Dệt may còn sức nóng
Sau một thời gian phát triển nhanh về quy mô, năng lực sản xuất vượt 35 tỷ USD, cùng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, sức hút của ngành dệt may nước ta với các nhà đầu tư ngoại vẫn rất mạnh mẽ.
Thu hút FDI vào ngành dệt may vẫn duy trì phong độ. Trong ảnh: Công ty Fabi Secret Việt Nam, một doanh nghiệp FDI lĩnh vực dệt may đến từ Đài Loan. |
Trong 2 tháng đầu năm 2018, một số dự án FDI sản xuất nguyên phụ liệu và phụ kiện cho ngành dệt may tiếp tục được các địa phương chấp thuận đầu tư đã minh chứng cho điều này. Ngay trước Tết Nguyên đán 2018, tỉnh Nam Định đã trao giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Nhà máy Dệt và may trang phục Ramatex Nam Định cho Công ty TNHH Herberton (Singapore).
Dự án Nhà máy Dệt và may trang phục Ramatex có tổng mức đầu tư 1.818 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD), chuyên sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và các loại vải không dệt khác; may trang phục (trừ trang phục da, lông thú), đóng tại Khu công nghiệp Bảo Minh, tỉnh Nam Định. Dự kiến, Nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2019 với công suất 25.000 tấn vải các loại, 15 triệu sản phẩm trang phục/năm, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động.
Ramatex không phải tên tuổi xa lạ trong ngành may mặc châu Á. Nhà sản xuất này đã mở rộng các chi nhánh hoạt động khắp châu Á với 3 nhà máy dệt vải và 13 nhà máy sản xuất sản phẩm may, phân bố tại Singapore, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc.
Một dự án sản xuất nguyên phụ liệu khác của nhà đầu tư Nhật Bản cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 2/2018, đó là Dự án Nhà máy YKK Hà Nam, chuyên sản xuất các loại khóa kéo, các sản phẩm có liên quan, nguyên phụ liệu dùng cho ngành may với quy mô sản xuất 420 triệu sản phẩm/năm. Dự án này có tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, tại KCN Đồng Văn III, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Là nhà sản xuất dây kéo khóa, có thị phần lớn trên thế giới, YKK chính thức hoạt động tại Việt Nam năm 1998, chuyên sản xuất khóa kéo cho quần áo, giày dép, va li, khóa nhựa cho mũ bảo hiểm và một số sản phẩm phụ trợ khác. Nhà sản xuất này đã chọn Việt Nam là địa chỉ đặt nhà máy mới để gia tăng sản lượng cung ứng ra thị trường toàn cầu.
Lợi ích xuất khẩu giúp “kéo” vốn ngoại
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), thành viên Đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Việt Nam khẳng định, lợi ích xuất khẩu vẫn tiếp tục song hành cùng cơ hội thu hút vốn FDI của ngành dệt may khi có CPTPP.
Theo ông Thái, trước đây, một số nhà quan sát dự kiến ngành được hưởng lợi trong thu hút FDI là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm. Đến nay, nhận định này vẫn đúng.
Thực tế, làn sóng FDI vào ngành dệt may Việt Nam có giai đoạn tăng rất mạnh từ khi nước ta tham gia đàm phán TPP, nhưng sau thời điểm Mỹ rút khỏi TPP, dòng vốn FDI đã không tăng đột biến, thậm chí hơn 1 năm trở lại đây, số dự án được cấp mới thưa dần. Mặc dù vậy, dệt may vẫn “rinh” về hơn 750 triệu USD vốn đầu tư, chủ yếu do các dự án điều chỉnh tăng vốn. Như vậy, tuy số lượng dự án không nhiều, nhưng lượng vốn mà các nhà đầu tư mang đến Việt Nam lại “đồ sộ” hơn.
Cùng chung nhận định về cơ hội của ngành dệt may, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành công nghiệp này sẽ còn tiếp tục hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài cho tới năm 2040.
Cơ sở của nhận định này, theo phân tích của ông Giang, đó là, khi các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào ngành dệt may và phát triển tốt, họ sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư khác tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Không chỉ có thêm động lực nhờ CPTPP, ngành dệt may Việt Nam đang chờ đợi những dòng vốn mới từ EU, một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của dệt may Việt Nam với quy mô trên 4 tỷ USD, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào cuối năm nay.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên, doanh nghiệp có tỷ trọng hàng dệt may xuất khẩu đi Mỹ và EU lớn, cho rằng, mặc dù Mỹ không tham gia ký kết CPTPP, nhưng đây vẫn là thị trường xuất khẩu hàng dệt may quan trọng nhất của Việt Nam. Bên cạnh đó, với nhu cầu hoàn thiện chuỗi cung ứng trong ngành sản xuất, dệt may Việt Nam vẫn hội tụ các điều kiện để doanh nghiệp FDI lựa chọn đầu tư.
“Với các FTA có sự tham gia của nhiều thị trường lớn đi vào thực thi, đặc biệt với CPTPP, thuế nhập khẩu ở các thị trường đối với hàng công nghiệp Việt Nam sẽ giảm về mức 0% theo lộ trình, nên dù ít, dù nhiều, lợi ích từ xuất khẩu vẫn kích thích các nhà đầu tư bỏ vốn. Đơn cử, xu thế đầu tư sản xuất xơ sợi để xuất khẩu đã hình thành, do Việt Nam đang có thị trường xuất khẩu sợi lớn sang Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc… và dòng vốn FDI chảy vào ngành sợi có thể tiếp tục tăng”, ông Dương nhận định.
Còn sức hút để kéo vốn ngoại, cũng đồng nghĩa, năng lực sản xuất và xuất khẩu dệt may Việt Nam còn nhiều cơ hội để mở rộng và phát triển trong giai đoạn tới.