất 24.000 tấn được thực hiện trong năm 2023-2025.

Khi 2 giai đoạn của Dự án đi vào hoạt động, Sợi Thế Kỷ sẽ trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ 2 tại Việt Nam, với tổng công suất 120.000 tấn/năm.

Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, lại là ngành được hưởng những lợi thế từ hội nhập thông qua loạt FTA, là động lực khiến các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tận dụng ưu đãi. Chẳng hạn, với EVFTA, hàng xuất khẩu đáp ứng quy tắc xuất xứ từ khâu sản xuất vải trở đi là đủ tiêu chí nhận ưu đãi thuế, UKVFTA kế thừa EVFTA cũng quy định như vậy.

Với CPTPP, quy tắc xuất xứ chặt hơn, yêu cầu từ khâu sản xuất sợi đến thành phẩm cuối cùng đều được sản xuất tại Việt Nam.

Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến, nhà cung ứng lớn của Hãng Uniqlo tại Việt Nam đã quyết định chi 300 tỷ đồng thực hiện các dự án đầu tư trong năm 2021, trong đó lớn nhất là khoản vốn góp 100 tỷ đồng thành lập Việt Thái Tech.

Theo doanh nghiệp công bố trước đó, Việt Thái Tech là liên doanh giữa Việt Tiến và 2 đối tác chiến lược là Luenthai và Newtech để sản xuất vải, tăng chủ động nguồn nguyên liệu. Dự án Việt Thái Tech có tổng kinh phí đầu tư là 20 triệu USD, trong đó giai đoạn I là 12 triệu USD, giai đoạn II là 8 triệu USD.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, với việc EVFTA đi vào thực thi từ ngày 1/8/2020, đưa thuế suất cơ sở đối với hàng may mặc từ 12% xuống 0% theo lộ trình 7 năm, nhờ đó đem đến lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam với các quốc gia như Bangladesh, Campuchia, Pakistan. Do đó, không khó hiểu khi đặt mục tiêu đầu tư mở rộng để chớp thời cơ thị trường đã được các doanh nghiệp công bố.  

Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công (TCM) sẽ khởi công xây dựng nhà máy Vĩnh Long 2 ngay trong năm nay, với công suất gần 9 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.  Doanh nghiệp này xác nhận, việc đầu tư tăng năng lực cung ứng là tất yếu, bởi tất cả các nhà máy của TCM đều hoạt động với công suất tối đa 33 triệu sản phẩm/năm. Với dự án mới, Thành Công kỳ vọng sẽ giúp doanh thu mảng may mặc tăng lần lượt 22% và 27% trong năm 2022-2023.

Bổ sung nguồn cung thiếu hụt

Những dự án đầu tư mới, đặc biệt là sản xuất nguyên liệu như sợi, vải sẽ phần nào giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may xuất khẩu. Khi khả năng sản xuất của doanh nghiệp tăng lên nhờ các dự án đầu tư mới hoàn thành, các doanh nghiệp trong ngành sẽ được hưởng lợi khi có thêm nguồn cung, tăng tỷ lệ xuất xứ theo quy định trong các FTA.

Ngoài những dự án đã và sẽ chuẩn bị khởi công trong năm 2021, từ nay đến cuối năm, ngành dệt may tiếp tục có thêm những dự án mới đi vào hoạt động, gồm cả dự án nguyên liệu và may mặc.

Trong đó, dự án đầu tư giai đoạn IV, Nhà máy sợi Brotex của Công ty TNHH Brotex (Việt Nam) dự kiến đi vào hoạt động vào quý III năm nay, nâng tổng công suất của nhà máy lên 80.000 tấn/năm. Một dự án lớn khác chuyên sản xuất vải dệt kim, vải móc và vải không dệt của Công ty TNHH Texhong tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (Quảng Ninh), với vốn đầu tư 214 triệu USD sẽ đi vào vận hành trong tháng 11/2021.

Riêng Dự án của Công ty Polytex Far Eastern tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) mới đây đã tăng vốn thêm 610 triệu USD, nhằm thực hiện hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất xơ tổng hợp polyester, sản phẩm kéo sợi.

Đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, các dự án đầu tư nguyên liệu của doanh nghiệp sẽ giải quyết được phần nào rào cản kỹ thuật trong các hiệp định EVFTA hay CPTPP.

Cùng với lợi ích về xóa bỏ thuế quan, EVFTA với quy tắc xuất xứ yêu cầu “từ vải” kết hợp với yêu cầu “từ sợi trở đi” của Hiệp định CPTPP sẽ tiếp tục thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ thượng nguồn đến cắt may thành phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành và giảm dần phụ thuộc việc nhập khẩu nguyên phụ liệu bên ngoài.

“Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, nên các doanh nghiệp sẽ tiếp đổ vốn để tăng năng lực sản xuất, tận dụng cơ hội thị trường từ các FTA”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas nhận định.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin liên quan
Tin khác