Doanh nghiệp
Dệt may dồn lực giao hàng đúng hẹn
Hải Yến - 17/06/2021 11:33
Từ tháng 6 đến tháng 8/2021 là thời điểm căng thẳng với các doanh nghiệp may trong việc hoàn thành và giao hàng. Lao động ổn định là mấu chốt để không bị lỡ hẹn với đối tác.
Việc được tổ chức sản xuất ổn định có năng suất cao, đảm bảo thời gian giao hàng của khách trở thành ưu tiên số 1 của cộng đồng doanh nghiệp.   Ảnh: Chí Cường

Nỗi lo giờ đã khác

Nếu như cùng kỳ năm trước, các doanh nghiệp dệt may oằn mình lo đơn hàng bị các nhà nhập khẩu tạm hoãn, hủy do Covid-19, thì hiện tại, đơn hàng không phải mối bận tâm lớn, nhưng đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại nhiều khu công nghiệp đang khiến doanh nghiệp xoay xở để có đủ lao động làm việc, giao hàng đúng hẹn.

Thuận lợi về đơn hàng đã thấy rõ, nhưng nếu không bảo đảm sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ USD, do đó, người lao động cần được bảo vệ bằng vắc-xin Covid-19. 

Ông Đặng Vũ Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xác nhận: “Từ tháng 6 đến tháng 8/2021 là thời điểm căng thẳng đối với các doanh nghiệp ngành may trong việc hoàn thành và giao hàng, nên việc đảm bảo đủ nguồn lực để hoàn thành lượng đơn hàng giao đúng hẹn cho đối tác là nhiệm vụ lớn của mỗi doanh nghiệp”.

Chính vì thế, lúc này việc được tổ chức sản xuất ổn định có năng suất cao, đảm bảo thời gian giao hàng của khách trở thành ưu tiên số 1 của cộng đồng doanh nghiệp.

Áp lực với các nhà điều hành doanh nghiệp là dịch bệnh vẫn đang phức tạp tại một số khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, nơi đóng nhiều nhà máy dệt may, cùng với các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nên lực lượng lao động sản xuất không làm việc thường xuyên, dẫn đến khó kịp đơn hàng cho nhà nhập khẩu.

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), từ đầu tháng 5/2021 đến nay đã có hàng chục doanh nghiệp dệt may phải tạm dừng sản xuất một số ngày vì có ca F0. Các doanh nghiệp có nhà máy dừng hoạt động đứng trước áp lực vừa “đội” chi phí sản xuất, vừa phải xoay tiền trả lương công nhân để giữ chân họ.

Bài toán khó với không ít doanh nghiệp hiện nay chính là việc tìm đủ nhân lực để sản xuất. So với cùng kỳ năm 2020, nhu cầu tuyển dụng trong mảng này đã tăng khoảng 50 - 60%.

Song, theo đánh giá của Navigos Search, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự, ngành dệt may không còn là lựa chọn hàng đầu của người lao động bởi mức lương thấp hơn so với nhiều ngành khác, khiến nhiều người lao động không mặn mà.

Doanh nghiệp lo kinh phí tiêm vắc-xin

Bộ Công thương cho biết, 5 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc  so với cùng kỳ năm trước, khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt trên 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng hơn 60%, đạt gần 2,2 tỷ USD; vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%, đạt gần 300 triệu USD.

Tín hiệu khởi sắc là thị trường Mỹ và châu Âu gia tăng nhu cầu mua sắm quần áo và giày dép khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa, khiến đơn hàng thuận lợi khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III và cả năm 2021.

Công ty cổ phần Dệt Bảo Minh (Nam Định) cho biết, doanh nghiệp này liên tục nhận đơn hàng của khách hàng châu Âu, Mỹ. Để yên tâm sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh căng thẳng, người lao động cần được bảo vệ bằng vắc-xin, theo đó, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền tiêm vắc-xin cho người lao động. 

Tương tự, với Vinatex, đơn vị đang sử dụng là 150.000 lao động, lãnh đạo tập đoàn này cho biết, để bảo vệ người lao động, các doanh nghiệp trong Tập đoàn đều có quan điểm là đăng ký với Chính phủ về việc doanh nghiệp sẵn sàng chịu mọi chi phí để được tiêm vắc-xin cho lao động của mình với dự trù kinh phí lên tới 200 tỷ đồng.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin liên quan
Tin khác