Nhằm nhanh chóng có những hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hôm nay UBND TP.HCM đã Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và các chuyên gia, doanh nghiệp trên địa bàn.
Hội nghị nhằm ghi nhận các kiến nghị của chuyên gia, doanh nghiệp và bàn các giải pháp hỗ trợ nhằm thể hiện mục tiêu chính quyền Thành phố cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện vẫn còn phức tạp.
Về hoạt động kinh doanh, từ đầu năm đến nay có 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc, 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân, 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Chủ tịch UBND TP.HCM kỳ vọng một lần nữa, cộng đồng doanh nghiệp, người dân trên địa bàn sẽ cùng chính quyền “siết chặt tay nhau” để vững bước qua khó khăn lần này.
Hiện nay, mỗi ngày Thành phố phải chi khoảng 7 tỷ đồng cho việc thực hiện xét nghiệm. Mục tiêu của TP.HCM là tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân Thành phố.
Ngày mai, Chủ tịch UBND TP.HCM sẽ nghe kế hoạch tổng thể, lộ trình tiêm vắc-xin từ ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND.
Chia sẻ thêm về vấn đề vắc-xin, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư TP.HCM đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Bộ Y tế trước khi tham dự cuộc họp với doanh nghiệp sáng nay.
Bí thư TP.HCM cho biết, mục tiêu của TP.HCM là tiêm toàn dân. Chính phủ đã mở rộng cơ chế cho các doanh nghiệp được tiếp cận vắc-xin bất cứ ở đâu. Khi có, Bộ Y tế sẽ sẵn sàng kiểm tra chất lượng, triển khai kế hoạch tiêm.
“Nhưng hiện rất khó tiếp cận vì nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu. Ai có nguồn thì cứ báo nguồn vắc-xin cho TP.HCM, còn tiền thì cỡ nào chúng ta cũng sẽ cố gắng được”, ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM tạm ngưng hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay tăng gần 24% (Ảnh minh hoạ: Nhân Trần). |
Trong khi đó, bà Lê Thị Huỳnh Mai, giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn, có hơn 6.400 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, cộng động doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi số lượng doanh nghiệp đăng ký giải thể tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái (với 2.458 doanh nghiệp); số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng gần 24% với hơn 9.800 doanh nghiệp.
Có 5 khó khăn chung mà các doanh nghiệp đang gặp phải như lực lượng lao động tham gia sản xuất sụt giảm; phát sinh chi phí phòng ngừa dịch Covid-19; người lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc; gián đoạn trong tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng và thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), ông Chu Tiến Dũng cho rằng, dựa trên số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường từ đầu năm đến giữa quý II/2021 phản ánh tình trạng đáng lo ngại khi đây là lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp “tháo chạy” khỏi thị trường cao kỷ lục so với số mới tham gia.
Khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp của HUBA bằng hình thức online cho thấy, trên 84% các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do tái dịch Covid-19 lần thứ 4 này.
Trong đó, thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%, thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.
Chủ tịch TP.HCM cho biết chủ trương của Thành phố là tiêm vắc-xin Covid-19 cho tất cả người dân trên địa bàn (Ảnh minh hoạ: Nhân Trần). |
Mặc dù một số doanh nghiệp ở một số ngành công nghiệp trọng yếu đã nhanh chóng kết nối lại được nguồn nguyên liệu; điều chỉnh lại hoạt động phù hợp với các điều kiện hiện tại cùng với khả năng tiêu thụ sản phẩm nhưng đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm.
Nhiều doanh nghiệp muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đẩy mạnh mua bán online… nhưng đang kẹt về vốn.
"Các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiếp rất thấp. Một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất …đối với doanh nghiệp tuy đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn", ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA phát biểu tại cuộc họp sáng nay.
Đồng thời, vị này cho biết, các khoản nợ của doanh nghiệp được ngân hàng quan tâm xem xét cơ cấu lại nợ vay, gia hạn, không chuyển nhóm nợ nhưng chưa được quan tâm xem xét giảm lãi vay cho khoản nợ cũ.
Khoản vay mới phải có tài sản bảo đảm mức lãi suất vay tuy có giảm hơn nhưng vẫn còn cao so với lãi suất ngân hàng huy động từ tiền gửi tiết kiệm; nhu cầu vay trả lương giữ chân người lao động hầu như không thực hiện được.
Trong khi đó, về tình hình hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trên địa bàn trong 5 tháng đầu năm 2021, giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, đã có hơn 2,3 triệu khách hàng được hỗ trợ tiền điện với tổng số tiền hỗ trợ hơn 1.086 tỷ đồng; số thuế đã gia hạn của các doanh nghiệp, tổ chức là 8.803 tỷ đồng, các hộ gia đình là 218 tỷ đồng; có 1.542 hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp đã được xử lý, với số tiền hoàn hơn 9.100 tỷ đồng.