Doanh nghiệp
Doanh nghiệp dệt may bám nhà máy, duy trì sản xuất thời đại dịch
Hồng Phúc - 10/06/2021 18:03
Lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang đứng ngồi không yên vì dịch Covid-19, song vẫn quyết tâm, sẵn sàng các biện pháp ứng phó, bởi chỉ có giữ được sản xuất mới giữ được doanh nghiệp.

Sẵn sàng ứng phó, bám nhà máy, duy trì sản xuất 

 Đang hồ hởi sản xuất để đáp ứng lượng lớn đơn hàng đổ về trong quý đầu năm có thể đủ đến hết năm nay, hiện lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành có có lực lượng lao động lớn như dệt may đang đứng ngồi không yên, lo rủi ro từ làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19.

Ông Đặng Vũ Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VGT) cho biết, những chỉ tiêu của hai quý đầu năm đã được Tập đoàn này vượt qua. 

Tuy nhiên vị này nhận định, nửa cuối năm nay, tình hình có thể khó khăn hơn nhiều. Song doanh nghiệp vẫn phải quyết tâm, sẵn sàng có các biện pháp ứng phó, bởi chỉ có giữ được sản xuất mới giữ được doanh nghiệp.

Công nhân làm việc trong một nhà máy may tại TP.HCM (Ảnh: Lê Toàn)

Tổng giám đốc Vinatex đã yêu cầu các doanh nghiệp trong Tập đoàn đưa ra giải pháp phòng dịch hiệu quả, đảm bảo tính liên tục trong sản xuất.

Tại các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex, ngoài việc nghiêm túc thực hiện 5K, khối văn phòng giữ hoạt động luân phiên, 50% làm việc tại nhà, 50% làm việc tại văn phòng, đảm bảo thông suốt hoạt động kinh doanh. 

“Với các nhà máy sợi- dệt- may có lực lượng lao động đông đảo từ hàng trăm đến vài ngàn người vẫn phải đảm bảo công nhân bám nhà máy sản xuất, đặc biệt trong thời gian cao điểm cần hoàn thành các đơn hàng đúng hạn”, ông Đặng Vũ Hùng nhấn mạnh.

Đồng thời vị này cho biết, ngoài áp dụng 5K với công nhân, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn này còn phải lưu ý đến các đối tượng khác liên quan như các nhà thầu phụ (ví dụ các đơn vị không có bếp nấu ăn phải thuê dịch vụ đưa thức ăn từ bên ngoài vào nhà máy) thì không được phép để họ tiếp xúc trực tiếp với người lao động. 

“Từ tháng 06 đến tháng 08/2021 là thời điểm căng thẳng đối với các doanh nghiệp may trong việc hoàn thành và giao hàng nên tuyệt đối không để dịch bệnh khiến việc sản xuất kinh doanh trong từng đơn vị bị ngưng trệ”, ông Hùng nói và cho biết, Tập đoàn này đã thành lập Ban vắc-xin do ông là Trưởng ban phối hợp với bệnh viện Dệt may để có nguồn vắc-xin tiêm cho cán bộ nhân viên các doanh nghiệp trong Tập đoàn.

Với các đơn vị may, khi có phía đánh giá tiêu chuẩn, kiểm hoá đến nhà máy thì phải đảm bảo giãn cách, để họ làm việc trong khu vực cách xa công nhân của đơn vị. 

Tất cả những công việc này nhằm đảm bảo công nhân không phải tiếp xúc với người lạ, không để mầm bệnh lọt vào khu vực nhà máy.

Còn với đội ngũ lái xe phụ trách vận chuyển hàng hoá ra vào khu vực nhà máy có kết quả Covid-19 âm tính mới được vào nhà máy. 

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiện có hơn 3 triệu người lao động làm việc trong ngành may mặc. Các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn đang đứng trước thách thức lớn từ tác động từ làn sóng lần này. Trong 2 tuần qua, đã có 45 nhà máy đóng cửa. 

Có thể hi sinh lợi nhuận, vì con người là quan trọng nhất

Tối 31/05, lãnh đạo Trung tâm Y tế ở Thành phố Thủ Đức xác nhận một nữ nhân viên của Công ty TNHH Coats Phong Phú nằm trong khuôn viên Cụm công nghiệp Phong Phú đã nhiễm Covid-19.

Toàn bộ nhân viên công ty này khoảng 1.000 người đã được liên lạc để cơ quan chức năng của Thành phố tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.

Ngay khi biết đến thông tin có ca nhiễm trong khu công nghiệp nói trên (dù không cùng khu vực với nhà máy sản xuất của doanh nghiệp mình) ông Trần Như Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (mã: TCM) nóng ruột vì rủi ro này cũng có thể xảy ra với người lao động đang làm việc tại hệ thống nhà máy sản xuất sợi dệt nhuộm may của Thành Công.

Theo Báo cáo thường niên năm 2020, Thành Công có 7.002 lao động và tất cả đều theo hợp đồng toàn thời gian. 

“Thật sự tôi rất áp lực, dù ban lãnh đạo đã đưa ra hàng loạt kịch bản ứng phó để làm hết sức có thể nhằm chống dịch mà vẫn đảm bảo sản xuất kinh doanh”, ông Tùng chia sẻ.  

Người lao động làm việc trong nhà máy may của Thành Công (Nguồn: TCM).

Áp lực đặt lên vai những nhà lãnh đạo doanh nghiệp có hàng nghìn lao động như Thành Công là rất lớn.

Họ chỉ có thể thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro như chia khu làm việc, chia ca, liên tục thông báo trên loa tại xưởng,…và đặt kỳ vọng ý thức của người lao động bằng việc hạn chế tiếp xúc với người trong và ngoài xưởng, thực hiện nghiêm 5K.

Trụ sở chính của công ty này đặt tại quận Tân Phú- khu vực có tình hình dịch bệnh phức tạp không kém quận Gò Vấp, khi bệnh viện quận Tân Phú vừa gỡ phong toả thì lại có thêm 2 nhân viên dương tính Covid-19.

Với nhóm nhân viên văn phòng, Thành Công chia làm việc xen kẽ theo các ngày chẵn lẻ trong tuần.

Còn khối sản xuất tại nhà máy, họ chia thành nhóm theo 2 ca (ca từ 5 giờ đến 13 giờ và ca từ 14 giờ đến 22 giờ) và có 1 tiếng trống giữa hai ca để hạn chế các lao động tiếp xúc với nhau. 

Thậm chí tại một xưởng trong cùng khu nhà máy, họ tách mọi hoạt động riêng ra như một công ty độc lập, có bảo vệ riêng và chỉ cho nhân viên xưởng đó mới được đi vào.

Ông Tùng cũng cho biết, doanh nghiệp vừa mua vài chục máy quạt lớn vì khu làm việc đều tắt hết máy lạnh, mở cửa sổ cho thông thoáng. Nhân viên phải chấp nhận nóng để đạt mục tiêu an toàn là trên hết. 

“Ngành dệt may năm nay có đơn hàng rất nhiều. Nếu khâu sản xuất bị ảnh hưởng sẽ tác động vào thời gian hoàn thành đơn hàng. Với những phía không chấp nhận đơn hàng trễ thì chúng tôi sẽ phải thuê máy bay để vận chuyển.

Chắc chắn, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm nhưng với chúng tôi, sức khoẻ người lao động là quan trọng nhất”, Phó Tổng giám đốc dệt may Thành Công cho biết.

Mọi biện pháp phòng dịch như thực hiện 5K toàn công ty, đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên, cài Bluezone và thường xuyên bật bluetooth để ứng dụng hiệu quả,…đều được các doanh nghiệp yêu cầu nhân viên thực hiện từ khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam.

Hay từ khi làn sóng dịch thứ 4 này xuất hiện, các doanh nghiệp còn lập Ban chỉ đạo chống Covid-19 tại các nhà máy, cho nhân viên nghỉ việc luân phiên và chuyển các cuộc họp trực tiếp sang họp trực tuyến.

Tại Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ, ban lãnh đạo đã xây dựng kịch bản trong trường hợp có nhân viên bị nhiễm Covid thì cần thực hiện các bước phối hợp với chính quyền để xác định F1, F2, đưa đi xét nghiệm, cách ly. 

Bà Nguyễn Phương Chi, giám đốc chiến lược Sợi Thế Kỷ cho biết, trong trường hợp số người bị nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc với người bị nghi nhiễm (F1, F2) không nhiều và nhà máy không bị đóng cửa thì công ty vẫn có thể bố trí nhân lực để đảm bảo vận hành nhà máy. 

Bởi, họ sẽ điều tiết nhân lực từ nhà máy Củ Chi (TP.HCM) sang nhà máy Trảng Bàng (Tây Ninh) và ngược lại. 

Ngoài ra Sợi Thế Kỷ vừa áp dụng chương trình đào tạo tay nghề cho công nhân để họ có thể đảm đương các công việc khác nhau.

Ví dụ nhân viên cơ điện có thể được đào tạo để đứng máy, lên sợi; công nhân đóng gói có thể học đứng máy; công nhân đứng máy có thể học các tác nghiệp lên dàn, nối đuôi,…

“Chúng tôi đã cố gắng làm hết sức tất cả mọi việc mình có thể nhưng cũng không dám quá lạc quan. Mọi việc có thể làm cũng không đủ để 100% tránh khỏi rủi ro có người bị lây nhiễm trước tình hình căng thẳng như hiện nay”, bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc chiến lược Sợi Thế Kỷ lo ngại.

Đại diện Vinatex, dệt may Thành Công hay Sợi Thế Kỷ và có thể rất nhiều doanh nghiệp khác đều cho rằng, việc tiêm vắc-xin là hết sức cần thiết và cấp bách.

Họ khẳng định sẽ trả mọi chi phí mua, tiêm vắc-xin cho cán bộ công nhân viên nội bộ và đều mong đợi điều này từ Chính phủ.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!
Tin liên quan
Tin khác